Vấn đề nộp tiền sử dụng đất của phú Mỹ Hưng đã trở thành tâm điểm gây xôn xao thị trường địa ốc Tp HCM gần một tuần nay. Sau làn sóng phản đối của cư dân, đến lượt doanh nghiệp dẫn ra hàng loạt cơ sở pháp lý kiến nghị lãnh đạo thành phố rà soát lại việc thu tiền sử dụng đất tại khu đô thị kiểu mẫu này.
trong công văn mới đây gửi phó chủ tịch thường trực UBND Tp HCM Nguyễn Thành Tài, phó tổng giám đốc Công ty liên doanh phú Mỹ Hưng Nguyễn Hoàng Dũng lo ngại: “Sự việc diễn ra đang ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp”.
Theo ông Dũng, hiện nhiều ngân hàng trong và ngoài nước cho công ty vay vốn đã đặc biệt lưu tâm và liên tục gọi điện hỏi thăm tin tức. Khách hàng không còn tham khảo mua nhà phú Mỹ Hưng vì họ chờ đợi quyết định của Nhà nước. Thêm vào đó, tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, một số nhà đầu tư cũng nhân cơ hội này làm áp lực đề nghị trả lại sản phẩm và đưa ra nhiều yêu cầu khác.
Ông Dũng cho rằng, tình hình này nếu dồn dập xảy ra có thể nhanh chóng làm sụp đổ toàn bộ hoạt động của Công ty phú Mỹ Hưng. Vì vậy, ông cầu cứu thành phố sớm có phương hướng giải quyết hợp lý và thông tin chính thức nhằm ổn định tâm lý người mua nhà phú Mỹ Hưng, cũng như các đơn vị có quan hệ hợp tác kinh tế với doanh nghiệp.
Cảnh chen nhau bốc thăm chọn mua nhà phú Mỹ Hưng được doanh nghiệp lo ngại sẽ không còn xảy ra nếu bài toán tiền sử dụng đất không được giải quyết dứt điểm. Ảnh: p.D. |
Bên cạnh đó, ông Dũng dẫn ra các cơ sở pháp lý chứng minh chủ đầu tư khu đô thị phú Mỹ Hưng không phải nộp tiền sử dụng đất vì nghĩa vụ này đã được Công ty Tân Thuận, liên doanh với phú Mỹ Hưng thực hiện trước đó.
Cụ thể, ông Dũng đưa ra 2 hướng kiến nghị thành phố rà soát lại hệ thống pháp lý. Thứ nhất, theo Nghị định 84 do Chính phủ ban hành năm 2007, đối với dự án nhà ở do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất trả một lần, trong đó nhà đầu tư cũng được cấn trừ tiền đền bù đất. Đối với dự án phú Mỹ Hưng, thực tế Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất với quyền sử dụng đất góp vốn liên doanh (50 năm). Vì vậy, sẽ bất hợp lý khi Nhà nước lại thu thêm một lần tiền sử dụng đất (100%) đối với phần đất đã được góp vốn.
Thứ hai là, ở khoản 3, Điều 107, Nghị định 181 quy định, doanh nghiệp Nhà nước được cho thuê đất trước ngày 1/7/2004, được sử dụng đất như ngân sách nhà nước cấp cho doanh nghiệp không phải ghi nhận nợ. Đồng thời, doanh nghiệp không phải trả tiền thuê đất khi góp vốn liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Quyền sử dụng đất của Công ty Tân Thuận góp vào liên doanh phú Mỹ Hưng được pháp luật thừa nhận tại khoản 2, Điều 110, Luật Đất đai. Đó xem như có quyền tương tự với tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã trả bằng dòng tài chính không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. “Công ty Tân Thuận xem như đã hoàn tất nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với Nhà nước”, theo ý kiến của ông Dũng.
Một nữ khách hàng đang kể khổ và bức xúc chất vấn chủ đầu tư về nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất tại khu đô thị phú Mỹ Hưng. Ảnh: Vũ Lê. |
trao đổi với VnExpress.net, trưởng văn phòng Luật sư Gia Linh Nguyễn Sa Linh phân tích, trước tiên cần hiểu đây là bài toán kinh doanh, đầu tư được sự chấp thuận của cả 3 bên ngay từ đầu.
Thành phố đổi đất lấy hạ tầng; doanh nghiệp xây cầu đường, kết nối điện nước xong thì được phát triển, kinh doanh công trình trên đất; còn người dân vui vẻ tự nguyện thậm chí tranh nhau mua nhà chứ không ai thúc ép. Mặt khác, rất khó hồi tố khi quyền và nghĩa vụ giữa phú Mỹ Hưng với thành phố ký kết từ năm 1993, thời điểm chưa có những quy định về tiền sử dụng đất. Kế đến, bản thân khách hàng khi mua nhà tại khu đô thị này đều biết họ phải đóng tiền sử dụng đất, (điều khoản có trong hợp đồng). trước đó, khi tiền sử dụng đất thấp không ai kêu ca hay phản đối. Khi khung giá đất tại quận 7, đặc biệt là khu phú Mỹ Hưng tăng 100%, khoản tiền này đội lên đã gây bức xúc cho người dân và khiến doanh nghiệp thấy mối bất lợi lớn dần.
Theo luật sư Linh, bài toán đặt ra hiện nay là phú Mỹ Hưng cần tự điều chỉnh chiến lược giá bán sản phẩm sao cho hợp lý để tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, khi xây dựng giá thành căn hộ, chủ đầu tư nên tính đến khoản hao phí của khách hàng phải bỏ ra để đóng tiền sử dụng đất. “Hiện giá nhà phú Mỹ Hưng cao ngất ngưởng, nếu cộng thêm khoản tiền sử dụng đất đương nhiên liên tục tăng trong tương lai thì doanh nghiệp sẽ khó bán được hàng”, ông Linh nói.
Dự kiến, sau cuộc họp lấy ý kiến các sở ngành liên quan hôm 12/10, Sở Tài nguyên môi trường và Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố hướng giải quyết vấn đề này. Giải pháp tình thế được đề xuất trong cuộc họp là Nhà nước sẽ tính tiền sử dụng đất cho các hộ dân phú Mỹ Hưng tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư.
trong thời gian chờ đợi thành phố ra quyết định cuối cùng về tiền sử dụng đất tại khu đô thị phía Nam thành phố, hiện cư dân phú Mỹ Hưng vẫn kiên quyết đấu tranh đến cùng phản đối việc đóng tiền sử dụng đất, vì cho rằng đó là nghĩa vụ của chủ đầu tư.
Thống kê của Công ty phú Mỹ Hưng, có 88 trường hợp người dân đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ban Quản lý khu Nam Tp HCM vào tháng 12/2008. Tuy nhiên, vì hợp đồng công chứng được bổ sung vào năm 2009, nên hiện nay các trường hợp này rơi vào tình huống có thể bị áp giá đất năm 2009 hoặc có thể 2010, căn cứ theo quyết định giao đất. Do vậy, Công ty kiến nghị UBND Tp HCM xem xét chỉ đạo giải quyết nhanh chóng 88 trường hợp này, cho phép khách hàng đóng tiền sử dụng đất theo mức trong năm 2008.
Vũ Lê