Quảng Nam – mảnh đất miền Trung có lịch sử hình thành và phát triển đánh dấu cho bước đầu mở cõi vào phía nam của người Việt; sau này cũng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Ngày nay, tỉnh Quảng Nam mang trong mình một tiềm năng kinh tế du lịch lớn và đa dạng, trong đó du lịch văn hoá làng là một lĩnh vực còn bỏ ngỏ với hàng trăm di tích đình đền chùa miếu mạo; hàng trăm ngôi làng truyền thống và làng nghề truyền thống; rất nhiều khu, cụm, quần thể di tích lịch sử văn hoá quần tụ ở vùng nông thôn.
Trong năm 2009, Viện Kiến trúc Quy hoach Đô thị và Nông thôn và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp thực hiện đề tài Nghiên cứu KHCN bao gồm khảo sát, nghiên cứu cũng như đề xuất mô hình đô thị làng quê tại tỉnh Quảng Nam. Dựa trên các khảo sát tại các địa điểm đặc thù đại diện cho các hình thái khác nhau của khu vực nông thôn trong nội tỉnh, nghiên cứu đã đề xuất áp dụng cho 3 địa điểm cụ thể là Làng gốm Thanh Hà, Khu dất phía tây phường Cửa Đại và Thôn 2, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành Mô hình 1: Thanh Hà là làng gốm cổ thuộc thành phố Hội An, được hình thành từ thế kỷ 17. Với địa thế đẹp, mô hình đề xuất Thanh Hà với xu hướng phát triển thành một điểm du lịch làng nghề gắn liền với du lịch Hội An. Đặc biệt với Nghề gốm, Thanh Hà có sức thu hút khách du lịch rất lớn. Mảnh đất này cũng chất chứa nhiều tiềm năng phát triển cả hàng hóa lẫn du lịch nếu có định hướng đúng.Mô hình 2: Đề xuất tại khu đất phía Tây phường Cửa Đại, Thành phố Hội An. Với diện tích phù hợp (44ha), vị trí thuận tiện giao thông, nằm trong vùng ảnh hưởng của thành phố Hội An về các mặt. Hiện nay ở đây cũng đó xây dựng tự phát nhiều nhà nghỉ để ‘kéo khách” từ Phố Cổ và các khu resort ven Cửa Đại. Mô hình nhằm quy hoạch biến điểm dân cư ngoại ô với vị trí và địa hình đẹp này thành một mô hình phố làng du lịch, nghỉ dưỡng, tận dụng ưu thế và ảnh hưởng của du lịch phố cổ Hội An và du lịch biển vùng Cửa Đại. Mô hình ở đây có thể áp dụng cho các điểm ngoại thị có vị trí đẹp, nhất là ven đô thị du lịch như Hội An.Mô hình 3: Đề xuất tại Thôn 2, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành: Đây là trung tâm xã Tam Tiến, một xã ven biển huyện Núi Thành, nằm giữa sông Trường Giang và Biển Đông. Xã Tam Tiến nằm gần ven Quốc lộ 1, giao thông thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông/biển, nằm trên dải đồng bằng phát triển du lịch/công nghiệp ven biển của Quảng Nam, có làng nghề nước mắm Phước Lộc, khu du lịch Tam Hải, chịu ảnh hưởng của khu kinh tế mở Chu Lai. Vị trí và địa hình của khu này thuận tiện cho phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng (ven sông, gần biển, gần làng nghề…) và dịch vụ phục vụ du lịch với diện tích tự nhiên khoảng 34 ha. Khu này cũng nằm ở vị trí trung tâm địa lý của xã, thuận lợi để xây dựng các điểm công trình công cộng, sân lễ hội, vui chơi… trung tâm văn hoá của xã và của vùng. |