Mô hình và giải pháp tổ chức hệ thống không gian xanh khu đô thị mới tại Hà Nội







Không gian xanh có vai trò lớn trong môi trường đô thị, trong đời sống của con người và cảnh quan đô thị. Không gian xanh còn có tác dụng trong cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường sống, đồng thời góp phần tạo nên bản sắc truyền thống của đô thị của từng khu vực.





Trong quy hoạch chung của các đô thị nói chung và ở  Việt Nam nói riêng đều cần thiết phải chú trọng đến việc xác lập hệ thống không gian xanh cấp thành phố và khu vực với các mô hình khác nhau (hệ thống kín, hở, kết hợp).



Qua khảo sát, nghiên cứu các khu đô thị mới ở Hà Nội, từ thiết kế quy hoạch chi tiết đến thực tế đầu tư xây dựng và quản lý khai thác cho thấy, chưa tạo lập được đồng bộ hệ thống không gian xanh đô thị. Nhiều khu đô thị mới không có cây xanh công cộng cho nhóm ở, thiếu cây xanh đường phố. Trong khi đó, một số khu đô thị mới có không gian xanh (vườn hoa) đơn vị ở, khu ở thì xây dựng và bố cục tùy tiện. Chủng loại cây xanh trong các khu đô thị mới thiếu sự chọn lựa dẫn đến hiệu quả về môi trường, cảnh quan, kiến trúc còn thấp.



Các chỉ tiêu tính toán cho các khu đô thị mới có sự khác biệt lớn dao động từ 0,21m2 đến 19,8m2 cây xanh/người. Hiện tượng này là do nhiều nguyên nhân mà trước hết là thiếu cơ sở pháp lý để thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, dự án thiếu các quy định đồng bộ để phù hợp với từng loại quy mô khu đô thị mới. Hệ thống quản lý về văn bản pháp lý và nhân lực còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, vai trò tham gia giám sát của cộng đồng chưa được chú trọng, phát tiển thiếu đồng bộ.






Từ những khảo sát thực tế các khu đô thị mới của Hà Nội và một số dự án của phần mở rộng Hà Nội vừa qua, qua nghiên cứu các văn bản quy định có liên quan đến không gian xanh trong khu đô thị mới đối chiếu với lý luận về quy hoạch xây dựng, về cảnh quan đô thị, không gian xanh, tác giả đã hệ thống lại những tồn tại, từ đó nghiên cứu, đề xuất các vấn đề nhằm tạo lập được hệ thống không gian xanh có chất lượng, đúng chức năng trong các khu đô thị mới. Xin xuất các vấn đề sau:




Ðề xuất 1: Phân loại và xác lập 3 mô hình điển hình về cơ cấu khu đô thị mới. Mỗi mô hình đề xuất cơ cấu của hệ thống không gian xanh và các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật tương ứng.




Việc phân loại theo ba mô hình này, khi được công bố sẽ có tác dụng giúp các chủ đầu tư có cơ sở để ứng dụng trong lập quy hoạch chi tiết, trong lựa chọn chủng loại cây và đầu tư xây dựng. Ðồng thời giúp các cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xác lập các chỉ tiêu để thẩm định, phê duyệt các khu đô thị mới.




Ðề xuất 2: Các giải pháp tổ chức xây dựng đồng bộ hệ thống không gian xanh trong khu đô thị mới của Hà Nội, nêu rõ giải pháp cho từng loại hình không gian xanh: cây xanh đường phố, vườn hoa – công viên, cây xanh trong trường học, công sở, hộ gia đình, cây xanh chuyên dụng. Mỗi loại hình có phân tích, đề xuất, lựa chọn chủng loại cây xanh thích hợp với điều kiện của Hà Nội.





Ðề xuất 3: Nêu hệ thống các giải pháp quản lý, bao gồm: đề xuất cơ chế, chính sách về lập, thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết, dự án và quản lý nhà nước về không gian xanh, đồng thời đề xuất việc đổi mới và tăng cường phân cấp trong quản lý, quy trình để cộng đồng tham gia giám sát, quản lý không gian xanh trong khu đô thị mới.





Các đề xuất nêu trên là kết quả từ khảo sát thực tiễn, từ nghiên cứu các văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến không gian xanh, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài và các kết quả nghiên cứu đã công bố. Những đề xuất của tác giả các tác dụng góp phần điều chỉnh các văn bản, đưa ra ba mô hình đặc trưng cho các khu đô thị mới để áp dụng trong thiết kế quy hoạch chi tiết (nhất là thiết kế đô thị), trong thẩm định, phê duyệt và nêu các hệ thống giải pháp tổ chức không gian xanh, các giải pháp quản lý không gian xanh.




Hà Nội hiện đã được mở rộng gấp 3 lần do đó quỹ về không gian xanh cần được tăng cường về diện tích hơn nữa.




Một số gợi ý về mô hình cụ thể như sau:




* Phân loại khu đô thị mới Hà Nội theo 3 mô hình để hình thành đồng bộ loại hình không gian xanh với đầy đủ các chỉ tiêu: đất cây xanh cho khu đô thị, cho đơn vị ở và cho nhóm ở, tuyến cây xanh liên kết. Cụ thể gồm ba mô hình sau:



– Mô hình A: Khu đô thị mới gồm một vài đơn vị ở, không đủ quy mô tạo lập một khu ở hoàn chỉnh đồng bộ; với quy mô đất 20ha – 500ha, dân số 3.000 -10.000 người, với chỉ tiêu đảm bảo 1,0m2 cây xanh/người cho nhóm ở và vườn có diện tích ít nhất 0,3ha, vườn dạo cho đơn vị ở với chỉ tiêu 1,0m2/người và diện tích ít nhất 0,5ha.




– Mô hình B: Khu đô thị mới là một khu ở hoàn chỉnh; với quy mô đất 50ha – 200ha, dân số 7.000- 27.000 người, gồm diện tích cây xanh cho vườn hoa nhóm ở, vườn dạo đơn vị ở và công viên khu ở có diện tích ít nhất 3ha.




– Mô hình C: Khu đô thị mới là một vài khu ở hoặc khu ở và khu chức năng, đủ quy mô tạo lập một khu vực phát triển bền vững, đồng bộ; với quy mô đất từ 200ha trở lên, có đồng bộ không gian xanh nhóm ở, đơn vị ở, khu ở và có công viên khu vực với diện tích ít nhất 10ha.




* Ðể thực hiện được các mô hình trên cần thực hiện đòng bộ với hệ thống các giải pháp sau:




– Hoàn thiện cơ chế chính sách (điều chỉnh và cụ thể hơn quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách).



– Xây dựng các mô hình không gian xanh cho phù hợp từng loại khu đô thị mới, bao gồm chất lượng không gian xanh và số lượng, quy mô của từng loại hình không gian xanh.



– Tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng, bổ sung thêm nhiệm vụ cho các Ban giám sát khu đô thị mới  của cộng đồng





– Ðổi mới hình thức quản lý và tăng cường phân cấp.
– Kiến nghị tăng cường phân cấp trong quản lý không gian xanh khu đô thị mới, sớm hình thành cơ quan chuyên trách quản lý không gian xanh của các đô thị tránh tình trạng phân tán nhằm quản lý được đồng bộ không gian xanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *