Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
Trang chủ » La Casa – ngôi nhà và những đứa trẻ

La Casa – ngôi nhà và những đứa trẻ

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments


Kiến trúc & Đời sống – Có một chút tò mò, một chút phấn khích khi tới nhà Valentina. Bởi vì tôi đã biết về Valentina qua cửa hàng của chị, một cửa hàng thú vị với vô số những bất ngờ nho nhỏ tạo nên một ấn tượng lớn. La Casa trở thành một tên gọi quen thuộc cho những đồ vật xinh đẹp.








Sự lộn xộn đáng yêu của ngôi nhà được bắt gặp ngay tại một góc sảnh – nơi mà ở các ngôi nhà khác đều giữ vẻ nghiêm trang


Lộn xộn, đó là cảm giác đầu tiên khi tôi mới bước chân vào phòng khách và chờ Valentina. Không ngăn nắp và bày biện cẩn thận như tại cửa hàng, nhưng ngôi nhà mới thật sự là La Casa (*) theo đúng nghĩa của nó. Và vèo một cái, trước khi tôi kịp định thần, một đứa trẻ lao bổ vào chân tôi. Ngay lúc đó, cảm giác về ngôi nhà của Valentina trong tôi được định nghĩa rõ rệt hơn. Đó không đơn giản là nhà – đó là tổ ấm.


Valentina đã sống ở Hà Nội 16 năm. Chị bắt đầu gầy dựng La Casa cho mình ở đây, và gặp Martin, rồi lập gia đình, rồi có con cũng tại thành phố này. Có lẽ đó chính là lý do tại sao ngôi nhà mà Valentina đang ở lại có cảm giác đầm ấm thế, nó không chỉn chu như đa số nhà của những người nước ngoài đang sống và làm việc tại đây. Nó thoải mái một cách tự nhiên như nó vốn có, có lẽ bởi sự yên tâm về nơi chị đang ở, nơi chị gặp tình yêu của mình và lựa chọn việc ở lại đây xây dựng hạnh phúc và có lẽ đó chính là lý do chị coi Hà Nội là nhà, là La Casa. Ngôi nhà đẹp theo cách của một cuộc sống gia đình yên vui đầm ấm. Có thể sẽ có lúc ngôi nhà đinh tai nhức óc vì tiếng trẻ con, đồ đạc quăng bừa bãi. Nó không thực sự rộng rãi và sành điệu, cũng không trau chuốt cầu kỳ bởi nội thất bên trong nhưng nó vẫn là một ngôi nhà đẹp theo cảm xúc của tôi, bởi sự an bình và tươi sáng trong ngôi nhà đó.


Án ngữ giữa phòng khách là một bộ sofa lớn, xung quanh là những đồ đạc bé hơn, mọi thứ đúng là của một không gian không sắp đặt miễn sao thoải mái và tiện dụng là được. Phòng khách được mở thông với sảnh vào, nơi có một cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2 và khu bếp gia đình. Tất cả tạo thành một không gian liên kết mà bạn có thể loanh quanh chỗ này chỗ kia nhưng vẫn quan sát được bọn trẻ thường xuyên đùa nghịch và hò hét.


Cũng như phần lớn những người nước ngoài sống ở Việt Nam, thú sưu tầm những đồ vật liên quan đến văn hoá Việt là một sở thích thú vị mà Valentina và Martin vẫn duy trì. Đó cũng là một phần cảm hứng không nhỏ cho công việc thiết kế của chị. Phần lớn những thiết kế của Valentina là sự pha trộn giữa sắc thái văn hoá đông và tây. Và đó chính là yếu tố làm nên thành công của chị. Một người Ý nhưng nắm rõ bản sắc Việt như hoặc đôi khi tốt hơn một người Việt.


Có lẽ một phần từ đặc thù nghề nghiệp mà ngôi nhà của Valentina đầy những vật dụng nho nhỏ bày kín các góc nhà, trên giá sách, trên bậu lò sưởi. Lọ hoa, tượng, khung ảnh, chân đèn, chân nến, sách, vật lưu niệm… đủ các chủng loại tập hợp chứ không bày biện khắp nhà. Trên tường, thậm chí có bức tranh treo còn không thẳng hàng nhưng nhà của Valentina là thế. Bởi đó là nơi chị được về nhà, được thoải mái là mình mà không cần phải chỉn chu hay đúng giờ như khi đang điều hành công việc kinh doanh và có hẹn với khách hàng.








Sảnh vào nhà được mở thông với phòng khách, bên phải là cửa vào khu bếp


Tầng 2, theo lối dẫn của cầu thang gỗ. Bên phải là phòng ngủ của Valentina, cũng lộn xộn vương vãi nhưng sáng sủa bởi một ban công xinh xắn với đầy lá xanh và tầm nhìn thẳng ra hồ Tây. Nơi có thể ngắm hồ vào các mùa trong năm, và có thể nhìn thấy những cơn bão đang bắt đầu tiến vào từ đằng xa. Những lúc như thế, càng thấy rõ ngôi nhà đích thực là một tổ ấm thực sự bởi chỉ cách một vách kính, Valentina có thể an toàn, ấm áp, khô ráo và không sợ hãi tận hưởng một tách trà trong khi ngắm thiên nhiên cuồng nộ ngoài kia. Ngay sau bậu tường đầu giường là phòng tắm thông thẳng sang phòng ngủ.


Đối diện cầu thang là phòng của bọn trẻ. Có thể nhìn thấy ngay sự ồn ào, nghịch ngợm của ba đứa trẻ dưới 10 tuổi. Chắc chắn, chúng cũng hấp thụ được phong cách sống nghệ sĩ từ bố mẹ nên ngay khi thoạt nhìn tôi đã có thể nhận ra: họ đúng là cùng một gia đình.


Phía tay trái là phòng làm việc sáng sủa và đúng là văn phòng ở nhà nơi bạn có thể vô tư với chân trần và quần short để trả lời email cho khách hàng và ra những mẫu thiết kế mới. Ngay sau phòng làm việc là phòng sinh hoạt chung. Đó là chỗ Martin có thể thoải mái nằm thư thái xem tivi hay nghe nhạc vào buổi sáng mà không bị hối thúc bởi bất cử điều gì cả. Tivi được đặt gọn gàng trước sofa trắng nhưng Martin lại thích nằm trên chiếc đệm của người Thái hơn. Có lẽ, giống vợ, sau 14 năm ở Việt Nam, anh đã quen như người Việt nhiều hơn phương tây mà anh được sinh ra.


Nán lại đôi chút với Valentina trước khi ra về. Chúng tôi chia sẻ về sở thích nội thất và cùng ngắm nghía một lần nữa những thiết kế của Valentina mà tôi đã biết rất rõ, đã sử dụng. Và tôi biết rằng, tôi vẫn sẽ thích những vật dụng đầm ấm ấy, thích hơn bởi tôi hiểu lý do chị có thể làm được những thứ gần gũi ấm áp đó, thân quen nhưng lại đầy sáng tạo. Bởi chị đang có một nguồn cảm hứng dồi dào, từ tổ ấm căn nhà của mình, từ ước mơ xây dựng và vun đắp cho một gia đình hạnh phúc.


* La Casa: nhà (tiếng Ý)


ĐỊA CHỈ: Ngõ 31/79 Xuân Diệu, Q. Tây Hồ, Hà Nội
La casa 12 Nhà Thờ, Q. Hoàn KIếm, Hà Nội








































Valentina thích nhất không gian phòng khách trong ngôi nhà của chị. Là nơi chị thường tập họp bạn bè, nấu ăn và tán gẫu. Một góc phòng khách với sở thích sưu tầm những đồ vật liên quan đến văn hoá Việt. Chiếc đèn trắng lớn bằng crôm được chị cất công mua từ Sài Gòn của nhà thiết kế Pháp gốc Việt Quasar Khánh.


Chiếc lò sưởi cũ trong phòng khách ­­có lẽ là đồ vật duy nhất trong nhà gợi đến không khí quê nhà của chủ nhân



Cảm xúc tinh tế của một nhà thiết kế và của một phụ nữ được thể hiện thành công trong các bữa ăn. Valentina cũng rất thích nấu ăn chiêu đãi bạn bè. Theo chị, việc chuyện trò trong bữa tối cũng là một cách để chị hiểu hơn về mỗi con người và có những người bạn thật sự. Chiếc bàn ăn xinh xắn đặt cạnh khu bếp, dường như là nơi được bọn trẻ ưu ái nhất. Khi bộ đồ ăn được dọn đi, ngay lập tức những chiếc bút chì, giấy và màu vẽ được bày ra



Phòng sinh hoạt chung với phòng làm việc.




Phòng ngủ lãng mạn và thanh thoát của Valentina và Martin nhìn thẳng ra­ hồ Tây qua một khung cửa rộng

 



Phòng ngủ trẻ con với phong cách đã ít nhiều được thừa hưởng từ bố mẹ


Chủ nhà Valentina.




Những góc như thế này có ở hầu khắp ngôi nhà. Chúng giữ lại những kỷ niệm, chúng mang lại sự thoải mái tối đa, và sau cùng, chúng là lý do để ngôi nhà được “sống”. Ở đây, sự pha trộn giữa phong cách tiêu dùng của phương tây với những đặc trưng phương đông, như việc dùng chữ “phúc” như một môtíp trang trí trên những bình trà hay cà phê cùng việc ứng dụng thông minh chất liệu vải taffta và sử dụng tay nghề thợ thủ công Việt Nam tạo nên những miếng lót cốc đầy màu sắc, những bông hoa quấn rèm đã tạo nên dấu ấn không lẫn vào đâu được của La Casa



Bài: Hà Linh Thư
Ảnh: Tường Huy


Bài trích trong chuyên mục Nhà ở – nội thất trên Kiến trúc & Đời sống số tháng 9.2009, phát hành từ 4.9.2009. Mời bạn đón đọc.

You may also like

Leave a Comment

About Us

We’re a media company. We promise to tell you what’s new in the parts of modern life that matter. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo. Sed consequat, leo eget bibendum sodales, augue velit.

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed byu00a0PenciDesign