Hà Nội phải là đô thị có sức cạnh tranh cao









Tại hội nghị quốc tế Quy hoạch chung xây dựng (QHC) thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng tổ chức trong ngày 21 và 22/4, một trong những nội dung mà các chuyên gia đô thị trong và ngoài nước tập trung đề cập là giá trị văn hóa,  bảo tồn di sản, bảo tồn những sắc thái đặc trưng của Hà Nội. Cũng từ hội nghị này, các chuyên gia đưa ra nhận định: Công tác tiếp thị TP, việc xây dựng thương hiệu TP cho Hà Nội chưa xứng tầm với tiềm năng của một thủ đô nghìn năm văn hiến.


Hà Nội có đặc thù cây xanh và mặt nước.




Hà Nội với bề dày lịch sử




Hà Nội có di sản văn hóa phong phú, có đặc trưng nổi bật là hệ thống hồ và cây xanh. Trong khi các TP trên thế giới đang nỗ lực khôi phục lại số lượng ít ỏi các ngôi nhà cổ còn sót lại để ở đồng thời sử dụng vào mục đích kinh doanh thì Hà Nội với bề dày một nghìn năm lịch sử lại sở hữu kho tàng đồ sộ các đền, chùa, thành cổ, phố cổ, nhà cổ… ở ngay khu trung tâm TP. Hơn thế, Hà Nội vẫn giữ được một nền văn hóa sống động. Và nền văn hóa ấy vẫn đang tồn tại sâu đậm trong tâm trí của người dân. “Những gì Hà Nội đang có là sự thèm muốn của bất cứ ai làm công tác tiếp thị cho TP… Hà Nội có những điều mà các thương nhân của các TP khác trên thế giới phải ham muốn” – ông Paul Schuttenbelt, chuyên gia nghiên cứu chuyên đề giá trị văn hóa, thương hiệu thành phố của Liên danh tư vấn QHCXD Hà Nội PPJ nói – “Điểm mạnh của Hà Nội vượt ra ngoài phạm vi cá thể của những tòa nhà và những công trình kiến trúc mà là tổng hợp của nhiều tài nguyên nhỏ”…



Tuy nhiên, thế mạnh nói trên của Hà Nội đang có nguy cơ mất dần đi khi nếu duy trì tốc độ và hình thức phát triển như hiện nay. Di sản của TP đang phải đối mặt với nhiều áp lực như giá đất tăng cao, nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới và ảnh hưởng của du lịch. Ông Paul Schuttenbelt nói: Sự tăng trưởng mạnh về dân số đã tăng thêm áp lực lên Hà Nội. Các cần trục được dựng lên, xe ủi đạp tan các ngôi nhà cổ. Việc xây dựng khách sạn và nâng cấp nhà ở trong khu phố cổ của Hà Nội được thiết kế để cung cấp cho lượng khách du lịch ngày càng tăng và cải thiện điều kiện sống đã phá hủy nhận dạng của phố cổ…



Các chuyên gia khác thì cho rằng nếu những đặc trưng lịch sử của Hà Nội bị thay thế bởi một TP “còn hơn cả Băng Cốc” thì không những Việt Nam sẽ mất đi một giai đoạn quan trọng trong lịch sử mà điều này còn tác động lên bản sắc văn hóa Hà Nội. TP này sẽ mất đi những nét đặc trưng chính để thu hút khách. Hà Nội sẽ chỉ còn là một thủ đô Châu Á bình thường.




Di sản là cơ sở cho quy hoạch đô thị Hà Nội









Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị này sẽ được Liên danh tư vấn QHC Hà Nội PPJ xem xét, tiếp thu, bổ sung trong báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ vào ngày 25/4 tới.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải công nhận di sản là cơ sở cho chiến lược quy hoạch đô thị. Hà Nội cần phải lùi bước để cân nhắc về phương hướng phát triển. TP cần một hướng đi có tính chiến lược hơn là những thiết kế chi tiết. Trong chiến lược đó, văn hóa và di sản  có vai trò nền tảng. Có như vậy mới tạo nên nét khác biệt của Hà Nội so với các thủ đô khác. Theo ông Paul Schuttenbelt, việc quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 sẽ bao gồm những điều kiện cần thiết sau. Thứ nhất, Hà Nội phải là một TP ưu việt, là biểu tượng của Việt Nam trước thế giới. Thứ hai, Hà Nội phải giữ được nền di sản, đặc điểm văn hóa, nét đặc trưng của quốc gia Việt Nam. Thứ ba, Hà Nội phải là TP khả sinh, cung cấp điều kiện nhà ở, việc làm và tiện nghi tốt cho người dân. Thứ tư, Hà Nội phải là TP lành mạnh, trong sạch, không ô nhiễm. Thứ năm, Hà Nội phải là một TP tươi đẹp, với sự kết hợp của những kiến trúc di sản, khoảng trống công cộng và thiết lập được một hệ thống gồm hồ, cây cối, công viên… Thứ sáu, Hà Nội phải là một TP dễ dàng cho việc di chuyển. Tức là TP phải có hệ thống phương tiện giao thông tốt, hệ thống đường chất lượng cao, đường phố an toàn cho người dân đi lại. Thứ bảy, TP phải có hệ thống cơ sở hạ tầng như cấp nước, thoát nước, cấp điện, phương tiện giao thông công cộng… hoạt động tốt. Sau cùng, Hà Nội phải được chuẩn bị cho chiến lược phát triển.




Tạo dựng thương hiệu cho TP Hà Nội




Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đã đặt vấn đề xây dựng thương hiệu cho TP Hà Nội trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư toàn cầu. Rõ ràng Hà Nội có lợi thế đặc biệt để thu hút nhưng liệu trong 10 năm nữa, Hà Nội có cạnh tranh với các TP khác trên thế giới hay đến bên bờ vực mất đi nét đặc trưng của TP?



Các chuyên gia cho rằng để tạo dựng thương hiệu cho Hà Nội cần chú trọng 3 bước. Bước thứ nhất, cần phải xác định rõ chúng ta đang nói về cái gì? Việc quảng bá TP luôn luôn đòi hỏi trình độ kiến thức cao và sự hiểu biết  sâu về nền văn hóa và truyền thống. Cần phải gặp gỡ những người dân Hà Nội, lắng nghe họ nói và cố gắng tìm ra những gì khiến họ tự hào và điều gì có thể cải thiện hình ảnh cho TP.



Bước thứ hai, đó là phải trả lời được câu hỏi tại sao nhà đầu tư lại chọn TP này mà không phải là TP khác. Cơ sở hạ tầng và những điểm lợi thế trong chiến lược của Hà Nội hiện nay có thể dễ dàng bị cạnh tranh nhưng lợi thế mà Hà Nội có thể không bao giờ bị chiếm là lịch sử, nền văn hóa của Hà Nội, sức hút của TP…



Bước cuối cùng, Hà Nội phải định rõ trọng điểm của thông điệp. Tất cả các hành động, cơ chế khuyến khích, những sự kiện, những sáng kiến và các công trình xây dựng phải hướng đến thông điệp đó. Ông Paul Schuttenbelt đề xuất: Cố gắng “bán” khẩu hiệu Hà Nội – Trung tâm văn hóa của Châu Á và sử dụng mốc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010) cho việc bắt đầu chiến dịch bằng việc tổ chức các sự kiện văn hoá, các cuộc triển lãm nghệ thuật, buổi hòa nhạc… để thu hút quốc tế. Thêm vào đó, Chính phủ cần tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và hội nghị gần giống với sự kiện về vấn đề thay đổi môi trường ở Bali

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *