Những nghịch lý trong giải phóng mặt bằng ở Hà Nội












KTĐT – Những người dân gương mẫu chấp hành tốt việc giải phóng mặt bằng (GPMB) được đền bù giá thấp, những người “châyì” không chịu giao đất lại được đền bùvới giá cao hơn. Có những tuyến phố phải xây dựng với chi phí không phải chỉ là cao nhất thế giới mà là đắt gấp 5 lần so với trung bình của thế giới, còn đường cao tốc thì đắt gấp 7 lần so với trung bình của thế giới…

Nghịch lý giáđền bù



Theo PGS-TS VũThị Vinh (Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam), trong GPMB có tình trạng không nhất quán của việc đền bù. Đó là những người dân chấp hành tốt việc GPMB lại được đền bù giá thấp. Công tác GPMB thường kéo dài 2 – 3 năm, thậm chí 5 năm. Giá đất mỗi năm một khác, nên thực tế những người gương mẫu nhận đền bù trước lại bị thiệt thòi. Những người “chây ì” không chịu giao đất lại được đền bù với giá cao hơn. Điều này vô hình chung khuyến khích người dân thắc mắc khiếu kiện, kéo dài việc giao đất GPMB.



Các đại biểu cũng cho rằng, nguyên nhân của việc khiếu kiện xuất phát từ chính những điểm bất hợp lý của Luật Đất đai và các nghị định đi kèm, trong đó có các điểm bất cập như việc định giá đất sát với giá thị trường rất khó thực hiện. Giá đất trên thị trường luôn biến động, nhiều trường hợp trên cùng một tuyến đường có những giá trị khác nhau nhưng khi một vị trí bán với giá cao thì những vị trí khác sẽ lấy vị trí đó để làm mốc so sánh. Các địa phương rất khó xác định chính xác mức đền bù sát với giá trị trường.



Nhiều địa phương chưa có cơ quan có chức năng để xác định giá thị trường cho khu đất hiện tại thời điểm thu hồi, GPMB. Việc xác định giá đền bù đất nông nghiệp có những khó khăn phức tạp hơn. Đất nông nghiệp không có trao đổi nên không có cơ sở giá thị trường để tính. Có ý kiến cho rằng, theo cách tính hiện nay, nhiều địa phương như Hà Nội có thể tính giá đất nông nghiệp 130.000 – 150.000 đồng/m2. Còn các tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định cùng một xã trên một cánh đồng cũng có mức đền bù khác nhau. Như vậy người dân sẽ thắc mắc tại sao cùng đất nông nghiệp mà mỗi địa phương lại trả giá đền bù khác nhau. Việc tính giá đất nông nghiệp theo lợi tức hoa màu là không có cơ sở nên người dân khiếu kiện gay gắt.



Những tuyến phốđắt gấp 5 – 7 lần so với thế giới



PGS-TS Nguyễn Khắc Thanh (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) dẫn thông tin từ diễn đàn kỳ họp Quốc hội cho biết, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, vấn đề GPMB trở nên phức tạp hơn so với các địa phương khác. Đây còn là lực cản thực sự đối với công cuộc xây dựng Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mà trực tiếp là thực hiện đúng tiến độ các công trình chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội đã có những tuyến phố phải xây dựng với chi phí không phải chỉ là cao nhất thế giới mà là đắt gấp 5 lần so với trung bình của thế giới như đoạn từ phố Đào Tấn đến đường Bưởi. Gần đây nhất là đoạn đường từ khu vực Trung Tự đến Ô Chợ Dừa dài 1.082 m, dự kiến trên 750 tỷ đồng, tức khoảng trên 40 triệu USD/km; đoạn đường từ Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến đến Nguyễn Trãi dài 6,3km cần tới 1.300 tỷ đồng nghĩa là xấp xỉ 14 triệu USD/km. Cũng với số tiền như vậy, thế giới làm được 5 km đường thì chúng ta chỉ làm được 1km đường; còn nếu là đường cao tốc thì tính trung bình của thế giới chỉ có 1 – 1,5 triệu USD/km, chúng ta đắt gấp 7 lần.



Mặc dù làmột quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới nhưng không thể tán thành với một số ý kiến cho rằng, GPMB khó khăn, chi phí cao là vì thiếu đất, thiếu quy hoạch, thiếu kinh phí, thiếu người thực hiện, thiếu tuyên truyền, giáo dục, vận động. Trong khâu GPMB và hậu GPMB, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là do xử lý không đúng mối quan hệ lợi ích của các chủ thể liên quan đến đất đai dẫn đến tranh chấp kéo dài và khuyến khích cả những tranh chấp bất hợp pháp khác.



Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Thanh, ngay giữa Thủ đô Hà Nội từ lâu rồi diện tích hè phố lại được “giao” cho chủ các căn nhà ở mặt phố quản lý và mọi công dân khác bị mất luôn cái quyền tự do qua lại. Nhiều nơi, hè phố bị chiếm dụng biến thành không gian sinh lợi cho chủ nhân của các căn nhà mặt tiền đó mà Nhà nước không thu được chút lợi ích nào cho chủ thể sở hữu là toàn dân. Chính cái quyền sử dụng đất công phi lý đó cộng với khoản địa tô chênh lệch bị chiếm dụng một cách cũng hoàn toàn phi lý đã làm gia tăng gấp bội những khó khăn và chi phí trong GPMB ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn hiện nay.


 



Bài, ảnh: Hồng Thái

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *