Đó là đánh giá chung của Bộ Xây dựng sau khi tập hợp ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ, Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đối với phương án thiết kế kiến trúc dự án Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Bộ Xây dựng cho biết: Đơn vị tư vấn thiết kế (Nhật Bản) đã rất cố gắng tìm hiểu thực tế và nghiên cứu đề xuất phương án kiến trúc nhằm đáp ứng các yêu cầu, chức năng sử dụng của Nhà ga T2 trong điều kiện hiện trạng cũng như tầm nhìn xa hơn trong tương lai. Đơn vị tư vấn đã đưa ra 5 phương án hình thức kiến trúc mái khác nhau trong cùng một mặt bằng kiến trúc Nhà ga. Tuy nhiên, phương án quy hoạch cũng như kiến trúc công trình còn có những nội dung chưa đạt được yêu cầu của Nhà ga quốc tế tại Thủ đô của quốc gia có hơn 100 triệu dân trong tương lai. Phương án thiết kế này còn thiếu sự đầu tư, sáng tạo cần thiết cho một công trình mang ý nghĩa quan trọng, xứng tầm quốc gia trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, dự án này vẫn còn một số bất cập như: chưa thể hiện được mối liên hệ, gắn kết các loại hình giao thông của quy hoạch Cụm cảng hàng không, sân bay với Hà Nội mở rộng và vùng Thủ đô; thiếu sự nghiên cứu mang tính tổng thể cho sự phát triển lâu dài của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo từng giai đoạn khi quy mô được mở rộng với các Nhà ga T3, T4…; hệ thống các công trình được bố trí song song sẽ trở nên gò bó khi phát triển mở rộng thêm các nhà ga T3 và T4 trong tương lai. Về mặt kiến trúc, phương án đưa ra cũng chưa thể hiện được tính hiện đại và biểu tượng văn hóa đặc trưng đối với công trình kiến trúc có ý nghĩa biểu cảm cao tại cửa ngõ quan trọng nhất của quốc gia. Hình thức kiến trúc đơn điệu với thiết kế kiểu điển hình, mang tính công nghiệp, không tạo nên được nét đặc trưng. Với kiến trúc này có thể được xây dựng ở bất cứ đâu, do phương án không tạo ra được phong cách riêng. Mặt khác, bố cục mặt bằng với các công trình thẳng và dài từ 1.000 mét (Nhà ga T2) đến 2500 mét (Nhà ga T3 và T4) đơn điệu, nhàm chán, thiếu cảm xúc về mọi hướng, thiếu nhịp điệu cần có đối với công trình cỡ lớn. Công trình được thiết kế theo dạng tuyến tính, quá dài sẽ khó khăn cho việc tổ chức không gian quản lý điều hành trung tâm cũng như giao thông bên trong công trình khi phát triển mở rộng trong tương lai. Bên cạnh đó, tổ hợp không gian, công năng công trình thiết kế phức tạp, rườm rà nhất là đường lên tập trung tất cả ở tầng 3 rồi xuống tầng 2 và tầng 1 là chưa hợp lý, lãng phí thời gian của hành khách, tốn năng lượng vận chuyển và tăng kinh phí đầu tư. Đặc biệt, phương án thiết kế thiếu đồng bộ về công năng giữa Nhà ga T2 với T1 vì chưa làm rõ mối quan hệ hữu cơ này trong thực tế sử dụng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiếp thu các ý kiến góp ý và nghiên cứu chỉnh sửa, nâng cấp phương án quy hoạch, kiến trúc của công trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./. |