Trang chủ » Những địa chỉ đất vàng quỵt tiền thuê Nhà nước

Những địa chỉ đất vàng quỵt tiền thuê Nhà nước

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Những địa chỉ này đã được Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp HCM xếp vào danh sách danh sách nhà đất thuộc tài sản nhà nước (đang cho thuê) bị dùng sai mục đích, các đơn vị trú đóng nợ tiền mặt bằng nhưng lại kinh doanh sai quy định và bỏ túi riêng. Đơn vị này cũng cầu cứu UBND và Ủy ban phòng chống tham nhũng Tp HCM về hướng xử lý các con nợ khó đòi này.

Ngoài địa chỉ chây ỳ không đóng tiền thuê đất ở 8-12 Lê Duẩn, quận 1 và hàng loạt khu đất công ở các quận ven trung tâm, còn có 9 mặt bằng đắc địa khác tại quận 1 và 3, thành phố ra sức thu hồi còn đơn vị thuê đất quyết liệt bám trụ.

Số 28 Mạc Đĩnh Chi, quận 1 do Công ty cổ phần Vinacam đang sử dụng. Nhà trước đây do Công ty Vật tư nông nghiệp ký hợp đồng thuê, sau đó là chi nhánh Tổng công ty Vật tư nông nghiệp. trong quá trình sử dụng đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà điều hành sản xuất tại khu vực phía Nam trên diện tích nhà hiện hữu. Năm 2005, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp thành lập Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Vinacam, mang giá trị trụ sở chi nhánh tổng công ty thuê của nhà nước này đi góp vốn vào công ty cổ phần luôn.

Không những thế, đơn vị này đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng quy định, lại cho một số doanh nghiệp bạn dùng một phần diện tích để kinh doanh. Ngoài ra, Công ty cổ phần Vinacam còn đề nghị Công ty quản lý kinh doanh nhà chuyển từ hợp đồng thuê nhà sang hợp đồng thuê đất.

Mặt bằng số 28 Bis Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Tp HCM, một trong những địa chỉ “vàng” khó đòi. Ảnh: Thiên Chương.

Ngay sát bên, số 28 Bis Mạc Đĩnh Chi, quận 1 đang được Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông sử dụng. Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp 3. Khi tham gia cổ phần hóa, đơn vị đã góp vốn bằng tài sản là khu nhà 28 Bis Mạc Đĩnh Chi, hiện cho nhà hàng Hoa Viên sử dụng mặt bằng kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của UBND Tp HCM, Công ty quản lý kinh doanh nhà đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thu hồi nhà. Song, Công ty Vàm Cỏ Đông không bàn giao và vẫn tiếp tục khai thác sử dụng cho đến nay.

Số 29 Tôn Đức Thắng quận 1 do Công ty cổ phần Điện máy Tp HCM đứng tên hợp đồng thuê. Mặt bằng thuộc dự án mở rộng khách sạn Majestic và UBND Tp HCM đã có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên đến nay đơn vị này không đồng ý bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất phương án đền bù.

Số 102 Lê Thị Riêng quận 1, do Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ sử dụng. Vị trí đất nằm ngay khu trung tâm thuộc khu vực cải tạo chỉnh trang. Đơn vị dùng mặt bằng để in ấn sách, làm dịch vụ garage sửa chữa ô tô, kinh doanh xe gắn máy và văn phòng giao dịch. Cơ sở hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải theo quy định, không phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường trong khu dân cư. UBND Tp HCM đã có quyết định thu hồi để xây cao ốc văn phòng. Công ty quản lý kinh doanh nhà đã tiến hành thanh lý hợp đồng thuê và thu hồi nhà. Tuy nhiên đơn vị Công ty thực phẩm và đầu tư công nghệ không bàn giao. Hiện đơn vị này vẫn khai thác sử dụng sai quy định.

Văn phòng cho thuê tại số 6 Thái Văn Lung, quận 1, Tp HCM tọa lạc trên mặt bằng vốn có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, cho thuê dễ nhưng khó đòi. Ảnh: Thiên Chương.

Số 6 Thái Văn Lung, quận 1 đang được Hãng phim truyện Việt Nam trú đóng. trong quá trình sử dụng, hãng phim đã liên kết với Công ty Xây dựng thương mại và du lịch Sài Gòn xây ngôi nhà 4 tầng và 11 tầng trên khu đất. Hiện nhà 4 tầng do hãng phim sử dụng làm văn phòng giao dịch. Nhà 11 tầng do Công ty Xây dựng thương mại và du lịch Sài Gòn sử dụng làm văn phòng cho thuê.

Số 2B Lê Quý Đôn, quận 3, do Công ty cổ phần Hoàn Mỹ sử dụng. Đây là trường hợp cá biệt, nhà thuộc sở hữu tư nhân cho Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố mượn trong vòng 15 năm, kể từ ngày 15/12/1984. Công ty cổ phần Hoàn Mỹ là đơn vị sử dụng từ trước đến nay.

Năm 2005 chủ sở hữu có đơn đề nghị nhận lại nhà, tuy nhiên Hoàn Mỹ không chịu giao trả và tiếp tục bám trụ khai thác sử dụng. Hồi tháng 4/2008, Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố đã khởi kiện ra tòa án nhân dân quận 3 để đòi nhà. Song dù đã hết thời hạn phải xét xử mọi việc vẫn chưa có tiến triển.

Số phận của khu đất số 9 Lý Chính Thắng, quận 3, từng được mang ra tòa định đoạt nhưng cuối cùng khách thuê vẫn “bám đất trụ làng” thành công. Ảnh: Thiên Chương.

Số 9 Lý Chính Thắng, quận 3 được Công ty phát triển kỹ thuật thành phố cư ngụ. trong quá trình sử dụng, đơn vị này đã tự ý bố trí ở cho ông trần trác tại tầng lửng và lầu 3. Công ty phát triển kỹ thuật thành phố cũng nợ tiền thuê nhà. Công ty quản lý kinh doanh nhà đã khởi kiện tại tòa án nhân dân quận 3 từ tháng 12/2007 để đòi nợ và thu hồi nhà. trên thực tế, đến nay tòa án vẫn chưa giải quyết xong. Còn doanh nghiệp trú đóng vẫn đang khai thác sử dụng mặt bằng trên.

Số 72/4 trần Quốc Toản, quận 3 cũng do Công ty cổ phần điện máy Tp HCM thuê. Đơn vị này đang sử dụng mặt bằng để kinh doanh karaoke, UBND Tp HCM có văn bản chỉ đạo thu hồi nếu đơn vị không thay đổi mục đích sử dụng nhà. Công ty quản lý kinh doanh nhà đã có nhiều văn bản yêu cầu Công ty cổ phần điện máy Tp HCM chấm dứt việc kinh doanh sai quy định, song đơn vị vẫn tiếp tục hoạt động.

Số 90G trần Quốc Toản, quận 3, do trung tâm dịch vụ thương mại nông nghiệp phía Nam bám trụ. Doanh nghiệp sử dụng diện tích này làm nơi giữ xe 2-4 bánh cho cá nhân, tổ chức bên ngoài. Một phần diện tích đem bố trí cho nhân viên có KT3. Một phần diện tích đã xuống cấp. UBND Tp HCM đã có quyết định thu hồi nhà, Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố đã có nhiều văn bản cảnh báo tình trạng hư hỏng nhà và đề nghị đơn vị thuê chấm dứt việc sử dụng nhà không đúng mục đích, dừng việc bố trí nhà ở. Tuy nhiên đơn vị vẫn tiếp tục sử dụng nhà trái quy định đồng thời không thanh toán tiền thuê nhà.

Điểm chung của các trường hợp trên là vị trí càng đắc địa thì việc đòi lại mặt bằng càng trầy trật, gian truân. Theo thống kê của Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố, năm 2009, trong danh sách nhà đất đơn vị quản lý có đến 109 cơ sở nhà đất chưa được khai thác kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp còn sử dụng lãng phí hoặc kinh doanh tràn lan, thậm chí “quên” trả tiền mặt bằng theo quy định.

Nhiều biện pháp từ nhắc nhở hành chính bằng văn bản, đến quyết định thu hồi, thậm chí là khởi kiện ra tòa đều không ăn thua, đơn vị trú đóng dù không có quyền sở hữu nhưng chẳng ai chịu “nhả đất vàng”.

Theo các chuyên gia quản lý Nhà nước, thiếu biện pháp chế tài mạnh, thiếu bộ máy quản lý chặt chẽ, đồng bộ; cộng thêm giá thuê thấp chỉ là bề nổi của vấn đề nhiều đơn vị thuê đất, nhà nhà nước quỵt tiền thuê. Nguyên nhân sâu xa là tảng băng chìm: sử dụng thế liên doanh liên kết của các đơn vị bám trụ; cậy thế trung ương không tuân thủ quyết định của thành phố; hoặc người được bố trí ở sai quy định nhưng lại có KT3, hộ khẩu. Thậm chí, tòa án xử xong nhưng lại vướng ở khâu thi hành án. Có những vụ khởi kiện, thu hồi nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn đi vào vòng lẩn quẩn, bế tắc.

Vũ Lê

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.