So với đường Lê Lợi hay Nguyễn Huệ thì đường Hàm Nghi vào buổi tối kém sôi động hơn, nhưng nhờ vậy mà người ta có thể nghe rõ hơn, thấy sâu hơn những gì từ xưa còn được lưu giữ lại của thành phố có tuổi đời hơn 300 năm này.
Có lẽ người thiết kế Nhà hàng cà phê Street (161 Hàm Nghi) cũng muốn mang cảm giác ấy về gần hơn nữa bằng việc tạo ra một không gian nội thất mang tính hoài cổ, tái hiện một Sài Gòn xưa để khách ghé lại đây có thể đắm mình vào quá khứ, chiêm nghiệm cuộc sống từ chính những thăng trầm của một thành phố, một con đường. Hẳn cũng vì vậy mà nhà hàng cà phê này lấy tên là Street – con đường. Cái tên ít nhiều mang tính triết lý gắn liền với sự vận động của cuộc sống.
Không gian hiện nay là kết quả của hai tháng cải tạo ba ngôi nhà liền kề và tạo cho chúng những chức năng mới: tầng trệt là nhà hàng cà phê, hầm rượu vang ở tầng 1, tầng 2 là khu văn phòng sàn giao dịch chứng khoán. Tất cả những gì còn lại mang dấu xưa của những ngôi nhà cũ được giữ lại.
Một phần kết cấu của tầng trệt là những cột gạch thô, thêm sắt gia cố cho kết cấu vững chắc. Nguyên mảng tường được trang trí bằng bản đồ Sài Gòn xưa, hình ảnh vài bà lão với quang gánh buổi vãn chợ gợi cho khách nhớ đến một thời Sài Gòn, Chợ Lớn cả trăm năm trước.
Những biển báo giao thông được sử dụng như một yếu tố trang trí, đồng thời cũng tạo cảm giác xóa mờ sự phân chia hai khu vực nội thất và khoảng terrace ngoài trời. Vì vậy, khách ngồi trong nhà hàng mà thấy như đang ở đâu đó ngoài đường phố. Mảng trần cong theo những vòng cung, có bề mặt bằng nhựa composite với màu sắc tựa như những viên gạch gợi nhớ nét kiến trúc của thời Pháp thuộc.
Ấn tượng nhất của khu vực này là lối vào. Nó được thiết kế như một thùng rượu cực lớn mà muốn đi vào nhà hàng hoặc lên các tầng còn lại, khách đều phải đi qua thùng rượu này. Khung của thùng rượu này là những hộc gỗ được bố trí ánh sáng đỏ, kết hợp với nhau tạo thành một điểm thu hút cái nhìn của khách từ khi vẫn còn ở ngoài đường phố.
Hầm rượu vang Underground được bố trí ở tầng 1. Để đến được tầng 1 có cảm giác thực sự như vừa đi xuống một tầng hầm, khách sẽ đi thang máy lên tầng 2 và từ đó sẽ có một đường hầm bằng đá dẫn xuống tầng 1. Một đường cong gấp khúc với sự thô mộc của đá chẻ ốp tường, những bậc thang lên xuống bằng gỗ, đất và đá, ánh sáng tiết chế vừa đủ thấy lối đi… Tất cả đủ để xóa bỏ ấn tượng đi thang máy và đưa khách vào không gian ấm áp thân tình của một hầm rượu.
Ở đây, ánh sáng tập trung vào những mặt bàn. Ghế ngồi thiết kế giống như những thùng rượu. Vòm trần cũng có đường cong như một thùng rượu, có đường nhấn trên trần như những đai thùng, đủ cả ốc vít. Những mảng vẽ trên tường cũng là những sinh hoạt của một hầm rượu xưa.
Tất cả, từ bàn ghế, lối bố trí âm thanh ánh sáng và trang trí đều như cộng hưởng với không khí chung để tạo nên một cảm giác thư giãn và thân tình ấm áp. Đây quả là một địa điểm thú vị và tao nhã dành cho những ai ưa thích một không gian xưa, thích thưởng thức cuộc sống chậm rãi và muốn khám phá các hương vị rượu vang của Úc.
Bài: NAM KHƯƠNG – Ảnh: Đức Trí
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần