Nơi con cháu phương Nam tưởng niệm các vua Hùng


Ngày 10.3 âm lịch năm nay (4.4.2009), khu tưởng niệm các vua Hùng được khánh thành tại quận 9, TP.HCM. Công trình đầu tiên của Công viên lịch sử văn hoá dân tộc đã hình thành. Một công trình được tổ chức thi thiết kế năm 2000 và bắt đầu thi công từ năm 2002 đã chính thức đi vào hoạt động. Từ nay, bà con ở TP.HCM có thêm một địa chỉ văn hoá – tâm linh để thăm viếng








Lối vào không gian lễ – thờ


Khác với những cuộc thi khác, ở cuộc thi thiết kế đền tưởng niệm các vua Hùng có cả ban chỉ đạo, ban giám khảo và hội đồng phản biện với nhiều nhà lãnh đạo, kiến trúc sư, các nhà sử học, nhà văn hoá… cùng tham gia. Cuộc thi toàn quốc đã trải qua bốn vòng chấm giải với số lượng đồ án vòng 1 là 52 và chọn được bốn đồ án vào vòng chung kết.


Tác giả của đồ án đoạt giải và được chọn để thi công – KTS Nguyễn Trường Lưu nhớ lại: “Mỗi lần qua một vòng là củng cố và hoàn thiện phương án thiết kế. Ở vòng dự thi thứ nhất, tôi đặc biệt chú ý đến con đường dẫn vào đền mà tôi đặt tên cho đồ án dự thi là Đường tre. Tại sao lại là đường tre? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải trở lại một chút với quá khứ. Tôi là người gốc Nam bộ, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đến năm 1975, tôi theo mẹ vào Nam. Còn nhớ, buổi gặp bà ngoại, mẹ tôi chỉ một bà cụ và nói đó là bà ngoại tôi. Thoạt nhiên, tôi nhìn bà ngoại như một người phụ nữ bình thường. Nhưng khi thấy mẹ tôi và bà ngoại ôm nhau khóc thì tôi thấy như có một đường dây linh thiêng kết nối tình cảm của mình với bà. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Và bỗng thấy bà thật gần gũi, thân thương. Tôi nghĩ rằng, muốn cảm nhận và biết ơn được tổ tiên mình, trước tiên phải bắt đầu từ cha, mẹ mình, ông, bà mình. Tôi đã kể lại câu chuyện này trong buổi thuyết minh đồ án ở vòng 1. Trong suy nghĩ của tôi, con đường tre là sợi dây kết nối, đưa tâm tưởng của du khách về với cội nguồn ruột thịt của mình”.


Tre vừa là biểu tượng của đất nước, dễ trồng, dễ uốn mà lại có bóng mát. Theo thiết kế, tre sẽ được trồng và kết thành mái che cho con đường bên dưới. Con đường dài 350 mét, khoảng cách để những người trẻ tuổi có thể đi trong 5 phút, người già đi từ 10 – 15 phút, khoảng thời gian đủ lắng đọng, chiêm nghiệm để đưa mọi người bước vào không gian tâm linh – ngôi đền.


Ở vòng thi thứ hai, kiến trúc sư tập trung vào thiết kế, thuyết minh cho ngôi đền tưởng niệm. Một lần nữa, mối liên hệ gia đình ruột thịt lại được đưa vào trong ý tưởng thiết kế. KTS Nguyễn Trường Lưu giải thích: “Ý tưởng của tôi là thiết kế một ngôi đền có đường nét, cảnh quan phải toát lên được nét mạnh mẽ phóng khoáng. Tôi nhớ đến một gia đình có các con sống ở Hà Nội, Huế và TP.HCM. Ngày giỗ tổ tiên, đám giỗ mỗi nơi đều có đặc điểm của địa phương mà con cháu đang sinh sống. Nếu xây một ngôi đền tưởng niệm các vua Hùng ở Hà Nội, tôi sẽ chọn tính chất trầm lắng là chủ đạo, nếu ở Huế, tôi chọn sự thơ mộng thì ở TP.HCM tôi chọn nét mạnh mẽ, phóng khoáng”.








Phối cảnh sân lễ, hình âm bản trống đồng


Thông thường, không gian chức năng trong một ngôi đền được chia thành không gian lễ và không gian hội. Ở công trình này có thêm không gian bái vọng. Sự phân chia không gian được tổ chức theo chiều cao. Ở sân và đường vào là không gian hội. Lên tầng 1 là không gian lễ với đền chính. Tầng trên nữa là không gian vọng hướng về phương Bắc được tổ chức trồng cây như một khu vườn.


Vật liệu sử dụng chủ yếu trong toàn bộ công trình là đá và gỗ tự nhiên, vừa bền vững vừa thân thiện, gần gũi. Đá được chọn lọc và cung cấp từ bảy địa phương là Phước Hòa – Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Định, Di Linh, Đơn Dương – Lâm Đồng và Phú Yên.


Cây xanh cũng là một khoản được chú ý đầu tư. Ở đây, đã trồng nhiều rừng cọ ở Phú Thọ chuyển vào, có những cây đa đường kính gần hai mét, cây bồ đề đường kính một mét được cẩu đưa vào trồng. Trên sân bái vọng đổ đất trồng sứ trắng với 54 cột đá – cũng là 54 ngọn đèn tượng trưng cho các dân tộc sinh sống ở Việt Nam.


KTS Nguyễn Trường Lưu quan niệm, đền tưởng niệm các vua Hùng ở TP.HCM xây dựng từ năm 2000 phải là công trình kiến trúc của thế kỷ 21 của con cháu vua Hùng ở đất phương Nam. Vì vậy nó phải hiện đại, độc đáo và không sao chép lại các mẫu đã có. Dù vậy, yếu tố “kỹ thuật” rõ nhất ở công trình này là hệ thống thang máy để phục vụ cho người tàn tật, quạt hút ở không gian lễ và hệ thống đèn để tạo ánh sáng nhân tạo vào ban đêm.


Vào trước ngày khánh thành, khi thử nghiệm hệ thống chiếu sáng ban đêm, từ Biên Hoà về, người đi đường đã có thể nhìn thấy ngôi đến được thiết kế chiếu sáng nổi bật.


Một địa chỉ văn hoá – tâm linh mới đã ra đời. Đó là nơi con cháu ở phương Nam tưởng nhớ các vua Hùng.





























Phối cảnh toàn bộ khu tưởng niệm các vua hùng Không gian bền trong khu lễ – thờ
Ánh sáng dành cho không gian hội Phía trước đền với hồ nước
Chiếu sáng bằng đèn của khu tưởng niệm Toàn cảnh sân vọng với 54 cột đá biểu tượng của 54 dân tộc của đất nước
Đường tre nhìn xuống từ trên đền

 







Tổng diện tích khu đất: 60.170m²


Diện tích đền tưởng niệm: 9.944m²


Bao gồm:


– Trệt (sân hội): 4.276m²
– Lầu 1 (nhà lễ): 2.557m²
– Sân thượng (sân vọng): 3.111 m²
Diện tích nhà ghi văn bia: 65m²
Diện tích nhà điều hành: 472m²
Diện tích nhà vệ sinh: 147m²
Diện tích nghi môn: 19m²
Diện tích lối lên đền – đường tre: 4.385m²
Diện tích quảng trường: 4.047m²
Diện tích sân hội: 4.470m²
Diện tích bãi đậu xe: 14.140m²
Diện tích cây xanh, sân vườn: 23.339m²
(trồng tre, cỏ, cây cọ…)


Bài: Hy Hưng
Ảnh: Phan Quang- H.T
Mnh hoạ: KTS Nguyễn Trường Lưu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *