Giữa năm 2009, một số người dân góp vốn mua chung cư CT1– Văn Khê – Hà Đông bất ngờ khi chủ đầu tư, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01, thông báo nâng mức giá thêm 30% so với thời điểm góp vốn ban đầu. Tiếp đó, khách hàng mua chung cư CT2– Văn Khê cũng ngã ngửa người khi nộp đến 95% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư mới thông báo tăng giá 12%. Gần đây nhất là dự án làng Việt Kiều châu Âu gây sốc khi tăng tới 38%…. Đó là chưa kể đến hàng loạt chủ đầu tư chung cư Vườn Đào, Megastar Dominium Tây Hồ Tây tự ý thay đổi thiết kế so với thỏa thuận ban đầu.
Đóng đến 70% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư Dự án Làng Việt Kiều châu Âu bất ngờ tăng giá bán lên tới 38%. Ảnh: Đ.K |
Để mua được nhà tại Hà Nội không đơn giản, khách hàng thường phải chịu mức chênh hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng từ môi giới. Người may mắn mua được giá gốc phải nộp tiền khi dự án mới xong phần móng.
Theo Công ty Nghiên cứu Bất động sản Savills Việt Nam, trong quý một, thị trường bất động sản Hà Nội đón nhận hơn 1.800 căn hộ từ 15 dự án và hình thức chào bán chủ yếu theo dạng hợp đồng góp vốn. Hiện giá chào bán căn hộ trên 10 quận huyện nội thành đều tăng 2-12%. trong khi diện tích nhà ở bình quân đầu người cả nước là 18,6 m2 mỗi người thì Hà Nội ở mức thấp nhất cả nước, khoảng 7- 7,5 m2 mỗi người. Hà Nội được xếp vào dạng thành phố đất chật người đông, giá cả đắt đỏ, nguồn cung nhà ở còn hạn chế và chủ đầu tư luôn là người chủ động, ở thế thắng khi bán nhà.
Anh trần Duy, một khách hàng mua căn hộ tại khu Văn Khê đã ví von, khách hàng và chủ đầu tư giống như đang đi trên cùng một con thuyền, trong đó, chủ đầu tư là người cầm lái. “Chúng tôi ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi đã gần đến đích rồi bất ngờ bị người lái đò đòi tăng phí mãi lộ”, anh Duy chia sẻ.
Khi mâu thuẫn xảy ra, không chỉ riêng khách hàng mệt mỏi mà chính chủ đầu tư cũng đau đầu không kém. Tâm sự với VnExpress.net, một chủ đầu tư chia sẻ, công ty của ông mới chân ướt chân ráo từ Tây Nguyên lên Hà Nội khởi nghiệp. Cả công ty, từ Chủ tịch HĐQT đến ban giám đốc đều chạy như con thoi thu thập hồ sơ giải trình cho khách hàng khi nhận được sự phản ứng của người mua về việc doanh nghiệp tăng giá bán. Cuối cùng, không chịu được sức ép của dư luận, phía công ty đành phải “nhún”, giữ nguyên giá ban đầu và sẵn sàng chấp nhận lỗ để… êm chuyện. “trượt giá nằm ngoài khả năng tính toán từ phía công ty, để có tiền xây tiếp, chúng tôi cần khách hàng thông cảm. trong vòng 2 tháng, nhận được phản ứng mạnh mẽ của người mua, tôi đã bạc cả tóc vì lo mất uy tín”, vị chủ đầu tư nói.
trường hợp “nhún” như doanh nghiệp kể trên rất hiếm. Đa phần, các chủ đầu tư cho rằng, khi nguyên vật liệu biến động, họ có cơ sở tăng giá bán vì căn cứ vào tính pháp lý cùa hợp đồng. Luật sư phạm Đức Giang, trưởng Văn phòng Luật sư BMC, Hà Nội, nhận định, hợp đồng góp vốn được chủ đầu tư soạn thảo sẵn, người mua chỉ việc đặt bút ký. Chính vì vậy, các điều khoản thường có lợi cho người bán và khách hàng phải chịu nhiều rủi ro. Theo ông Giang, nếu hợp đồng ghi rõ, chủ đầu tư được quyền điều chỉnh giá bán khi thị trường biến động và người mua chấp nhận thì việc tăng giá là có cơ sở. “Tuy nhiên, để thể hiện sự tôn trọng khách hàng và nâng cao uy tín của doanh nghiệp, chủ đầu tư nên giải trình cụ thể về mức biến động giá. Hợp đồng cũng cần chi tiết để dễ phân xử khi xảy ra tranh chấp”, ông Giang nói.
Ông Leon Cheneval, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Công ty Nghiên cứu Bất động sản Savills Việt Nam chia sẻ, ở Australia, hợp đồng chỉ được ký kết khi các điều lệ thực sự rõ ràng. 95% khách hàng nhờ luật sư tư vấn khi mua những tài sản lớn như nhà ở. Khác với Việt Nam, hợp đồng thường có lợi cho khách hàng và rất hãn hữu xảy ra tình trạng tranh chấp, kiện tụng.
“Ở một số nước, nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng thời điểm như hợp đồng quy định hoặc thay đổi thiết kế cũng như biến động giá khoảng trên 5%, hợp đồng vô hiệu lực, khách hàng có quyền đòi lại tiền”, ông Leon Cheneval nói.
Để xây công trình, ngoài việc vay ngân hàng, chủ đầu tư còn phải huy động vốn từ phía khách hàng từ khi dự án chưa hình thành. Ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc Bộ phận Đại lý Bán hàng Công ty nghiên cứu Bất động sản Savills Việt Nam, nhận định, chính điều này làm thị trường bất động sản Việt Nam càng hấp dẫn, rủi ro lớn nhưng lợi nhuận cũng cực cao. Bản thân ông Minh, mặc dù làm trong lĩnh vực bất động sản, cũng đã “choáng” khi chứng kiến có những khách hàng mua hàng chục lô đất nền ở khu Láng Hòa Lạc, đưa cho chủ đầu tư hàng chục tỷ đồng mà chỉ nhận về duy nhất một tờ giấy cam kết không dấu má. Khách hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thu về khoản lợi nhuận kếch xù và họ luôn ở tâm lý “được ăn cả, ngã về không”.
Nói về các vụ khiếu nại liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, ông Minh cho rằng, đó sẽ là bài học đắt giá cho cả chủ đầu tư và khách hàng. “Công trình xây dựng đến khi gần hoàn thiện rồi bất ngờ tăng giá bán là phi lý. Chủ đầu tư phải kiểm soát được quá trình biến động giá trên thị trường trong vòng 2-3 năm, thậm chí là 10 năm”, ông Minh nói.
Hoàng Lan