“Làng biệt thự” bị lãng quên

Trong khi ở Hà Nội còn đang rộn rã về biệt thự cổ, ít ai biết rằng, cách Hà Nội chỉ có 15 km làng Cự Đà (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) lại có cả một khu nhà biệt thự cổ bị lãng quên. Và cho đến nay, cuộc sống dân dã với cái cày, cái bừa, nghề làm miến làm tương đang diễn ra trong những ngôi nhà một thời vàng son này…

Những dấu ấn vàng son một thủa

Làng Cự Đà trải dài, nép nghiêng nghiêng dọc con sông Nhuệ. Đường vào làng lát gạch sống trâu chạy quanh co, một bên là bờ sông, có bậc xuống bến; một bên là những ngôi nhà biệt thự kiến trúc Pháp màu rêu xám. Chừng ấy cũng đủ biết, Cự Đà xưa cự phú đến cỡ chừng nào.

Còn nhớ buổi gặp  tôi ở hội làng Cự Đà xuân Kỷ Sửu vừa  rồi (14 tháng Giêng) anh Vũ Văn Bằng, trưởng ban văn hoá xã cứ chắt lưỡi hoài luyến tiếc. Là anh tiếc những ngôi nhà cổ (kiến trúc Pháp) chứ phần hội hè thì Cự Đà chẳng khác bao những làng Bắc Bộ khác, cũng đông người, cũng chọi gà, đấu vật, rước xách…







Ảnh minh họa

 Mặt tiền của một ngôi nhà tại làng cổ Cự Đà


Chả là nếu xét về mặt “làng cổ” thì  Đường Lâm thì nổi tiếng quá ai cũng biết rồi! Nhưng trong tấm bản đồ mới toanh gần đây của Hà Nội thì thủ đô ta bỗng có tới hai cái làng cổ, mà trong đó thêm cả anh Cự Đà.

Mà giá trị nhất của Cự Đà là những ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc Pháp cách đây ngót trăm năm cùng với hệ thống các đình chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Thời điểm hiện tại, những biệt thự kiểu Pháp ở làng có đến 50 chiếc, dẫu có biến dạng đi ít nhiều nhưng vẫn còn ghi đậm dấu ấn rất “Tây”.

Phổ biến nhất là kiểu biệt thự hai tầng, chạm trổ cầu kỳ, với những phù điêu, họa tiết theo kiểu phương Tây đắp nổi, có khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà lát gạch hoa…















Ảnh minh họa Ảnh minh họa

 Phổ biến là kiểu biệt thự hai tầng


Phơi miến trên đường làng

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

 Dấu ấn của một thời vàng son


Trung tâm giao dịch nhà đất giữa làng Cự Đà


Ngược thời gian một chút, cứ theo như lời kể của các cụ tiên chỉ trong làng (và cả sử sách nữa) thì do vị trí địa lý “nhất cận thị, nhị cận giang” nên ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Cự Đà đã nổi tiếng khắp xứ Bắc kỳ về sự giàu có – ngoài những địa chủ và nhà thầu phất lên nhờ thầu lại ruộng, còn rất nhiều những cự phú với nghề buôn gỗ, buôn vải dọc theo tuyến sông Hồng.

Một thời những Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát nổi tiếng dệt may, buôn bán mở hiệu ở đất Hà Thành chính là người Cự Đà. Kiếm được nhiều tiền ngoài Hà Nội, họ lại về quê đóng góp xây làng, vừa lấy tiếng vừa có nơi hàng năm đi về hội hè cúng giỗ.

Thế mà thành một di sản quý ngày nay: biệt thự, cột đèn điện xây từ năm 1929 lúc mà toàn vùng chưa có điện thì làng đã sáng ánh đèn, lan can bao bọc cả một khúc sông Nhuệ khá nên thơ, có cả nhà Thọ từ là một dạng trường học, nhà Hội đồng xây theo kiến trúc Pháp để hội họp, từng ngõ xóm được đánh số nhà như ở một đô thị lớn.

Rồi dạo ấy, cứ vào những chiều cuối tuần, các doanh nhân giàu có lại lái xe hơi về quê để hưởng cái không khí thanh bình nơi thôn dã.

Sống khổ trong nhà cổ… cự phú 

Cho đến thời điểm hiện tại, trong làng vẫn còn khá nhiều những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp mà những viên gạch hoa lát nền đã minh chứng được sản xuất ngay tại nước Pháp từ những năm 1910-1920.

Gạch hoa còn được lát trên hàng cột ngoài hiên nhà, nhiều nét vẽ màu trang trí vẫn còn nguyên từ thuở ban đầu cách đây chín chục năm. Những nét độc đáo của những ngôi nhà Pháp ở đây là kiến trúc và hoa văn giống như mảng “hoá thạch” của thời gian mà nhiều nơi đã mất đi, kể cả biệt thự Pháp ở Hà Nội, thì ở đây đọng lại nguyên xi.















Ảnh minh họa Ảnh minh họa

 Cổng làng thân thương


Không khó để nhận ra “năm sinh” của những ngôi biệt thự

Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Những lan can bằng sắt đúc, phù điêu phong cách Tây lại được hoà quện đôi nét phương Đông như dòng chữ Hán đắp nổi giống như bức hoành phi đặt trên mặt tiền cửa chính…

Ai (và cả tôi) cũng nhận định “ở nhà Tây là nhất” nhưng thực tế hiện tại ở làng Cự Đà, những người dân sống trong những ngôi nhà to ấy chưa hẳn đã sung sướng. Chả phải nhìn đâu xa, cứ ngó vào những đồ đạc trong nhà sẽ thấy ngay mức sống của họ chẳng tương xứng với bề ngoài của ngôi nhà.







Ảnh minh họa

Cảnh xập xệ tại nhà ông Vũ Văn Thắng (số nhà 181 xóm Đồng Nhân Cát)

Ví dụ như hiện trạng tại ngôi nhà của ông Vũ Văn Thắng (số nhà 181 xóm Đồng Nhân Cát), về kiến trúc thì nói là Pháp cũng được mà ta cũng được. Nhưng thiên về kiến trúc Pháp nhiều hơn, bởi trong nhà các cửa kính đã vỡ hết. Cửa sổ bị xây bịt kín bằng vôi vữa. Trần nhà mục nát thi thoảng lại cả đống vữa trộn rơm rơi ụp xuống nền nhà. Nói tóm lại là xập xệ.

Hay ở ngôi nhà là “niềm tự hào” về kiến trúc Pháp mà bất cứ ai đi qua cũng phải dừng mắt một chút là ngôi nhà số 152 (xóm An Lạc) của ông Đinh Văn Tường, nằm vị trí hai mặt đường, một phía đường làng nhìn ra sông Nhuệ, một phía là lối vào xóm.

Được biết, ông Tường mua biệt thự này đã được 25 năm. Trước đây, biệt thự nguyên là nhà cụ Tư Bàng, một cự phú ngày trước. Biệt thự hai tầng này đã ngót 100 tuổi. Tường, gạch, cổng, sân đều đã rêu phong, xám ố. Tầng một vẫn còn nguyên với những phù điêu, họa tiết phương Tây đắp nổi. Độc đáo nhất là nền gạch hoa làm bằng đá ghép mảnh nhỏ và những hoa văn trên tường trong nhà.

Tầng hai của nhà gần như chỉ còn lại tường bao quanh. Tại biệt thự này, năm 1947, Tự vệ chiến đấu Hà Nội đã quyết tử chống lại 200 quân lê dương và Pháp. Biệt thự đã bị đánh phá nham nhở. Mấy thế hệ cha con, ông cháu ông Tường đang sinh sống trong toà biệt thự sang trọng một thời.

Quá bộ chút là biệt thự xây từ thời Pháp thuộc của ông Nguyễn Văn Bảo và bà Trịnh Thị Hồng cũng hết sức quyến rũ với những đường nét, hoa văn chạm trổ trên những cột nhà, xà nhà, mái theo kiểu phương Tây rất mềm mại…







Ảnh minh họa

Kiến trúc bị phá vỡ để lấy nơi phơi miến


Hơn nửa thế kỷ, những ngôi biệt thự ấy đã xuống cấp. Cũng hơi nghịch cảnh khi thấy cái vỏ nhà to đẹp này, nhưng bên trong lại bị ngăn ra bằng cót ép, hoặc bằng những bức tường xây con kiến. Cột gỗ, xà gỗ mục được chống tạm bợ bằng tre. Buồn nhất là một số ngôi nhà đã thay ngói Tây ta lẫn lộn, và thậm chí có khi còn được phủ tạm bợ bằng giấy dầu cho khỏi dột.

Tệ hơn, có trường hợp người dân sống trong những nhà cự phú nhưng “đói” ăn đã phá kiến trúc Pháp để làm nhà mái bằng, lấy chỗ phơi hàng vì cái nghề làm miến, làm tương này rất “đói” nắng.

Thế nên cũng là điều dễ hiểu khi bây giờ, xen kẽ những ngôi nhà cổ trong làng là những ngôi nhà cao tầng được xây theo kiến trúc hiện đại, đủ màu sơn và xu hướng ấy ngày càng phát triển lấn át sự tồn tại của những ngôi nhà cổ.

Dân và xã nỗ lực thì chưa đủ

Chỉ cho đến thời gian gần đây, khi lãnh đạo xã cùng người dân bỗng thấy mình “lên đời” vì được sống trong làng cổ. Thế là họ cuống cuồng. Là xã lãnh đạo nhưng nhà là thuộc quyền sở hữu của người dân thế nên việc hoạt động giữ gìn những văn hoá vật thể được đánh giá là tích cự nhất của xã cũng chỉ là cho người xuống “khuyên” người dân nên giữ nguyên hiện trạng.

Rồi tận dụng thời gian khuyên nhủ ấy, xã cũng đã nỗ lực tỉ như chuyện “khăn gói quả mướp” sang tận Đường Lâm (địa chỉ) để học về phát triển du lịch làng cổ song có lẽ chỉ ngần ấy thôi là chưa đủ.

Biệt thự vẫn xuống cấp. Đa số các gia đình có nhà cổ chỉ sửa chữa nhỏ như chống dột, chống thấm, đảo ngói… Ông Đinh Văn Tường bùi ngùi tâm sự: “Nhà tôi dột nát lâu rồi nhưng chỉ dám sửa chữa theo kiểu rách đâu vá đấy, chứ sửa lại cả căn nhà mà vẫn giữ nguyên nét cổ thì tốn kém lắm, gia đình tôi không đủ tiền”. Thế nên mới có chuyện “mặt tiền” nhà ông này nom rất “oách” nhưng đằng sau thì… không khác gì một cái nhà hoang.










 Mặt tiền nhà ông Đinh Văn Tường


 và… phía sau


Nhiều hộ dân sống trong các ngôi nhà cổ ở Cự Đà băn khoăn: “Chúng tôi vừa ở vừa lo nơm nớp, không biết nhà sập lúc nào. Diện tích nhà ở thì rộng nhưng diện tích dành cho sinh hoạt thì chật chội, mỗi lần có kế hoạch sửa chữa thì cán bộ xã, thôn lại đến tuyên truyền cần phải giữ gìn nhà cổ cho làng, cho thế hệ mai sau, chúng tôi nghe thấy hợp lý nên thôi, nhưng cứ sống mãi như thế này thì khổ quá!”.

Cũng có lúc người ta trách: người dân Cự Đà lại chưa có ý thức giữ gìn nên không chỉ làm lãng phí tài nguyên vật thể (nên để những ngôi nhà cổ dần mai một, hoang tàn).

Nhưng ý kiến của một số hộ gia đình có “kiến trúc Pháp” thì cũng khó có thể bác được: “Vài năm trước, trong đường chính của làng nhiều chỗ vẫn còn những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng người ta đập đi để đổ bêtông. Nơi những chiếc cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng đã không còn lại dấu xưa. Đến giờ, chẳng có lý gì mà tự chúng tôi mặc dù có tiền, có nhu cầu sử dụng rộng rãi hơn vẫn phải sống trong ngôi nhà vốn đã quá mục nát. Chỉ để cho người đi đường ngắm”.

Rõ ràng, nói gì thì nói người làng Cự Đà cũng rất ý thức giữ gìn vốn quý làng cổ nhưng hình như chỉ thế thôi chưa đủ, cần có sự tham gia của Nhà nước nữa. Những ngôi nhà này đang rất cần trùng tu để trả lại cho nó sự an toàn, thẩm mỹ như vốn có. Nhưng chắc chắn còn đang “vướng” nhiều thứ. Vướng về điều kiện kinh tế, vướng về sự đồng thuận. Đã thế, do hoàn cảnh lịch sử để lại, những ngôi nhà này lại đang có nhiều rắc rối về sở hữu và quyền sử dụng.

Chỉ cần các cơ quan chức năng “để mắt” tới và hợp thức hoá điều mà người làng “Cự” cũng như xã hội đang mong muốn.


Theo VnMedia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *