Chặng đường 10 năm từ năm 1999 – 2009 là một giai đoạn hết sức ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển đô thị tại Cần Thơ. Đây được xem là giai đoạn bản lề tạo cơ sở để Cần Thơ tiếp tục phát triển nhanh hơn, xa hơn.
Từ năm 2002, tốc độ đô thị hóa của Tp rất nhanh, từ 32% năm 2000 đến nay là 52,5%. Sự phát triển của đô thị theo quy hoạch đã từng bước làm thay đổi bộ mặt của đô thị, đặc biệt làm thay đổi nhận thức của người dân không chỉ trong việc tuân thủ quy hoạch, xây dựng mà còn giúp người dân cảm nhận được các giá trị về môi trường, giá trị của đô thị phát triển có định hướng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa của Cần Thơ chưa có những ảnh hưởng lớn đến diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa. Đô thị phát triển chủ yếu theo hướng cải tạo khai thác và lấp đầy khu vực nội thị hiện hữu tại các khu đất chưa sử dụng hoặc chưa khai thác hiệu quả. Cũng như các đô thị trên phạm vi cả nước, những năm qua quá trình phát triển đô thị của Cần Thơ luôn phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại về đất đai, GpMB, giải quyết lợi ích của người dân, chuyển đổi và ổn định công ăn việc làm của người dân trong khu vực triển khai dự án. Từ thực tiễn 10 năm phát triển đô thị, cần có những định hướng và giải pháp phù hợp để sự phát triển đô thị trong những năm tiếp theo mang tính bền vững. Về kinh tế, với xuất phát điểm khá thấp, các đô thị vùng ĐBSCL rất cần một sự đột phá lớn trong phát triển kinh tế. trong đó rõ ràng cần có sự phát triển đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau giữa nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Khi đã có nền kinh tế vững chắc thì quá trình xây dựng đô thị bền vững sẽ có nhiều thuận lợi hơn, ở đây không có nghĩa là phải phát triển kinh tế bằng mọi giá và bỏ qua các vấn đề bền vững khác. Việc khai thác sử dụng đất phải được xem xét để có tính hiệu quả cao nhất, tránh đô thị hóa tràn lan, hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp. Tuy nhiên không thể tránh được việc chuyển đổi một phần khu vực nông nghiệp trở thành đô thị đối với các đô thị đang bắt đầu giai đoạn phát triển như Tp Cần Thơ. Về môi trường, Tp quan tâm đến việc giữ gìn cảnh quan sông rạch tự nhiên, cây xanh đô thị và sử dụng năng lượng trong đô thị. trên cơ sở đó, các dự án, đồ án quy hoạch đều phải đảm bảo và vượt chỉ tiêu đất cây xanh theo quy định. Các con kênh rạch luôn được cân nhắc xem xét về việc giữ lại cải tạo hay lấp đi. Đây là vấn đề chung của các đô thị vùng ĐBSCL, nơi hệ thống sông rạch vừa là không gian cảnh quan vừa là hệ thống giao thông cực kỳ quan trọng vừa là nguồn nước, nguồn sống của rất nhiều cư dân vùng ĐBSCL. Đô thị chính là trung tâm sử dụng năng lượng lớn, trong đó năng lượng sử dụng trong giao thông chiếm tỷ lệ quan trọng và là nguyên nhân chính trong vấn đề ô nhiễm của đô thị hiện nay. Vì vậy quy hoạch phát triển đô thị cần xem xét rất kỹ về hệ thống giao thông, bán kính phục vụ hợp lý, tăng cường hệ thống giao thông công cộng để tiết kiệm được thời gian và phương tiện di chuyển. Cũng như phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để sớm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý rác, nước thải. |
Phát triển đô thị Cần Thơ: Tiềm năng rất lớn
5