Trang chủ » ‘Học phí trả cho sự cố cầu Thăng Long là đắt’

‘Học phí trả cho sự cố cầu Thăng Long là đắt’

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

– Mặt cầu Thăng Long vừa mới sửa chữa với công nghệ tiên tiến đã xuất hiện những vết rạn nứt. Theo ông, nguyên nhân có thể là do đâu?

– Đây là hiện tượng đùn vật liệu sang 2 bên và lớp áo nhựa mặt cầu trượt nhau. Cũng có thể vấn đề kết dính và độ bám chặt của lớp dải trên mặt cầu có vấn đề. Tôi cho rằng có sự chuyển động của các bánh xe, tạo ra các mô-men xoay, hoặc lực tiếp tuyến trên mặt đường gây lực trượt trên bề mặt. Còn việc đùn sang hai bên là do xe chạy gây ra.

Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân chính xác, cần tìm hiểu vật liệu dùng trong thi công có độ kết dính chưa? Nếu vật liệu đủ kết dính thì rõ ràng quá trình thi công có vấn đề.

Sự cố xảy ra với các công trình xây dựng không thể tránh khỏi. Công trình càng lớn thì sự cố càng nhiều. Cầu Thăng Long áp dụng công nghệ mới. Tôi không nghi ngờ yếu tố công nghệ tiên tiến mà cho rằng yếu tố đảm bảo đúng công nghệ có vấn đề. Việc này có thể coi như là học phí chúng ta phải bỏ ra trả cho công nghệ mới. 97 tỷ đồng đầu tư, theo tôi so với cây cầu thì không quá lớn, nhưng đây là kinh nghiệm, là bài học thực tiễn để chúng ta áp dụng vào các công trình khác.

pGS-TSKH Nguyễn Văn Hùng đang trò chuyện với VnExpress.net. Ảnh: Xuân Tùng
pGS.TS Nguyễn Văn Hùng trò chuyện với VnExpress.net. Ảnh: Xuân Tùng

– Dự kiến ban đầu thời gian thi công kéo dài 3 tháng nhưng sau đó rút ngắn còn 2 tháng. Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ thi công là nguyên nhân gây nứt mặt cầu?

– Rút ngắn thời gian thi công thì phải đảm bảo kỹ thuật. Khi đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng của công trình thì có rút ngắn cũng không sao. Tất nhiên, nếu làm vội, làm ẩu thì có khả năng xảy ra sơ suất nhưng tôi cho rằng, yếu tố này không xảy ra vì công trình có giám sát của chuyên gia nước ngoài. Có chăng chỉ là chưa lường hết được yếu tố kỹ thuật cũng như tác động bên ngoài trong quá trình áp dụng công nghệ mới.

– Lý giải cho việc rạn, nứt mặt cầu, đại diện Ban quản lý cho rằng có thể một mẻ bê tông nào đó còn vấn đề. Ông bình luận gì trước ý kiến trên?

– Việc này không thể nói cụ thể vì chưa kiểm tra, tuy nhiên tôi cho rằng có hiện tượng trượt bề mặt nhựa hoặc độ cứng ván mặt cầu không đủ dẫn đến độ nén chặt không đảm bảo. Cũng không loại trừ trường hợp, có lớp nước trong quá trình thi công nên dẫn đến hiện tượng trên.

Yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng công trình. Giả sử công trình thi công trong lúc mưa phùn, tạo lớp cách ly trên bề mặt gây nên hiện tượng không dính. Hay gió lạnh làm nguội nhanh vật liệu dẫn đến không đủ độ dính… cũng đều gây ra hiện tượng trên.

Mặt cầu Thăng Long vừa sửa xong đã xuất hiện những vết nứt to, rộng. Ảnh: Quý Thông
Mặt cầu Thăng Long vừa sửa xong đã xuất hiện những vết nứt to, rộng. Ảnh: Quý Thông

– Hiện đơn vị quản lý đã lấy mẫu bê tông đem đi tìm nguyên nhân. Ông nghĩ gì về biện pháp này?

– Việc lấy mẫu bê tông nhằm kiểm tra khả năng chịu lực, kết dính và yếu tố kỹ thuật, nhưng giữa mẫu và thực tiễn không phản ánh hoàn toàn giống nhau. Mẫu là trong điều kiện chuẩn còn mặt cầu Thăng Long là thực tiễn. Cho nên việc lấy mẫu không thể xác định được nguyên nhân gây nứt mặt cầu.

Việc lấy mẫu cũng như làm một số thí nghiệm cũng chỉ để xác định một số yếu tố gây nên chất lượng của công trình không đảm bảo. Theo tôi, phải từ sự cố mà phân tích ngược lại để tìm nguyên nhân.

– Ông bình luận gì về biện pháp khắc phục sự cố bằng việc vá lại mặt cầu mà ban quản lý đưa ra?

– Theo tôi nếu do hiện tượng trơn trượt gây ra thì nên bơm nhựa và lực ép vào vị trí nứt, sau đó theo dõi, kiểm tra trong một thời gian nếu vết nứt không tiếp tục phát triển thì được. Việc vá mặt cầu các công ty trong nước hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, để khắc phục được sự cố mà không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, theo tôi phải có hội đồng kiểm tra, khảo sát, phân tích để tìm chính xác nguyên nhân. Cũng may việc nứt mới chỉ diễn ra trên mặt cầu, nếu nứt trong lòng cầu sẽ rất nguy hiểm.

– Ông vừa nói 97 tỷ đồng là học phí khi áp dụng công nghệ mới. Vậy ông nhìn nhận thế nào về mức học phí 97 tỷ đồng?

– Có thể nói là đắt, nhưng chúng ta mới làm nên đã không thể lường trước. Người Việt Nam thông minh, khi học tập thì nhanh, tiếp xúc với công nghệ mới cũng nhanh, nhưng có lẽ có những bí quyết hoặc nhiều yếu tố tác động đến chất lượng của công trình thì chưa lường được hết.

Xuân Tùng thực hiện

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.