Kỷ niệm 34 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng: Tháng 4 trên những công trình giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh





34 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất cả nước. Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được xem là một trong những vấn đề trọng tâm của thành phố trong những năm gần đây khi đất nước ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hơn, nhất là trong năm 2009 này. Có mặt tại những công trình giao thông trọng đỉem của thành phố giữa những ngày tháng 4 này, chúng tôi đã chứng kiến và ghi nhận không khí thi đua lao động vì chất lượng để đảm bảo các công trình nhanh chóng hoàn thành đúng tiến độ. 

Ngược xuôi qua những cây cầu

Bắc ngang sông Sài Gòn, nối liền quận 2 với quận 7, cầu Phú Mỹ, với vốn đầu tư 2.077 tỉ đồng, là chiếc cầu dây văng dài nhất thành phố, có tổng chiều dài 2.031m, bao gồm 705m nhịp dây văng và 1.326m nhịp cầu dẫn. Đây là công trình được đánh giá tốt về chất lượng thi công với thời gian về đích sớm hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu. Sau khi hoàn thành đồng bộ cầu và hệ thống đường dẫn vào tháng 9/2009, cầu Phú Mỹ có chiều rộng 27,5m, gồm 6 làn xe lưu thông, đảm bảo cho 100.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày.

Dẫn chúng tôi lên phía trụ tháp chính của cầu Phú Mỹ, có độ cao 139m, cao nhất so với các trụ cầu hiện tại trên địa bàn thành phố, tiến sĩ Nguyễn Thành Thái, Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (chủ đầu tư dự án), chia sẻ về những kinh nghiệm quản lý trong thi công: Thời gian đầu, công trình cũng được triển khai rất chậm vì một số nhà thầu phụ không đủ khả năng đảm đương công việc. Sau đó, bằng giải pháp mạnh tay, chủ đầu tư và nhà thầu chính là liên danh 4 nhà thầu nước ngoài, do Công ty Bilfinger Berger (Đức) làm tổng thầu, đã thống nhất hủy hợp đồng với các thầu phụ. Thay vào đó, nhiều máy móc chuyên dụng và nhân công có trình độ cao đã được nhà thầu chính bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Chỉ cho chúng tôi xem cảnh các chuyên gia và công nhân đang thi công đúc trụ tháp phía đầu cầu quận 2 để chuẩn bị cho ngày hợp long, tiến sĩ Thái không giấu được niềm vui về việc sau một thời gian thi công gấp rút với 500 nhân công chất lượng cao, công trình đã hoàn thành gần 80% khối lượng nhưng không hề xảy ra tai nạn lao động như các công trình khác. Điều này cũng được ông Lain Hubert, Giám đốc dự án Công ty Bilfinger Berger, khẳng định rằng chủ đầu tư đã cung cấp cả máy phát điện dự phòng; xe bồn cấp nước cho công trình khi bị cúp nước. Đổi lại nhà thầu phải đảm bảo thi công các hạng mục với chất lượng tốt nhất, đảm bảo rút ngắn thời gian thi công. Ngoài việc đảm bảo độ tĩnh không thông thuyền cao 45m, thuận lợi cho các tàu biển có tải trọng 20.000 tấn lưu thông, để công trình đẹp hơn, nhà thầu và chủ đầu tư sẽ thực hiện thêm hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật với tổng trị giá 1 triệu USD để tạo ra hình ảnh độc đáo riêng của cầu Phú Mỹ, đồng thời tạo điểm nhấn trên sông Sài Gòn.

Từ cầu Phú Mỹ, chúng tôi đến với cầu Nguyễn Văn Cừ, là “hạng mục xương sống” của dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố. Đây là công trình có tổng vốn đầu tư 517 tỷ đồng, nối liền địa bàn các quận 1, quận 4, quận 5, quận 8. Dù thời tiết mưa nắng thất thường nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe vào ngày 28/4 tới đây (Trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2009, một nhánh cầu đã được đưa vào sử dụng). Đánh giá về dự án này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho rằng: Vì công trình thi công qua các quận nội thành nên tổng số hộ dân phải di dời là 456 hộ. Ngoài ra, biến động về giá thép năm 2008 đã làm đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn. Sau khi chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã cùng ngồi lại bàn bạc hướng giải quyết thì tiến độ công trình đã nhanh dần. Sau khi thông xe, toàn bộ các hạng mục còn lại cũng sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm nay, góp phần giảm áp lực giao thông cho các cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chữ Y, cầu Chà Và.

Đi ngược đại lộ Đông Tây về phía Bến Nhà Rồng, công trình cầu Chữ Y mới thay thế một nhánh của cầu cũ trên địa bàn quận 1 cũng đã thi công xong phần mặt cầu. Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước khẳng định: Trước ngày 28/4 sẽ thông xe toàn bộ cầu Chữ Y. Tuy nhiên, do còn vướng lắp đặt cống trên đường Nguyễn Biểu, đoạn từ ngã ba Cao Đạt đến Trần Hưng Đạo nên dự kiến đến tháng 5/2009, tình hình giao thông qua khu vực này sẽ được cải thiện.

Xuôi xuống huyện Bình Chánh, chúng tôi đến thăm công trình cầu chợ Đệm, thuộc dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Sau sự cố gãy dầm cầu và sai thiết kế trụ cầu, tiến độ dự án trong tháng 3 năm nay có chậm lại. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị chủ đầu tư công trình cầu chợ Đệm, cho biết: Từ đầu tháng 4, tiến độ thi công hệ thống đường dẫn, lắp đặt dầm cầu đã tiếp tục được thực hiện với điều kiện an toàn lao động được đảm bảo. Chúng tôi xác định đây là sự hưởng ứng trong lao động của công nhân tại Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, để chào mừng dịp kỷ niệm 30/4 năm nay. 

Vì một đô thị hiện đại

Đánh giá một cách tổng thể về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Thực tế, mỗi năm thiệt hại do ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố xấp xỉ gần 14.000 tỷ đồng. Nếu các dự án được thi công với chất lượng tốt, đúng tiến độ thì sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội thành phố phát triển. Vì vậy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao việc các chủ đầu tư và nhà thầu các công trình giao thông trọng điểm đã vượt qua khó khăn để thi công dứt điểm những hạng mục chính trong tháng 4/2009.

Sẽ còn nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án, thi công các công trình, nhưng với những gì chúng tôi đã được chứng kiến và ghi nhận lại, có thể tin tưởng vào một ngày không xa, những chiếc cầu, những con đường và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác đã và đang triển khai sẽ thành hình, góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Bộ mặt hạ tầng giao thông thành phố cũng sẽ được nâng tầm, đẹp hơn, hiện đại hơn, thông thoáng hơn, cho những dòng xe nối tiếp nhau ngược xuôi trên thành phố mang tên Bác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *