Nhà duyên






Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp 7.2007


Tôi nhớ mãi ngôi nhà của cha mẹ tôi ở quê nghèo, chật hẹp và rất thiếu tiện
nghi. Đến năm 1948 đưa cả gia đình lên Sài Gòn, sáu năm sau cha tôi mới mua được
căn phố nhỏ. Tôi lập gia đình, ra riêng cho đến năm 1990, sau khi cha mẹ qua
đời, vợ chồng tôi quay về với căn phố xưa.

Một hôm, trong câu chuyện nào đó,
“nhà tôi” nói: “Anh dạy kiến trúc, làm nghề kiến trúc đã vẽ bao nhiêu nhà cho
người ta mà biết bao giờ anh mới vẽ nhà cho mình” – Một câu thôi nhưng nói lên
cái ước ao mong muốn từ lâu của nhau. Tôi ngậm ngùi làm thinh quay mặt chỗ khác.
May thay, chúng tôi gặp cơ hội mua được mảnh đất ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn,
Tp. HCM. Lô đất của chúng tôi trừ đường đi phía trước 7m, còn khoảng 450 m2
(ngang 20m x sâu 22,5m). Bây giờ mới nghĩ đến việc vẽ nhà cho mình, đúng hơn là
tôi vẽ nhà cho… nhà tôi.

Tôi rất thích hướng đông là hướng mặt trời mọc, trăng lên, gió mát nên nhà chúng
tôi hướng về đông là chính. Tôi chọn 90m2 (9m x 10m) để xây nhà. Lô đất xoay về
hướng đông nam, cũng là một thuận tiện để định vị mặt bằng: một hình chữ nhật
nằm về phía tây bắc, cách ranh phía tây 3m dành lối cho xe vào cách phía bắc 3m.
phần còn lại tha hồ cho chúng tôi làm sân vườn.
Nhìn từ phía trước, ngôi nhà như yên vị trên mỏm đồi nhỏ, nhưng thật ra nó nằm
trên sàn cao cẳng (pilotis). phần trước đắp đất giả đồi, làm lối đi lên tới
phòng khách và sinh hoạt ở tầng 1.
Hệ cột pilotis sẽ cho ba ưu điểm: Thêm diện tích liên kết với sân vườn; Đưa tầm
nhìn lên cao để nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên bao quanh và ngôi nhà cao, khi
xế chiều bóng sẽ đổ nghiêng lên sân và làm mát môi trường chung quanh nhà.

Còn một điều mà mọi người trong nghề chúng ta quan tâm tới và tôi cũng thường
nhắc nhở rất nhiều các bạn sinh viên – đó là cái duyên trong kiến trúc. Cũng như
các bạn thích ngắm một người con gái duyên dáng, thì với ngôi nhà mình cũng vậy.
Tôi cho rằng duyên dáng của ngôi nhà ở, trước hết là do cái mái. Không khác nào
“Nhà có mái như con gái có tóc” hoặc “Gái duyên nhờ tóc, nhà duyên nhờ nóc”. Xưa
nay khi nói tới nhà, tôi luôn có ấn tượng là nhà có mái hai dốc, nên tôi không
ngần ngại chọn giải pháp đơn giản này. Độ dốc mái hơi cao hơn độ dốc nón lá, là
vì tôi muốn tận dụng phần trên trần để làm tầng áp mái.
Về hưu hơn 10 năm, tôi thấy sung sướng, hạnh phúc vì đã thực hiện xong một ngôi
“nhà cho nhà tôi”, và nó lại có được chút duyên như nhiều người cảm nhận.

Bài và ảnh: KTS
CỔ VĂN HẬU

(KTNĐ số 7-2007)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *