Nhọc nhằn chuyện ở trọ Sau một ngày làm việc vất vả từ 6h30 đến 21h, chị Nguyễn Thị Hương, công nhân KCN dệt may Phố Nối (Hưng Yên) trở về căn phòng trọ tồi tàn của mình ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ. Gọi là căn phòng cho oai chứ thực chất đây chỉ là chỗ nghỉ tạm bợ, chật chội và ẩm thấp. Vậy nhưng chị Hương vẫn phải rủ thêm mấy người nữa ở cùng để giảm bớt tiền thuê nhà. Căn phòng chưa đến 10m2 mà 5 người ở, mỗi người phải đóng 100.000 đồng một tháng. Xung quanh phòng không còn chút không gian nào vì chủ nhà đã tận dụng hết chỗ trống để quây phòng cho thuê. Cả khu trọ chỉ dùng chung một công trình vệ sinh. Khu vực này tập trung rất đông công nhân may đến làm việc nên nhu cầu ở trọ lớn, các chủ nhà tha hồ nâng giá mà vẫn không có để thuê. Ở chật chội như vậy nhưng chị Hương vẫn cảm thấy may mắn vì mình đã tìm được chỗ để ở. “Bọn mình đi làm từ sáng sớm, lúc về thì đã muộn, ăn cơm ở Cty hoặc cơm bụi ở ngoài. Về phòng cũng chỉ tắm giặt và ngủ. Thế nên chịu khó ở chật chội, tiết kiệm tiền thuê nhà, cuối tháng còn có chút tiền gửi về giúp gia đình. Với mức lương hiện nay, sống được như thế này đã chật vật, làm sao dám nghĩ đến mua nhà”, chị Hương tâm sự.
Cuộc sống như chị Hương là điển hình cho tình trạng của các công nhân ngành may hiện nay. Ở KCN dệt may Phố Nối có hàng nghìn công nhân đang làm việc. Thời gian làm việc trong một ngày nhiều, thu nhập thấp. Nhưng có lẽ khổ nhất vẫn là hành trình đi tìm nhà trọ. Chị Đào Thu Hồng, công nhân đang làm việc tại KCN này cho biết, mỗi năm chị phải chuyển nhà trọ tới 4 – 5 lần. Nhà trọ nào cũng chật chội và ẩm thấp. Cứ mỗi khi chủ trọ nhà tăng giá, là chị phải đi tìm chỗ ở mới. Chỗ sau bao giờ cũng chật chội hơn chỗ trước. 5 – 7 công nhân may ở chung một phòng là mô hình phổ biến hiện nay.
Nhà ở chưa có trong quy hoạch Những năm qua, ngành dệt may nước ta đã không ngừng lớn mạnh. Cả nước hiện có khoảng 2.500 DN dệt may với hơn 2 triệu lao động. Chỉ riêng số đoàn viên công đoàn do LĐLĐ TP.HCM quản lý đã hơn 800 nghìn, trong đó trên 30% là lao động ngành may. Thế nhưng, bên cạnh sự lớn mạnh về quy mô ấy, chỗ ở của công nhân may vẫn chưa được cải thiện. Hầu hết công nhân may đều chưa có chỗ ở ổn định. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam thừa nhận, thiếu chỗ ở – đó là một thực tế của ngành dệt may hiện nay. Trên cả nước, số DN xây nhà cho công nhân như May Nhà Bè, Bến Nghé vẫn đếm trên đầu ngón tay. Thiếu nhà lưu trú cho công nhân tập trung ở hầu hết các DN dệt may, nhưng bức xúc nhất là tại những nơi thu hút đông lao động như Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, tiếp đến là Hải Dương, Quảng Ngãi, Hưng Yên… Ông Ân cũng cho rằng, đáng lẽ vấn đề nhà ở cho công nhân phải được tính đến ngay từ khi quy hoạch các KCN theo hướng bên cạnh một KCN phải là một khu nhà ở. Nhưng vì điều này đã không được tính đến ngay từ khi quy hoạch, nên bây giờ không thể xây nhà ở chen vào giữa KCN được. Ngay tại KCN dệt may Phố Nối, nơi được quy hoạch đồng bộ cho ngành dệt may cũng không tính đến yếu tố này. Vì thế, hàng nghìn công nhân làm việc tại đây đều phải ở trong các nhà trọ của dân. Chị Đào Thu Hồng thừa nhận, có nghe qua về chương trình nhà ở xã hội trên ti-vi, nhưng chị không dám nghĩ sẽ có ngày được ở trong căn nhà đó. Theo ông Lê Quốc Ân, cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi xin cấp phép đầu tư xây dựng, các địa phương cần có quỹ đất xây nhà cho công nhân. Hơn thế nữa, công tác quy hoạch phải được tính đến ngay từ khi hình thành KCN, KCX… |