Kính là một trong những vật liệu rất quan trọng trong kiến trúc đương đại ngày nay. Hầu như những gì gắn liền với tính hiện đại cho công trình đều có sự tham gia của kính
Đến giữa thế kỷ 19 khi công nghệ sản xuất kính đã phát triển và cho phép sản xuất những tấm kính có kích cỡ lớn hơn và bền hơn, kính đã trở thành một vật liệu chính vừa bao che nhưng cũng nhằm tạo thẩm mỹ cho công trình. Đặc biệt đầu thế kỷ 20, ông chủ của nền kiến trúc hiện đại Le Corbusier đã kêu gọi một cuộc đấu tranh giữa nhu cầu cần ánh sáng và những hạn chế do vật liệu cũng như phương pháp xây dựng cũ mang lại, với mục đích giảm bớt lượng cấu kiện ở mặt đứng đến mức tối thiểu. Điều đó có nghĩa việc đạt tới sự “trong suốt” trên mặt đứng bằng vật liệu kính trở thành một trong những biểu tượng cho sự phóng khoáng, dân chủ, và hiện đại trong kiến trúc.
Ngày nay, kính thường được kết hợp với thép không những làm kết cấu bao che, vách ngăn, mà còn được sử dụng cho các cấu kiện chịu lực như dầm và cột trong những cấu trúc nhẹ. Công trình toát lên vẻ thanh thoát và nhẹ nhàng hơn, đơn giản nhưng giàu tính biểu cảm với kính. Đặc biệt trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, việc áp dụng kính cũng phải được tính toán thích hợp. Loại hình kiến trúc trong khí hậu chúng ta thường sử dụng ánh sáng tán xạ của bầu trời (ánh sáng gián tiếp) là chủ yếu do ánh nắng trực tiếp làm cho chúng ta cảm thấy nóng và khó chịu. Vì vậy, những mảng kính lớn thường được sử dụng ở hướng bắc hoặc đông bắc là chủ yếu. Trong trường hợp ở các hướng khác, kính phải được sử dụng kết hợp với các kết cấu che nắng nhằm hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào trong nhà nhưng vẫn cho phép tầm nhìn tốt ra cảnh quan bên ngoài.
Nhà cây cọ ở vườn Kew, London, Anh (1845 – 1848) | Halle au Ble, Paris, Pháp (1806 – 1811): Kết cấu đầu tiên trên thế giới về hệ lưới thép ô kính |
Mái kính đem thiên nhiên vào nhà | Cầu trong suốt bằng kính |
Hệ thống các dầm kính chịu lực cho mái | |
Vách kính lớn được kết hợp với các tấm lọc ánh sáng nhằm giảm lượng ánh nắng chiếu trực tiếp nhưng vẫn cho phép tầm nhìn ra ngoài |
Bài và ảnh: KTS Trần Tuấn Anh
Khoa kiến trúc, đại học Khoa học Huế