Trang chủ » QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Hướng đến môi trường xanh

QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Hướng đến môi trường xanh

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Tại kỳ họp thứ 3 khóa XII Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Tp Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó, Hà Nội chính thức được mở rộng từ ngày 1/8/2008, từ 921km2 lên hơn 3.344km2. Cũng theo Nghị quyết nói trên, Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính của các địa phương và chỉ đạo xây dựng đề án quy hoạch chung (QHC) Hà Nội sau khi mở rộng.


Với hành lang xanh khoảng 70% diện tích tự nhiên, tư vấn hướng đến mục tiêu
phát triển Hà Nội bền vững.  ảnh: Duy Tường.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tháng 12/2008, Bộ Xây dựng đã ký hợp đồng tư vấn với Liên danh quốc tế perkin Eastman – posco – Jina (ppJ). Tìm hiểu tiến độ triển khai đồ án, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn pGS.TS Lưu Đức Hải – Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Với tư cách là đại diện của Bộ Xây dựng, ông có thể cho biết đến thời điểm này, tiến độ lập đồ án QHC Hà Nội được triển khai như thế nào?

– Cơ bản tiến độ đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ QHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tháng 4/2009, đồ án đã được báo cáo Thường trực Chính phủ lần 1, tháng 8/2009 báo cáo lần 2, tháng 11/2009 báo cáo lần 3. Dự kiến, cuối tháng 2/2010, tư vấn sẽ báo cáo lần cuối, đồng thời trình và lấy ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định quốc gia. Cùng thời gian này, tư vấn phản biện Australia và chuyên gia phản biện pháp cũng sẽ đưa ra những báo cáo đánh giá đồ án QHC Hà Nội. Vào quý II/2010, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về quá trình thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, trong đó có việc triển khai nghiên cứu lập QHC Hà Nội. Khoảng tháng 6/2010, Chính phủ sẽ phê duyệt đồ án.

Vậy, những nội dung chính mà đồ án QHC Hà Nội đề cập gồm những gì?

– Thứ nhất là mục tiêu đồ án. Thứ hai, tầm nhìn phát triển Hà Nội trong tương lai. Thứ ba, làm rõ những động lực phát triển đô thị. Thứ tư, quy hoạch và dự báo quy mô dân số. Thứ năm, quy hoạch đất đai dành cho phát triển đô thị. Thứ sáu, đưa ra các chỉ tiêu và giải pháp cơ bản phát triển hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, công trình văn hóa, thể dục thể thao…) và hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị, xử lý rác thải…) và nhiều nội dung khác như cấu trúc không gian đô thị, không gian ngầm đô thị, bảo tồn di sản. Thứ bảy là đánh giá môi trường chiến lược. Thứ tám là các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư nhằm sớm đưa QHC Hà Nội vào cuộc sống.

Ý tưởng cơ bản của đồ án QHC Hà Nội trong 3 lần báo cáo và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quy hoạch Hà Nội thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Theo đó, hành lang xanh của Hà Nội sẽ chiếm khoảng 70% diện tích tự nhiên. Hành lang xanh đã được ppJ cụ thể hóa gồm các vùng cây xanh, vùng mặt nước sông hồ hiện có và bảo tồn, bảo vệ các vùng nông nghiệp ở ngoại ô, các làng sinh thái, làng nghề, khu dân cư có mật độ xây dựng thấp… Với hành lang xanh này, tư vấn hướng đến mục tiêu phát triển Hà Nội bền vững.

Vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra trong đồ án như thế nào, thưa ông?

– Đồ án QHC Hà Nội là đồ án quy hoạch xây dựng nên trước nhất nó phải tuân thủ Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch Đô thị. Theo Luật Quy hoạch Đô thị, đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của đồ án QHC xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm đánh giá, xem xét hệ quả của sự phát triển trong tương lai tác động đến môi trường như thế nào và việc thẩm định nội dung đánh giá môi trường chiến lược được thẩm định trong đồ án quy hoạch. Ở các nước trên thế giới, đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được coi là đồ án quy hoạch môi trường vì đồ án quy hoạch phải giải quyết nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường đô thị. Ví dụ, đối với cấp nước sinh hoạt thì phải bảo đảm tiêu chuẩn về khối lượng cấp nước và chất lượng nước cấp cho mọi hoạt động của người dân đô thị. Đối với vấn đề nước thải, đồ án quy định phải xử lý theo tiêu chuẩn nào, lắp đặt hệ thống cống thoát ra sao, cần bao nhiêu nhà máy xử lý nước thải, nhà máy đặt ở đâu… Các lĩnh vực hạ tầng khác như giao thông, rác thải… cũng vậy. Đồ án quy hoạch xây dựng điều tiết các nội dung bảo đảm các tiêu chuẩn nhất định nên bản thân nó đã phải bảo đảm các yêu cầu về môi trường.

trở lại với đồ án QHC Hà Nội, tư vấn đã sớm đưa vào các tiêu chuẩn của Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch xây dựng hiện đang được Bộ Xây dựng (với sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch) hoàn thiện nghiên cứu, chuẩn bị ban hành. Nói cách khác, QHC Hà Nội đã được áp dụng những hướng dẫn kỹ thuật đánh giá môi trường chiến lược mới nhất, đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch Đô thị vừa có hiệu lực thực hiện từ 1/1/2010.

Tuy nhiên gần đây có ý kiến cho rằng đồ án QHC Hà Nội còn xem nhẹ yếu tố môi trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– trong dự thảo báo cáo mới nhất (ngày 31/1/2010) đồ án QHC Hà Nội hơn 1.000 trang bao gồm trên 900 trang thuyết minh, hơn 100 trang bản vẽ thì nội dung đánh giá môi trường chiến lược chiếm trên 110 trang. Theo quy định, đồ án quy hoạch đang trong quá trình nghiên cứu là tài liệu mật. Các báo cáo nhằm lấy ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành… trong quá trình nghiên cứu đều là báo cáo tóm tắt. Vậy nên không chỉ nội dung về môi trường thôi đâu, nhiều nội dung khác nếu tính bằng số trang thì dễ bị cho là chưa được tư vấn nghiên cứu thấu đáo. Tôi cho rằng để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này thì ai đó chưa có dịp tiếp cận đầy đủ cần tìm hiểu thêm với nhà tư vấn quy hoạch.

Hơn nữa, như tôi đã đề cập, đồ án QHC Hà Nội tập trung vào các vấn đề như thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, giao thông, vệ sinh môi trường, cây xanh, mặt nước… vì thế tự nó đã là đồ án quy hoạch môi trường. Đặc biệt, Hà Nội được quy hoạch theo hướng đô thị xanh và đồ án cũng đề ra nhiều giải pháp để đạt chỉ tiêu “xanh” chiếm 70% diện tích tự nhiên. Điều quan trọng là ngay khi Luật Quy hoạch đô thị vừa có hiệu lực thực hiện, các tư vấn quy hoạch đã tuân thủ. Đồng thời, đồ án cũng tuân thủ các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường… nên không thể nói đồ án thiếu quan tâm đến vấn đề môi trường.

trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.