Quy định mới về xử phạt xây dựng: Mức phạt cao hơn, dân sẽ ngán?



 










Cao ốc Quốc Cường Gia Lai xây dựng sai phép (tại 472 – 472A – 472C Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) đang được các ngành chức năng xem xét, xử lý – Ảnh: P.P.H.


Chính phủ vừa ban hành nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản (BĐS), khai thác sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở. Mức xử phạt cao nhất trong xây dựng lên đến 500 triệu đồng.


Bán nhà trên giấy: phạt đến 70 triệu đồng


Nội dung gây chú ý nhất trong nghị định này là quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS.


Theo Luật kinh doanh BĐS, những BĐS tham gia kinh doanh phải qua sàn giao dịch, các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh BĐS như thành lập sàn giao dịch, làm dịch vụ định giá, môi giới quản lý, điều hành sàn giao dịch phải có chứng chỉ hoặc phải qua khóa đào tạo nhất định.


Theo nghị định này, nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, các cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt 50-60 triệu đồng nếu có những hành vi: bán, cho thuê, thuê mua BĐS thuộc diện phải qua sàn giao dịch BĐS mà không thông qua sàn theo quy định; giao dịch tại sàn không đúng trình tự thủ tục, không xác nhận hoặc xác nhận sai quy định các BĐS đã qua sàn giao dịch.


Cá nhân tổ chức kinh doanh BĐS không đủ điều kiện, không được phép đưa vào kinh doanh, vi phạm quy định về huy động vốn trong đầu tư, xây dựng dự án, vi phạm trong việc chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sẽ bị phạt 60-70 triệu đồng…


Luật kinh doanh BĐS buộc các cá nhân, tổ chức hoạt động các dịch vụ về BĐS phải có giấy phép và chứng chỉ hành nghề. Những cá nhân, tổ chức hành nghề môi giới, định giá không có chứng chỉ sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng, tổ chức sử dụng nhân viên môi giới, định giá không có chứng chỉ bị phạt 30-40 triệu đồng. Tổ chức kinh doanh BĐS không đủ số người có chứng chỉ môi giới, định giá hoặc vi phạm các nguyên tắc về hoạt môi giới BĐS sẽ bị phạt 60-70 triệu đồng…





















Hành vi 


Mức phạt theo
nghị định 126


Mức phạt theo
nghị định 23


Xây dựng sai phép, không phép


Từ 100.000-200.000 đồng.


Sai phép: từ 1-30 triệu đồng.


Không phép: từ 2-40 triệu đồng.


Xây dựng sai thiết kế


Từ 100.000-200.000 đồng.


Từ 30-40 triệu đồng.


Không mua bảo hiểm công trình


Từ 5-6 triệu đồng.


Từ 15-20 triệu đồng


Lấn chiếm vỉa hè: phạt 20-30 triệu đồng!


Lâu nay, những đô thị lớn, nhất là tại TP.HCM, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, xả rác nơi công cộng diễn ra thường xuyên. Mức phạt theo nghị định 146 năm 2007 chỉ vài chục đến 100.000 đồng không thể ngăn ngừa được người dân tái phạm. Theo nghị định 23, hành vi sử dụng vỉa hè, đường để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hóa, buôn bán vật liệu xây dựng, sửa chữa, rửa xe sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng, tăng 300 lần so với mức phạt cũ.


Mức phạt này cũng áp dụng cho những hành vi: tổ chức trông giữ xe máy, xe đạp, ôtô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường không đúng quy định, không có giấy phép; đặt treo biển quảng cáo, trang trí không đúng quy định; không hoàn thiện mặt đường theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc kéo dài quá thời gian quy định.


Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân nào có những hành vi như: lắp đặt, xây dựng bệ, bục dắt xe, bậc tam cấp chiếm vỉa hè, lòng đường; để các trang thiết bị thi công xây dựng công trình trên vỉa hè, đường không đúng quy định; xả nước thải xây dựng từ các công trình ra hè đường sẽ bị phạt 2-5 triệu đồng.


Ngoài ra, sẽ xử phạt 100.000 – 300.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân đổ rác không đúng nơi quy định. Những tổ chức thu gom, vận chuyển rác để vương vãi sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vận chuyển và đổ rác thải không đúng nơi quy định sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.


Vi phạm trong xây dựng: có thể phạt đến 500 triệu đồng


Đối với những hành vi vi phạm trong xây dựng, mức phạt trong nghị định này tăng gấp nhiều lần so với nghị định 126 năm 2004. Cụ thể, nếu công trình xây dựng sai phép là nhà ở nông thôn sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng; nhà riêng lẻ ở đô thị sẽ bị phạt 5-10 triệu; những công trình khác sai phép sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.


Đối với những công trình xây dựng không phép cũng được phân loại như trên: nhà ở nông thôn bị phạt 2-3 triệu đồng; nhà đô thị phạt 10-15 triệu và những công trình khác bị phạt 30-40 triệu đồng. Chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch 1/500 sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng. Nếu chủ đầu tư vi phạm, bị đình chỉ thi công mà tái phạm thì sẽ bị phạt 300-500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng. Mức phạt này cao gấp 250 lần so với mức phạt cao nhất theo nghị định 26 trước đó.


Nghị định này có hiệu lực ngày 1-5-2009.






Ông Phạm Gia Yên (chánh thanh tra Bộ Xây dựng):

Phạt tiền cao để người dân phải suy nghĩ trước khi vi phạm

Mức phạt tiền theo nghị định 23 cao gấp nhiều lần so với mức phạt tiền của nghị định 126. Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng mức xử phạt quá thấp, không có tác dụng răn đe chủ đầu tư. Nhiều người biết là vi phạm nhưng vẫn xây liều, mong bị phạt để có bằng chứng về thời điểm xây dựng. Vì vậy, mức phạt lần này được đưa lên rất cao để người dân phải suy nghĩ trước khi có hành vi vi phạm. Việc này góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Nếu vi phạm xảy ra trước ngày 1-5-2009 sẽ buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn nghị định này.


Theo Khánh Yên / Tuổi Trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *