Theo tài liệu VnExpress.net thu thập được, khu nhà đất trên đang được ba công ty Cổ phần thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Cổ phần kim khí Tp HCM và Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố, sử dụng.
trên thực tế, các doanh nghiệp này không có quyền sở hữu mà chỉ ký hợp đồng thuê với Công ty quản lý kinh doanh nhà. Thế nhưng chủ đất mất tất cả quyền vì thu tiền thuê đất không được, đòi mặt bằng không trả, còn ba vị khách lại kinh doanh tài sản Nhà nước bằng cách cho rất nhiều đơn vị bạn thuê lại.
Cụ thể, Công ty Hóa chất vật liệu điện cho nhà hàng phương Hà thuê một phần diện tích để kinh doanh nhà hàng Hàn Quốc từ năm 2004. Mặt bằng số 12 Lê Duẩn lại được Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco thuê. Và rồi vị khách hàng thứ cấp này tiếp tục phân bổ thêm hai tổ chức khác sử dụng một phần diện tích làm văn phòng giao dịch. Cứ chồng chéo nhau như thế, hai khu đất rộng hơn 5.000 m2 đang có hàng chục đơn vị thuê để mở trụ sở và kinh doanh. Thậm chí mặt bằng này còn rơi vào tình trạng xuống cấp, nhếch nhác ngay khu trung tâm.
Khi rà soát diện tích nhà đất công, UBND Tp đã có chủ trương thu hồi các mặt bằng trên nhà để triển khai quy hoạch xây khách sạn 5 sao. Công ty Quản lý và kinh doanh nhà thành phố được giao thanh lý hợp đồng thuê nhà và đề nghị khách thuê trả lại mặt bằng. Thế nhưng, chủ càng muốn đòi thì người thuê càng trì hoãn bàn giao, thậm chí “quên” đóng tiền thuê nhà, đất.
Mặt bằng số 8 Lê Duẩn, một trong những vị trí đắc địa được mệnh danh là đất vàng, thuộc sở hữu Nhà nước đang bị lãng phí, thất thoát tiền tỷ vì cho thuê dễ nhưng khó đòi. Ảnh: Vũ Lê. |
Một lãnh đạo Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp HCM cho biết, không chỉ có hai khu đất 8 và 12 Lê Duẩn nằm trong diện khó đòi, hiện có hàng chục khu đất khác cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Cán bộ này phân tích, hàng tháng đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và phải “cõng” nhiều món nợ từ các doanh nghiệp không trả tiền thuê đất. Nghịch lý là các vị khách trên lại được hưởng lợi từ việc khai thác những mặt bằng có giá trị của thành phố. Lãnh đạo Công ty Quản lý kinh doanh nhà cho hay, đơn vị đã sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng đều không thu hồi được nhà đất công đang cho thuê.
Không thể giải quyết vụ việc này, tháng 7/2009, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố đã làm báo cáo gửi UBND Tp HCM, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố, để cầu cứu nhằm tìm hướng xử lý. Ngày 28/8/2009, UBND Tp HCM đã cùng các bên ngồi lại để thảo luận về hướng giải quyết nhằm tránh lãng phí cho khu đất “vàng”.
Ngày 6/10/2009, UBND Tp HCM đã có công văn yêu cầu thanh lý hợp đồng cho thuê lại. Theo đó, các đơn vị thuê mặt bằng trực tiếp với Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền thuê nhà, đất với theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Khách thuê tiếp tục “hái” tiền từ việc kinh doanh mặt bằng còn Nhà nước vẫn phải chịu thất thoát tiền tỷ vì không đòi được nhà đất công thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Tính theo thời giá thị trường, chi phí thuê mặt bằng trên đường Lê Duẩn thấp nhất 15 USD mỗi m2 một tháng. Tổng diện tích hai mặt bằng 5.000 m2, giá thuê trung bình cũng lên đến 75.000 USD mỗi tháng. Còn giá trị mỗi m2 đất tại đây trên 30 lượng vàng. Như vậy, hơn 5.000 m2 nhà đất, vị chi 150.000 lượng vàng, đang bị sử dụng lãng phí chỉ vì quản lý lỏng lẻo, cho thuê dễ nhưng khó đòi.
Theo báo cáo tình hình xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Tp HCM, hiện có 10.535 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích xấp xỉ 232,6 triệu m2 thuộc sở hữu Nhà nước, song thu hồi về chỉ dừng lại ở 165 địa chỉ, chưa đạt 0,3% diện tích trên. |
Vũ Lê