Trang chủ » ‘Cầu Thăng Long nứt vỡ do thời tiết bất lợi’

‘Cầu Thăng Long nứt vỡ do thời tiết bất lợi’

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Theo ông Tâm, qua số liệu kiểm tra tại những mẫu khoan đào từ vị trí nứt, mẫu bê tông nhựa có độ rỗng lớn hơn so với thiết kế, độ ẩm cao hơn các mẫu khoan tại các vị trí không nứt và có dấu hiệu thiếu bám dính với lớp chống thấm ở dưới.

Ông Tâm cho biết, trong quá trình thi công tháng 11 và 12/2009, nhiệt độ trung bình 15 đến 20 độ, nhiều ngày dưới 15 độ C, cộng với gió to trên cầu Thăng Long. Yếu tố bất lợi này có thể làm một vài mẻ bê tông nguội nhanh (yêu cầu nhiệt độ rải và lu lèn hỗn hợp bê tông nhựa SMA phải đảm bảo từ 120 đến 170 độ C).

Do vậy, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông (đơn vị tư vấn giám sát) kết luận, nguyên nhân chính dẫn tới sự hình thành một số vết nứt cục bộ trên mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ bê tông nhựa đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn. Bê tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp 120 độ C đã làm cho bê tông không đủ nhiệt độ để bám dính ở lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế. Điều này khiến cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh ra các vết nứt kéo.

Nhiều đoạn nứt vỡ bị vá tạm trên mặt cầu Thăng Long. Ảnh: Quý Thông.

trao đổi với báo chí, ông Doãn Minh Tâm cho rằng, do chưa lường được yếu tố thời tiết, các nghiên cứu trước đây chỉ đặt ra việc thi công bê tông nhựa ở thời tiết trên 15 độ, do vậy nhiều mẻ bê tông đã được rải không đạt chất lượng.

“Đáng lẽ chúng tôi phải yêu cầu nhiều máy lu lèn hơn và thi công nhanh hơn thì bê tông sẽ đảm bảo nhiệt độ, không xảy ra nứt vỡ như hiện nay”, ông Tâm nói.

Viện Khoa học và Công nghệ giao thông cũng đưa ra hướng khắc phục là khoanh mảng để cắt bỏ lớp bê tông nhựa bị nứt vỡ và sử dụng đúng loại hỗn hợp bê tông nhựa SMA để trám vá, kết hợp thoát nước nhanh khỏi phạm vi mặt cầu. Ngoài ra, sẽ tiếp tục khoan kiểm định và theo dõi tình hình mặt đường tại các vị trí khác để đánh giá chất lượng bê tông. Nếu phát hiện các vị trí có độ rỗng cao và ngậm nước tương tự sẽ tiếp tục sửa chữa.

Hôm nay, các loại vật liệu để chuẩn bị cho việc sửa chữa lại đã về tới Việt Nam.

Cầu Thăng Long được đầu tư hơn 90 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5 mét, dài gần 1,7 km. Cầu được sửa chữa từ tháng 10/2009 đến ngày 20/12/2009.

Tuy nhiên, 2 tháng sau khi thông xe, cây cầu huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài đã xuất hiện hàng loạt vết nứt kéo, tách như ảnh hưởng của hiện tượng co rút với độ mở rộng vết nứt khoảng 3-5cm, độ dài trung bình từ 2-4m cho mỗi vết nứt. Diện tích mặt đường phải xử lý do vết nứt là 200m2, trên tổng số mặt đường vừa sửa chữa là 27.000m2.

Đoàn Loan

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.