Hiện trạng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là nạn nhân của cách phát triển đô thị theo phương pháp "nở nồi".
LTS: Bài viết tiếp theo của KTS Nguyễn Trọng Huấn trong chừng mực giúp độc giả bình tĩnh nhìn lại cách chúng ta xây dựng và phát triển đô thị quãng thời gian từ 1954 đến 1975.
Trước ngày thống nhất: Hà Nội tuy nghèo, nhưng thật đẹp!
Ngay sau tiếp quản thủ đô, một khu ở bằng gỗ, ngoài đê sông Hồng dành cho cán bộ được dựng gấp, đón lực lượng cán bộ từ chiến khu về, từ miền Nam tập kết ra, phần lớn xuất thân từ những làng quê vùng tự do, theo cách gọi hồi ấy.
Tập quán nông thôn và nếp sống đơn giản những ngày kháng chiến dễ dàng chấp nhận cách sống mỗi hộ một phòng, không bếp, không xí. Khu công cộng là một bể nước lớn, dùng chung. Rửa rau, vo gạo ở đấy, tắm giặt, vệ sinh cũng ở đấy. Mấy bà nội trợ ngày nào cũng gặp nhau, hôm nào nhà nào ăn gì, cả xóm đều biết. Chỉ kẹt mỗi sáng cả khu cùng đi cầu. Phải đợi. Sợ trễ giờ làm, có người nhăn nhó, nhưng cũng không xảy ra chuyện gì. Không khác bao nhiêu những ngày còn ở trong làng, trong rừng. Chẳng ai phàn nàn kêu ca.
Công viên Thống nhất khi vừa hoàn thành. Ảnh: hanoi.gov.vn |
Công viên Thống nhất là một nét son, mọc lên từ vùng hồ ao trũng thấp phía nam thành phố với công sức của hàng triệu ngày công lao động xã hội chủ nghĩa. Một không gian rộng rãi, thoáng đãng, nước biếc, cây xanh, có liễu rủ bên hồ, có cầu qua đảo… hiện hình như từ trong cổ tích.
Câu lạc bộ Thống Nhất phố Hàng Trống, xung quanh hồ Gươm, thứ bảy, chủ nhật, người miền Nam tập kết tìm nhau đông như trẩy hội.
Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân lên cao. Sức chứa của Nhà hát lớn Hà Nội trở nên bé nhỏ, mấy đoàn cải lương bắc: "Kim Chung", "Chuông vàng thủ đô", rạp bé, cũ, suất diễn ít, không đủ đáp ứng. Phải xây thêm Nhà hát Nhân dân bằng gỗ để các Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đoàn Tuồng liên khu Năm trình diễn.
Hà Nội quen dần phương thức sống mới, pha trộn gữa cách sống thị thành của cư dân tại chỗ và cách sống làng xã được cán bộ kháng chiến du nhập về. Sau này, như một nhà nghiên cứu người Pháp, Francois Corèse nhận xét: "Hà Nội là một thành phố chấp nhận những mảng làng quê trong lòng đô thị".
Hà Nội tuy còn nghèo, nhưng thật đẹp.
Hồ Gươm giữa lòng thành phố như một đoá phù dung, đổi sắc theo vòng quay nhật qũy, sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ, ngả tím khi đêm về. Bóng cổ thụ nghiêng mình, la đà mặt nước. Hoa lộc vừng trải thảm dưới chân đi. Những hàng cây trên nhiều con phố, phủ bóng râm che mát khách bộ hành. Hồ Thiền Quang, hồ Tây, như những chiếc gương phản chiếu trời mây. Thu về, sương giăng, những cây bàng trút lá khắc lên trời xám một bức tranh thủy mặc. Thiên nhiên đẹp như tranh mà những toà biệt thự bên hồ là những nét chấm phá, thêm vào.
Cả xã hội cùng chí hướng, cuộc sống vô lo và cũng thật đáng yêu!
Phát triển kiểu "nở nồi"
Là thành phố thuộc địa của chế độ thực dân, Hà Nội là bản sao của mô hình đô thị tư bản. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa bắt đầu. Quốc hữu hoá, cải tạo công thương nghiệp, công tư hợp doanh, xoá bỏ tư thương làm ăn cá thể. Cải tạo tư sản nhà đất. Trưng thu, trưng mua, Nhà nước thống nhất quản lý, phân phối lại. Chia nhà cho cán bộ trong biên chế. Những biệt thự cũ thiết kế cho một gia đình, nay là chỗ ở cho bốn, năm hộ. Cuộc "phá phách" bắt đầu.
Cơi nới, ngăn chia, chắp vá, đục khoét sao cho vừa với sức chứa bỗng tăng lên đột biến. Có sự phân hoá và phản ứng, nhưng trước một Điện Biên long trời lở đất như vừa mới xảy ra hôm qua, người Hà Nội ngơ ngác, chờ đợi. Trong khi bộ mặt đô thị không cần chờ đợi, xuống cấp từng ngày.
Trong những năm sau hòa bình lập lại, Hà Nội bắt đầu có chung cư cao tầng. Ảnh minh họa: Khu tập thể Kim Liên (hanoi.gov.vn) |
Khu nhà ở 5 tầng đầu tiên lắp ghép bằng panen được chuyên gia Triều Tiên giúp, theo mô hình đô thị Xô viết do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn làm quy hoạch, xây dựng ở Kim Liên. Trên một cánh đồng ngoại vi, mọc lên những ngôi nhà 5 tầng khang trang, niềm tự hào của một Hà Nội mới, Hà Nội xã hội chủ nghĩa. Có khu gia đình cho cán bộ cao cấp, cũng có khu tập thể cho cán bộ độc thân, sinh viên mới ra trường. Dành một số nhà làm khu chuyên gia, sau này thành khách sạn du lịch.
Khu tập thể Kim Liên là khu ở theo hình thức đô thị xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Hà Nội, coi như thị phạm. Còn lại, phần lớn vẫn là phố xá nội thành, kiểu cũ, cộng thêm một số khu tập thể theo cơ quan như thời kháng chiến: Khu Văn công Cầu Giấy, khu Đoàn Ca múa Tây Nguyên, khu tập thể Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục…. nhà tranh tre nứa lá như thời còn chiến khu. Hình thức cư trú này mãi đến 30 tháng 4 năm 1975, vẫn tồn tại.
Cách làm này để lại một bài học cho các thành phố khác, phát triển theo phương pháp "nở nồi". Trên hệ thống giao thông của thành phố cũ, nống rộng ra. Cách làm này có hiệu quả kinh tế vì đầu tư rẻ, nhưng sẽ trở thành nguy hiểm nếu không biết điểm dừng.
Cơ sở hạ tầng không phát triển, những khu xây mới tăng áp lực lên hệ thống kỹ thuật hiện có, gây quá tải, và đổ không biết bao nhiêu tiền mà chẳng thấy bộ mặt đô thị mới ở đâu. Hiện trạng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là nạn nhân của cách làm này.
Việc những đồ án quy hoạch chung, dài hạn, dự báo cho sự phát triển đô thị 25 năm sau có gì đó giống những giấc mơ để những người làm quy hoạch còn rất nhiều bỡ ngỡ tập dượt nghề nghiệp, và trong những trường hợp nhất định, giải quyết địa điểm cho một số công trình xây dựng có yêu cầu. "Quy hoạch phục vụ thiết kế, thiết kế phục vụ thi công" là khẩu hiệu chỉ đạo công tác thời gian này. Còn cuộc sống thực tế một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh phát triển theo một quy luật khác, một hình thái khác.
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mới phôi thai, các nhà máy quy mô nhỏ, công suất thấp, không cung ứng đủ cho tiêu dùng xã hội. Hợp tác xã nông nghiệp diễn ra rầm rộ nhưng người nông dân không quen với chế độ công điểm. Năng suất, sản lượng tụt dần. Gạo bán theo định mức. Bắt đầu nhập lương thực, ăn độn ngô, sắn, bột mỳ, tóm lại có gì ăn nấy, chống đói trước đã. Chế độ tem phiếu được áp dụng rộng rãi.
Bỡ ngỡ lúc đầu rồi cũng quen. Mọi người đều có công ăn việc làm, đều nghèo như nhau. Không ai dư thừa, thiếu thốn chút ít nhưng cũng công bằng. Hoàn toàn không có việc tự xây dựng nhà cửa. Hãy đợi đấy, đã có Nhà nước lo.
Không còn một Hà Nội rực rỡ với những cửa hàng, dãy phố, tư thương làm chủ, đèn đóm sáng choang ngày bộ đội mới về. Hết thời buôn bán, những cửa hàng tơ lụa mậu dịch quốc doanh trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào mở làm cảnh, không mấy ai đủ tiền và đủ dũng cảm ghé mua. Xem là chính. 20 giờ, cửa đóng, cả phố tối om. Bộ mặt đô thị tiêu điều, xơ xác.
Cần thay đổi nhận thức và rồi người Hà Nội thích ứng khá nhanh. Tất cả xếp hàng, cả ngày xếp hàng là một tập quán đô thị mới cần học. Xếp hàng mua rau, mua nhu yếu phẩm, mua phở, mua bia… Không có mặt thì nhờ xếp vào đấy một hòn gạch giữ chỗ. Thỉnh thoảng cãi nhau nhưng nhìn chung, mọi người tôn trọng quyền tồn tại hợp lý của hòn gạch, đại diện cho chủ nhân đang bận một việc gì đó ở một nơi nào đó.
Toàn dân đi xe đạp. Toàn dân mặc áo đại cán. Trận đá bóng quốc tế trên sân Hàng Đẫy, toàn sân vận động mặc áo bông xanh, tối om. May mà còn có hệ thống tàu điện bánh sắt để bà con lao động, chuyển những gánh hàng rau vào các chợ từ khu vực ngoại thành.
Mậu dịch quốc doanh te tái đóng vai bà nội trợ của toàn xã hội. Nhưng cung không đủ cầu. Chưa đến lượt mình, hàng đã hết. Ông già dù tóc râu có bạc nhưng chen ngang. Thằng bé được mẹ sai ra xếp hàng, không mua được cá được rau thì chiều nay ăn đòn. Thế là cãi nhau, thậm chí văng tục. Không tuổi tác gì ở đây! Tất cả bình đẳng trước mớ rau, con cá. Đạo đức xã hội xuống cấp, băng hoại bắt đầu từ nhưng việc rất nhỏ. Mà đã quá nhiều việc nhỏ như thế diễn ra. Do chiến tranh, hay vì môi trường đô thị? Không thể phân định rạch ròi. Có thể là do cả hai.
Chiến trường miền Nam ngày càng nóng. Lác đác những cán bộ tập kết lên đường đi B. Miền Bắc nghiến răng, dồn sức dồn người vì miền Nam thân yêu, vì một ngày thống nhất đất nước dẫu còn xa, nhưng sẽ đến.
Công cuộc xây dựng miền Bắc, hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn vẫn diễn ra với mọi nỗ lực. Tốc độ xây dựng đô thị có chậm lại nhưng những đồ án quy hoạch cho tương lai vẫn được tiến hành. Quy hoạch Vinh, Nam Định, Thanh Hoá, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòn Gai và các thị xã tỉnh lỵ… vẫn được nghiên cứu, vẫn rực rỡ những giấc mơ hoa về một tương lai. Vẽ xong xếp lại, vẽ phương án khác, chờ thời cơ.
Dân số tăng nhanh, tăng sức ép lên nhu cầu nhà ở. Một vị lãnh đạo đi tham quan Triều Tiên về, học được kinh nghiệm nước bạn đưa ra sáng kiến xây nhà năm tầng không có khu phụ. Không có bếp, xí cho từng hộ thì không cần cấp thoát nước, tất cả tập trung dưới đất, bỏ cửa hai lớp kính chớp theo kiểu Tây, người sử dụng sợ nắng có thể mua rèm cửa che lại. Tiền tiết kiệm được từ những khu phụ ấy, có thể xây thêm một ngôi nhà, sức chứa tăng gấp đôi (?!).
Loại hình cư trú này không được tán thưởng, dù là được cấp, không phải mua. Dư luận công nhân tại khu công nghiệp Việt Trì khi được phân nhà tuyên bố: "Ông nào vẽ kiểu nhà thì lên đấy mà ở, công nhân chúng tôi ra chân đồi, che cái lán". Không thể mỗi bữa lại bê nồi niêu xong chảo từ tầng năm xuống nấu, xong lại bê mâm cơm lên nhà, khúc củi cháy dở cũng phải dụi tắt, cắp nách mang lên, kẻo mất… và nhiều điều phức tạp khác nữa.
Người tiêu dùng không chấp nhận những thử nghiệm nóng vội, duy ý chí. Sau này, trong đời sống, mọi người được nghe một câu chuyện tiếu lâm không phải không hay về chủ trương này, hơi chua cay nhưng chính xác.
Mấy ông kỹ sư kết cấu học ở Liên xô về đưa ra giải pháp nhà lắp ghép tấm lớn, tấm nhỏ, đề xuất với Hà Nội cho thực hiện ở khu Văn Chương, khu Trương Định. Đáp ứng một phần sức ép về nhu cầu nhà ở đang gia tăng, gãi đúng chỗ ngứa, hy vọng mở một lối thoát. Về kết cấu, đấy là một giải pháp sử dụng từ lâu ở những nước có nền công nghiệp tiến bộ, kèm theo công xưởng hoá sản xuất cấu kiện đúc sẵn, ta chưa đủ sức làm. Vì vậy thí điểm vẫn chỉ là thí điểm.
Có thể coi là một bài học rút ra, kỹ sư kết cấu thiết kế kiến trúc nên không lường hết tính phức tạp và tế nhị của cuộc sống. Họ được đào tạo cho một chuyên ngành khác. Trong loại nhà này, tất cả nhu cầu đều tính ở mức tối thiểu, về sau đều bị biến dạng do người dân buộc phải thêm vào.
Khu tập thể Kim Liên những năm gần đây. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Trong thiết kế, lốt-gia (logia) là một khoảng hiên nhỏ để trồng vài khóm hoa, chủ nhà có thể kê chiếc ghế xếp nằm đọc báo sau một ngày làm việc mệt mỏi. Khoảng không gian sang trọng này đồng loạt được thay đổi thành chuồng gà, thành gian bếp, thành kho. Diện tích căn hộ 24 m2 cho một gia đình từ 4 đến 5 người, tối thiểu cũng phải có một không gian nhỏ, kín đáo làm kho cất một núi chăn bông áo ấm khi mùa Hè đến. Tất cả những lốt – gia được vẽ theo thiện chí của người thiết kế đồng loạt được hàn khung sắt chống trộm để biến thành diện tích phụ, nồi niêu xoong chảo phô hết ra mặt tiền.
Sau thống nhất, người miền Nam ra thăm thắc mắc mãi: "Hình như người Hà Nội thích ở chuồng?". Loại hình "chuồng cư trú" ấy ở Hà Nội đến nay vẫn còn.
Thêm một thí nghiệm thất bại! Chỉ có điều, mấy ông kỹ sư giàu sáng kiến ấy nhanh chóng bước vào hàng ngũ lãnh đạo, còn thí nghiệm "nhiều sáng kiến" nữa, và mở đường cho một trào lưu sẽ nở rộ sau này: toàn dân làm kiến trúc. Ai cũng có thể tự thiết kế và xây dựng cho mình một ngôi nhà! Tính chuyên nghiệp trong thiết kế kiến trúc là một khái niệm xa xỉ.
Người ta có thể bỏ ra hàng trăm triệu để sắm một đôi sư tử đá, vận chuyển từ Ngũ hành sơn về, nhưng chi trả vài trăm triệu cho một đồ án thiết kế ngôi nhà bạc tỷ của mình là một sự hoang phí khó tha thứ! Còn nhà cửa, cứ gọi mấy ông thầu. Nghề thầu xây dựng của mấy ông tay ngang là một nghề kiếm được.
Bài học rút ra không biết có đủ làm kinh nghiệm? Hầu hết những thử nghiệm trong xây dựng đô thị mang tính "hàn lâm" của các nhà quy hoạch, học được từ nước ngoài đem về áp dụng đều không thành công. Nó không ra đi từ thực tiễn đất nước, một thực tiễn vô cùng phong phú, biến động theo những đặc thù riêng, không giống bất cứ nơi đâu trên thế giới này.
Hà Nội thử nghiệm phá bỏ hệ thống tàu điện bánh sắt, thay vào đấy, một số tuyến xe điện bánh hơi (troleybus) học được từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Cũng lại là cách làm tạm bợ của người nông dân đã quen trong thời chiến. Một dàn dây thép đỡ cáp truyền năng lượng xuống động cơ giăng mắc khắp phố phường, như một dàn bầu dàn bí vĩ đại.
Cái tồn tại có thể được rút ra là những sáng kiến của người dân, vì chính họ, không ai khác, biết rõ họ cần gì và có thể làm gì trong những hoàn cảnh cụ thể. Và bài học vỡ lòng ngay cả trong nền kiến trúc đương đại là sự kết hợp chặt chẽ giữa người thiết kế và người sử dụng. Quan hệ này là bình đẳng, nếu không muốn công trình bị biến dạng.
Bài học trong hợp tác cũng chính là bài học dân chủ. Không chỉ trong từng ngôi nhà mà đầu tiên, trước hết, phải trong quy hoạch đô thị. Vì nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, người dân sẵn sàng phá vỡ mọi tư duy của nhà quy hoạch. Mà lấy gì đảm bảo những "phát minh" của nhà quy hoạch là đúng? Hệ thống giao thông đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình.
Chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc. Nhiều thành phố bị dội bom, thị xã Đồng Hới và một số thị xã, thị trấn bị san thành bình địa, hệ thống cầu đường, các cơ sở công nghiệp, dẫu còn nhỏ bé, cũng bị đánh phá. Các cơ quan, trường học sơ tán về nông thôn, chuyển sang cuộc sống thời chiến. Lác đác một số kiến trúc sư quy hoạch tốt nghiệp ở Nga và một số nước xã hội chủ nghĩa lần lượt về nước. Không còn đô thị để nghiên cứu, chuyển sang quy hoạch nông thôn, đợi thời cơ.
Bài học: Nhanh – Nhiều – Tốt – Rẻ
Năm 1972, người Mỹ, trong nỗ lực cuối cùng, dùng B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, đánh vào các khu dân cư đông người nhằm làm nhụt ý chí quyết thắng của Việt Nam. Cả miền Bắc ghếch nòng pháo lên trời đánh trả. Hiệp định Paris ký ngày 27 tháng Giêng năm 1973, buộc toàn bộ quân đội Mỹ và đồng minh rút hết về nước.
Một không khí phấn chấn nhanh chóng truyền lan. Hà Nội trong hào quang chiến thắng "rũ bùn đứng dậy chói loà". Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc quy hoạch mở rộng thủ đô theo Nghị Quyết của Bộ Chính trị sang Bắc sông Hồng, đầm Vạc, Vĩnh Yên làm trung tâm mới. Mời 12 nước xã hội chủ nghĩa, mỗi nước giúp quy hoạch cho Việt Nam một thành phố.
Khu tập thể Khương Thượng những năm gần đây. Ảnh: nuocnga.net |
Liên Xô giúp quy hoạch thủ đô Hà Nội, Ba Lan giúp Hải Phòng, CHDC Đức giúp Vinh, Rumani giúp Nam Định và thị xã Phủ Lý, Hungari giúp quy hoạch Hòn Gai – Bãi Cháy, Bungari giúp thị xã Thái Bình, CHDCND Triều Tiên giúp thị xã Bắc Giang, Cu ba giúp quy hoạch thị xã Đồng Hới…
Đoàn chuyên gia xây dựng của Đảng Cộng sản Nhật do đồng chí KTS NoRoLara – Moriaki làm trưởng đoàn sang ta giới thiệu kinh nghiệm xây dựng đô thị Nhật Bản, đóng góp ý kiến về quy hoạch xây dựng và cải tạo thủ đô.
Một kiến trúc sư Việt kiều từ Đan Mạch bay gấp về Hà Nội để kịp giới thiệu với kiến trúc sư Việt Nam những kinh nghiệm kiến trúc có giá thành tiết kiệm cho kịp tình hình tái thiết đất nước.
Một số công ty kinh doanh nhà Nhật Bản sang chào hàng nhà lắp ghép bằng vật liệu nhẹ. Khi ta đưa ra phương châm xây dựng của Việt Nam "Nhanh – Nhiều – Tốt – Rẻ" thì được giải thích: Nhanh – Nhiều – Tốt thì không thể Rẻ, còn muốn Nhanh – Nhiều – Rẻ thì không thể Tốt. Có lẽ bài học đơn giản ấy là bài học đầu tiên mà giới kiến trúc Việt Nam được tiếp cận với tư duy "kinh tế thị trường" lúc ấy còn rất xa lạ.
Viện Léningrad sang Hà Nội. Câu hỏi đoàn bạn đặt ra là: "Cách nhau 60 km, Hà Nội – Vĩnh Yên là một hay hai thành phố?". Ta trả lời: "Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị Việt Nam là Một". Quyết định này cho ra một sản phẩm duy nhất: Cầu Thăng Long còn sử dụng đến bây giờ.
Quy hoạch mở rộng thủ đô được ký với Viện Quy hoạch Léningrad. Hợp đồng hoàn thành khoảng năm 1979 – 1980, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.
Đất nước thống nhất, số lượng và bố cục hệ thống đô thị trên cả nước thay đổi về căn bản, xuất hiện mạng lưới các đô thị miền Nam với Sài Gòn như một chủ thể đối trọng so sánh, chủ trương mở rộng Hà Nội lên Vĩnh Yên không còn cơ sở thực hiện.
Tình thế mới. Hệ thống đô thị được mở rộng ra trên cả nước. Địa bàn quy hoạch, phương pháp quy hoạch đặt ra những vấn đề mới. Lực lượng phải dàn mỏng, san sẻ cán bộ cho miền Nam. Tính chất và kết cấu đô thị miền Nam là một hệ thống hoàn toàn phi xã hội chủ nghĩa.
Nói cho cùng, vì cách mạng phân công, một số cán bộ bước vào mội trường quy hoạch đô thị, vẽ cho đất nước những thành phố to đẹp mười lăm, hai mươi năm sau, nhưng đã trông thấy chiếc thang máy bao giờ đâu? Ngay cả những người từng được đi thang máy vì có du học nước ngoài thì Sài Gòn vẫn là một thành phố gây ấn tượng mạnh về nhiều mặt. Một đô thị kiểu chủ nghĩa tư bản ngay trên đất nước mình? Một biểu hiện của phồn vinh giả tạo vẫn được học lâu nay (?!). Khác với tất cả những gì được học và đã thử làm trong nhiều năm qua.
Tác giả: Nguyễn Trọng Huấn