– Đào phải bom, bị các hộ dân hay cơ quan có đường ống hạ ngầm cáp đi qua phản ứng dữ dội, không nhận được sự hợp tác của các đơn vị có dây treo trên cột điện, cột đèn… Có vô vàn tình huống oái oăm đã xảy ra khi Hà Nội tiến hành hạ ngầm “rác trời”. Đào đường đào được cả bom Tính đến thời điểm giữa tháng 5/2009, trên địa bàn Hà Nội hiện mới chỉ có 2 điểm đã hạ ngầm các loại dây cáp treo trên cột điện, cột đèn. Đó là khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm (bao gồm đường Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ) và dọc tuyến Hai Bà Trưng.
Ông Nguyễn Hữu Sùng – Giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị, đơn vị trực tiếp hạ ngầm 2 điểm Bờ Hồ và Hai Bà Trưng cho hay: “Điểm Bờ Hồ bắt đầu tiến hành hạ ngầm cáp từ ngày 19/11/2008 và hoàn tất từ tháng 3/2009; điểm Hai Bà Trưng tiến hành ngày 8/12/2008, hoàn thành vào cuối tháng 5/2009”. Theo ông Sùng, cả hai điểm trên đều hạ ngầm theo hình thức sử dụng ống nhựa phi lớn chôn dưới đất, sau đó luồn cáp. Do có rất nhiều công trình ngầm nằm nhằng nhịt sẵn bên dưới (cấp-thoát nước, điện lực, cáp quang…), nên phải đào thủ công. Đơn vị treo cáp không biết sợi nào của mình! Ông Sùng cũng cho hay: “Điện lực thì chỉ có một đơn vị quản lý, nhưng cáp truyền hình, chiếu sáng, viễn thông… thì có tới trên 20 đơn vị, mỗi đơn vị có từ 3-5 sợi cáp, tính chung có đến cả trăm sợi cáp treo trên trời. Ngoài các loại cáp lằng nhằng, chúng tôi còn phải gỡ cả dây… thừng; có rất nhiều đầu dây thừng quấn quanh cột đèn, cột điện, đây là sản phẩm tồn nhiều năm xuất phát từ các băng-rôn quảng cáo”.
Ông Sùng nhẩm tính: “Chỉ riêng khu vực Bờ Hồ, chúng tôi đã hạ ngầm 24.417m cáp các loại; đường Hai Bà Trưng thì còn dài hơn, đến 31.270m cáp”. Điều đáng nói là BQL hạ ngầm của ông Sùng đã không nhận được sự hợp tác từ phía các đơn vị treo cáp. Chỉ riêng việc đưa ra số liệu lưu trữ về số dây các đơn vị đã treo lên cột, đồng thời dự tính khả năng phát triển thêm dây trong vài năm tiếp theo các đơn vị cũng không làm, dù được nhắc nhở nhiều lần. Thêm nữa, nhiều đơn vị đến hiện trường rồi đứng ngẩn ra giữa một rừng dây, không biết sợi nào của đơn vị mình. Thậm chí đến việc thu hồi dây cũ cũng bị các đơn vị bỏ mặc, chỉ đến khi BQL phải tự cắt bỏ hạ xuống đất, một số đơn vị mới đến để thu hồi, một số khác “bỏ quên” luôn khiến BQL phải huy động hàng chục lượt xe ô tô tải đến chở “rác” đi. Lại có một số đơn vị nảy ra sáng kiến “tiết kiệm”, dùng dây cũ để luồn vào ống hạ ngầm. “Chúng tôi yêu cầu họ phải sử dụng dây mới, không thể tiết kiệm kiểu ấy được vì dây cũ chất lượng đã xuống cấp có thể gây chập cháy. Hơn nữa loại cáp treo trên trời thường có lõi sắt để căng dây, đem luồn vào ống ngầm sẽ tốn diện tích gấp đôi, đồng thời lõi sắt sẽ đâm thủng ống” – ông Sùng kiên quyết. Dân không cho đặt tủ điện, hộp công tơ
Khi hạ ngầm “rác trời”, đương nhiên phải đưa các tủ điện và công tơ điện từ trên cột xuống đất. Theo thiết kế ban đầu thì tất cả các tủ điện phải để đứng đúng theo một tư thế và công tơ điện thì được gắn trên bờ tường các nhà mặt phố. Tuy nhiên việc đặt tủ điện gặp phải sự phản ứng rất dữ dội của các hộ dân vì không ai lại muốn một cái tủ nằm chình ình trước cửa hàng của mình, vì thế tủ bị lắp dọc, ngang lung tung tuỳ từng vị trí. Đối với công tơ điện cũng xảy ra tình trạng tương tự, không cửa hàng nào chịu cho lắp lên tường. Khổ nỗi, công tơ điện của phần đông các hộ sống trong hẻm không treo ra mặt đường thì biết treo đâu? Chuyện tương tự cũng xảy ra tại một số cơ quan có đường cáp hạ ngầm đi qua: Họ không đồng ý cho đào sân, đặt ống ngầm. Việc hạ ngầm đành dừng lại… ngoài cổng và dây dợ lại trồi lên từ đó để chạy vào tủ điện bên trong cơ quan.
|
Những tình huống “oái oăm” khi dọn dẹp rác trời
28
Bài trước