Trang chủ » Muôn đường cửa nẻo…

Muôn đường cửa nẻo…

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments


KT&ĐS – Trong kiến trúc, nói một cách nôm na, cánh cửa là sự phân định, ngăn cách hai không gian. Nhưng sau cánh cửa trong bài này không phải là một không gian khác. Sau cánh cửa ở đây là những chuyện… đằng sau cánh cửa!


Chuyện dài dòng về chất liệu






Thống kê ngắn gọn, thị trường hiện có cửa gỗ, cửa nhôm, cửa sắt, cửa kính, cửa chống cháy và cửa hỗn hợp các chất liệu đó. Đi sâu hơn nữa thì gỗ có gỗ tự nhiên, gỗ nhân tạo, gỗ dày, gỗ mỏng, gỗ tốt, gỗ xấu, gỗ nhóm 1 nhóm 2… Cửa kính cũng có kính thường, kính cường lực, kính một lớp, kính hai lớp, kính trong, kính đục, kính màu… Cứ thống kê như vậy thì thấy riêng về chất liệu đã có quá nhiều loại. Nhiều loại thì tất nhiều chuyện.


Có một trụ sở công ty, chủ đầu tư yêu cầu: “Làm gì thì làm, cửa phải là gỗ tự nhiên loại tốt, bản lớn và đánh vecni giữ nguyên vân gỗ”! Dưới góc độ chuyên môn kiến trúc, yêu cầu đó không nên làm, vì công năng sử dụng khá đặc biệt của công trình, vì hướng nắng sẽ làm bạc màu vecni và, cả về thẩm mỹ chung của kiến trúc công trình. Nhưng sau một thời gian bàn cãi, cuối cùng vị chủ đầu tư đó cũng nhượng bộ. Cho phép sơn dầu cửa gỗ ở bên ngoài, để phù hợp với màu sắc công trình và giữ bền màu sắc. Nhưng, bên trong phải giữ nguyên màu vecni có “vân gỗ” giữa các phòng nội bộ. Nhìn phòng làm việc tối om, giống phòng ngủ gia đình.


Gần đây lại nổi lên chuyện cửa kính. Với rất nhiều người, kính là một cái gì đó rất “hiện đại”, rất “thành thị”! Vậy thì để khỏi mang tiếng “nhà quê”, cứ việc dùng thật nhiều kính! Cửa ra vào kính mảng lớn. Cửa sổ kính mảng lớn. Cửa các phòng cũng kính. Mặt dựng toàn là kính. Cái quan niệm sai lầm đó, có lẽ đã góp phần tạo ra những “phố” làng lạnh lùng, cứng nhắc, nóng bức, lai căng ở các vùng nông thôn đang đô thị hoá. Kính có nhiều ưu điểm cũng như có nhiều hạn chế mà KT&ĐS đã có chuyên đề đề cập. Kính luôn phải đi kèm với rèm, với màn che, máy lạnh. Kính là ví dụ điển hình về một loại vật liệu, nếu làm không đúng, thì nó đi ngược với xu thế kiến trúc sinh thái, bền vững và tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, trong thực tế, dùng kính loại gì, như thế nào, không hề là một bài toán đơn giản cho các kiến trúc sư. Không thể lấy trường hợp này gán vào trường hợp kia mà phải vận đúng các tiêu chuẩn. Nói đến tiêu chuẩn xây dựng thì không ít chuyện…


Bộ tiêu chuẩn luôn luôn thiếu


Bộ cánh cửa phải có cấu tạo và vật liệu phù hợp với chức năng công trình. Từ nhà ở đơn lập đến biệt thự, căn hộ chung cư hay các công trình công cộng như trường học, nhà hát, khách sạn… đều phải có cấu trúc cửa phù hợp. Có những công trình đặc biệt, đòi hỏi phải có cửa “đặc biệt” như ngân hàng, kho bạc, trại giam… Rất nhiều tiêu chuẩn đã được đặt ra, để phục vụ cho việc thiết kế, thi công. Nhưng thực tế, bao nhiêu tiêu chuẩn vẫn còn là thiếu khi xã hội phát triển và điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng khác nhau.


Ví dụ, như chuyện thiết kế cửa lớp học. Tiêu chuẩn quy định, hướng chiếu sáng chính cho các phòng học là hướng bắc và đông bắc. Và, phải từ phía tay trái của học sinh. Nguyên tắc là vậy, nhưng trong thực tế có mấy khu đất có thể xây dựng lớp học phù hợp với hướng. Rồi lại, khi thiết kế thực tế có nhiều (loại) cửa gỗ, cửa kính, cửa lá sách bằng gỗ, cửa lá sách bằng kính, cửa lá sách bằng kính kết hợp nhôm, cửa lá sách lật bằng gỗ, kính, nhôm… mà hiện nay các trường học đều sử dụng khác nhau. Tuỳ thuộc vào nhà thiết kế. Loại cửa nào vừa có thể lấy sáng, vẫn thông thoáng mà lại chống ồn? Các vùng phía Bắc có mùa đông, mùa hạ. Cửa lá sách gỗ chỉ thích hợp cho mùa hạ, còn cửa kính thích hợp cho mùa đông. Nếu chỉ dùng một lớp cửa thì sẽ không phù hợp cho mùa ngược lại. Có một số trường xây dựng ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc, có đủ cả lớp cửa này. Ở phía Nam quanh năm nắng nóng. Nhưng nắng vào mùa khô khác mùa mưa, thậm chí trong một ngày cũng có những thời điểm có nắng khác nhau. Vậy mới có cảnh, khi thì lớp học sáng quá, gây chói cho học trò thì phải che bằng rèm, thậm chí có nơi còn phải dán giấy che cho bớt sáng, còn vào mùa mưa, thì lớp học lại tối thui! Vậy loại cửa nào là thích hợp cho địa phương nào, mùa nào? Chắc khó có “chuẩn” nào đáp ứng, cho các vùng có điều kiện tự nhiên khí hậu, thời tiết khác nhau trên cả nước.


Lại nói chuyện một không gian sống, đang ngày càng phổ biến là căn hộ chung cư. Tại một khu chung cư, người ta thiết kế cửa sổ có cánh mở ra, cửa kính khung sắt kết hợp với móc cửa chống gió. Có lần, gió lớn thổi, cánh cửa đập mạnh làm kính bị vỡ rơi xuống đất. Người ta họp kiểm điểm trách nhiệm, thì chẳng ai có lỗi. Vì nhà đầu tư đã làm hết trách nhiệm, nhà thiết kế thi công cũng làm đúng mọi thủ tục, tiêu chuẩn. Giả sử, nếu có một tiêu chuẩn quy định rằng ở chưng cư, từ tầng 2 trở lên phải dùng cửa sổ, dạng cánh kéo – đẩy (cửa lùa) chứ không phải cánh mở, thì trong trường hợp này có thể quy trách nhiệm cho nhà thiết kế. Nhưng tiêu chuẩn không ghi cụ thể như vậy. Thế là hoà!


Với nhà ở dân dụng, cũng có nhiều chuyện về cửa. Cửa gỗ hẳn nhiên là kém an ninh. Nhà phố nào trong cửa gỗ, ngoài cửa sắt kéo, hay cửa sắt cuốn. Nhưng điều này lại rất kém an toàn khi xảy ra sự cố, ví dụ như hoả hoạn chẳng hạn. Có những gia đình có tới mấy lớp cửa ra vào, ngăn cách toàn bộ cả không gian bên trong với bên ngoài, kết hợp cả khoá cơ, khoá điện. Đây là những điều tối kỵ khi xử lý an toàn. Nói đến an toàn thì có nhiều tiêu chuẩn bắt buộc. Ví dụ như cửa toilet luôn phải mở ra, cửa vệ sinh công trình công cộng, nên có khoảng hở bên trên và bên dưới cánh cửa. Còn về loại tay nắm chốt cửa chỉ mở từ một phía bên trong (còn gọi là tay nắm chốt gió). Có gia đình mua loại này về lại dùng cho cánh cửa toilet, mỗi khi có gió dập làm cửa bị đóng, người đứng ngoài chẳng biết có ai ở bên trong hay không, chẳng biết làm cách nào để mở. Trong thực tế, nhiều cơ quan bị lỗi này trong thiết kế. Và, suốt ngày anh bảo vệ phải lăm lăm cái chìa khoá để đi mở toilet, khi có sự cố sập cửa, do gió!


Cái khoá chốt là một phụ kiện, nếu dùng không đúng chỗ thì phiền toái như vậy. Còn nói đến phụ kiện cho cửa, thì còn cơ man là chuyện…


Phụ kiện, phụ mà chính


Một chủ nhà ở kế sân bay, có cánh cửa khung sắt lắp kính ở trên sân thượng. Nhà anh, hầu như năm nào cũng bị gió thổi, dập cửa vỡ kính nếu quên chèn hòn gạch bự khi mở cửa. Cho đến khi anh phát hiện, ở thị trường có loại móc, chốt rất tiện lợi, chỉ cần bắt đinh vít, gắn móc là cánh cửa khi mở ra “vô tư” trước gió. Bây giờ, những loại phụ kiện này rất đa dạng, nó có nhiều kiểu, để phù hợp với từng loại cửa. Có loại dùng cho cửa ra vào, cửa toilet, cửa phòng.


Một loại phụ kiện rất “cơ bản” của cửa là bản lề. Bản lề vừa chịu lực cho cánh cửa, vừa để làm chốt xoay đóng mở cửa, nhưng phải còn đảm bảo thẩm mỹ nữa. Có các loại bản lề cối, bản lề lá, bản lề lá chốt âm, bản lề sàn… Sử dụng bản lề chỉ cần yêu cầu đúng loại, đúng chỗ, đủ số là bảo đảm cửa chắc chắn. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Rất nhiều những cánh cửa nặng được lắp bản lề không đúng quy cách, cánh cửa bị xệ, không mở được cửa! Chuyện còn phụ thuộc vào đối tượng sử dụng nữa. Có lần, khi thiết kế cửa cho một trường học, đơn vị thiết kế đề nghị gắn năm bản lề cho một cánh cửa. Vì, đối tượng sử dụng là học sinh phổ thông, rất nghịch ngợm. Nếu các học trò thường đu lên cánh cửa, thì dùng ba bản lề loại như vậy sẽ kém an toàn.


Một loại phụ kiện hiện đại nữa, nếu ứng dụng không đúng chỗ, đúng kỹ thuật sẽ rất gây phiền toái. Loại này, thường hay được gọi nôm na là “bộ cùi chỏ”. Có lần ông sếp của một cơ quan vừa chuyển đến trụ sở mới là một cao ốc hiện đại, ông gọi ngay đơn vị thi công đến để “mắng vốn”, vì cửa phòng ông mở ra rất nặng nề, nhưng cứ buông tay là nó dập đánh “rầm” một cái! Có nhà nọ dọn về căn biệt thự mới một thời gian thì tháo tất cả các bộ cùi chỏ ra để “cất đi” chỉ vì nhà có con nít và người giúp việc, tập mãi không quen được cách mở cửa.


Chuyện xung quanh cánh cửa và phụ kiện cửa góp nhặt ở công trường, ở quán nước, ở xưởng thiết kế có thể kể cả ngày không hết. Điều đáng nói, nó không có gì phức tạp. Có lẽ, chính vì vậy, người ta mới hay coi thường. Để đến khi “thành chuyện” mới xử lý thì đã muộn.


Bài: KTS Nguyễn Trường Lưu
Minh hoạ Hồng Nguyên







Triết lý của cửa


Công dụng của cửa là ngăn cách. Sử dụng cửa chỉ đơn giản là mở ra, đóng vào. Vậy mà, có những cái cửa, nó lại gánh trên mình những chức năng khác, mà nhiều khi ta không ngờ.


Chuyện kể, có anh chàng nghèo ở dưới miệt vườn, miền Tây Nam bộ. Nhà anh mái lá, vách lá ai muốn vào nhà, cứ vạch lá vào cũng được. Đồ trong nhà chẳng có gì đáng kể, nhưng nhà cũng có một cánh cửa, bằng gỗ! Một hôm đang đi làm đồng, nghe nói nhà mình bị cháy. Anh vội vàng chạy về, việc đầu tiên là tìm cách kéo nhanh cánh cửa ra khỏi đám cháy. Hỏi tại sao anh lại cứu cánh cửa? Anh chỉ những hàng chữ chằng chịt phía sau cánh cửa. Thì ra, anh ghi lên đấy ngày sinh, ngày giỗ… của cha mẹ, ông bà. Mới hay đằng sau cánh cửa lại là bảng “gia phả”, của một dòng họ!


Câu chuyện thứ hai. Chuyện của một người quen. Khi xây nhà, anh ta không theo thiết kế cửa của nhà chuyên môn, mà lại đến “thầy” xin kích thước cửa. Ông thầy tính toán kiểu gì đó, rồi giao cho anh một băng giấy, dài khoảng gần 40cm, có gạch mực từng đoạn. Và bảo, cứ làm cửa theo kích thước đó, nhân ra. Tuỳ cửa! Về nhà, có người cắc cớ bảo, thước lỗ ban có nhiều cung. Cung phú quý làm cho chủ nhà giàu có, cung hoạn lộ khiến chủ nhà thăng quan tiến chức vậy anh lấy cung tốt cho cái gì? Nghe vậy, vị chủ nhà ngớ người ra, chạy đến hỏi thầy đã cho mình kích thước, theo cung gì?” Thầy chỉ thủng thẳng hỏi lại: “Thực tâm anh muốn tốt về cái gì?” Ngẫm nghĩ sâu xa, ông mới bảo: “Bền nhất là đường con cái. Vậy xin thầy cho cái cung gì mà tốt cho con cái”. Thầy bèn cho một băng giấy khác cũng gạch gạch, xây nhà xong, mấy năm sau thấy con cái học hành chểnh mảng, vợ chồng cũng cơm không lành canh không ngọt. Một người khách đến chơi, nghe chủ nhà than thở mới lấy thước ra đo cửa và bảo: “Cửa nhà anh trúng cung đào hoa!?” Chồng đào hoa, vợ đào hoa, con trai đào hoa, con gái cũng đào hoa, nên gia cảnh không lộn xộn mới là lạ!


Nghe chuyện của người quen, thực hư chẳng biết thế nào, nhưng cứ nhìn mấy cái thước sắt loại của thợ xây cầm trong tay, mới thấy thước “lỗ ban” bây giờ được ghi đầy đủ vào trong thước sắt? Có loại viết bằng chữ Hoa, chỉ thầy Tàu mới biết, có loại phiên âm ra từ Hán Việt. Anh chàng người quen ngậm ngùi “triết lý”: “Cái cửa quan trọng thật. Chỉ điểm sơ những từ cửa, đã thấy nó phong phú. Nào là cửa sông, cửa biển, cửa rừng, cửa nhà, cửa hiệu, cửa hàng, cửa trời, cửa phật, cửa thánh… Nào là cửa công, cửa quan, cửa quyền, cửa tử… Như tôi đây, bây giờ hết cửa rồi nên phải sửa cửa thôi!”


Mới nói đến chuyện “tâm linh” của cửa, đã lắm chuyện thế rồi, còn nói chuyện công dụng, hẳn còn có nhiều chuyện.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.