Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn vừa tổ chức hội thảo nhằm xới xáo một số vấn đề mang tính “kỹ thuật” trong việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở thu nhập thấp. Quan điểm được giới chuyên môn thống nhất, đó là, NƠXH không phải là nhà rẻ tiền, chất lượng vật tư kém, chất lượng sống kém. Mọi giải pháp thiết kế đều phải được tính toán khoa học để có mức giá đông đảo người dân có thể chấp nhận được, trong khi chất lượng công trình, chất lượng sống vẫn bảo đảm. Nơi ở tạo ra… cơ hội ThS Nguyễn Bảo Lâm (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, để khả thi thì không nhất thiết phải quy hoạch NƠXH tại những vị trí tập trung hoặc thành các khu lớn. Vị trí để xây dựng khu NƠXH cần được tiếp cận tốt nhất tới các nơi làm việc của chính đối tượng sử dụng như trong chính khuôn viên các trường đại học, các khu đô thị mới, kề cận các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các khu đất sử dụng kém hiệu quả ở nội đô, các xí nghiệp ô nhiễm cần di chuyển, các khu ổ chuột kém chất lượng cần thay thế, các làng ven đô… Không gian khu ở và tiện nghi cho NƠXH không phải là không gian “đóng”, tách biệt với bên ngoài mà phải tạo ra những cơ hội để người thu nhập thấp có thể tiếp cận, vươn lên, có niềm tin vào cuộc sống tương lai, không tự ti với hiện tại. ThS Lâm đề xuất, quy mô các khu NƠXH không nên quá lớn cả về đất đai cũng như chiều cao nhằm hạn chế tối đa chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành của người sử dụng sau này. Mặc dù vậy, vẫn phải bảo đảm sự tiếp cận tối đa tới các công trình tiện ích công cộng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ, trung tâm y tế, nhà văn hóa… Thật sai lầm khi nghĩ rằng NƠXH là sự kém đi các tiện nghi công cộng và chất lượng sử dụng. Ngược lại, cần tạo điều kiện để người dân sống trong các khu NƠXH được sử dụng, tiếp cận với các hạ tầng xã hội, dịch vụ chất lượng tốt. Thiết kế kiến trúc NƠXH cần giản đơn, tránh rườm rà lãng phí không cần thiết; đồng thời khai thác tối đa các năng lượng tự nhiên như gió và ánh sáng để giảm tiêu thụ năng lượng. Cần những giải pháp thật “đắt” Vấn đề các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc đầu tiên, đó là tạo lập cơ chế, chính sách sao cho doanh nghiệp mặn mà hơn với NƠXH. Tuy nhiên, nếu thiếu những giải pháp thật tốt về quy hoạch – kiến trúc thì phân khúc nhà ở này cũng khó bề thành công trên diện rộng. KTS Trần Đức Hợp (ĐH Kiến trúc Hà Nội) phân tích, không nên áp đặt, vận dụng cứng nhắc mô hình cao hay thấp tầng. Tại các đô thị đất chật người đông, không nên thiết kế nhà thấp tầng (từ 1 – 3 tầng). Dạng nhà ở từ 4 – 5 tầng không có thang máy lại bất tiện cho những người ở tầng trên cùng. Với cả hai quy mô thiết kế trên, tuy trước mắt giá thành xây dựng rẻ nhưng về lâu dài thì lại quá đắt vì phí phạm quỹ đất.Ngược lại, cũng không nên thiết kế nhà cao trên 15 tầng, cho dù loại nhà này có vẻ tiết kiệm đất. Bởi trong kết cấu của loại nhà này sẽ phải tính toán thêm nhiều yếu tố khác như tính động đất, tải trọng gió lớn, tầng hầm… khiến cho giá thành căn hộ vọt lên cao. Kinh nghiệm cho thấy, khu nhà ở xã hội nên thiết kế từ 9-15 tầng, với các căn hộ có diện tích sàn khoảng 45 – 55 m2 và 65 m2. Trừ khu vệ sinh và bếp cố định, còn các không gian khác nên bố trí linh hoạt, tự do ngăn chia bằng nội thất theo yêu cầu của người sử dụng. Nếu thiết kế nhiều tòa nhà trong một khu thì cần phải cân nhắc có nên thiết kế tầng hầm không, vì giá thành cao (?). Nên chăng xem xét thiết kế riêng một nhà để ô tô, xe máy, mỗi tầng cao 2,1 – 2,4 m, KTS Hợp cho rằng đây là phương án kinh tế. KTS Vũ Hồng Cương đưa ra mô hình căn hộ linh hoạt với cách tổ chức không gian thành 2 khu cơ bản: khu ở và khu phụ trợ. Khu ở (khu khô) gồm phòng ngủ, phòng khách, phòng sinh hoạt, phòng ăn được ngăn chia linh hoạt bằng vật liệu nhe, dạng cấu tạo cơ động như cửa, vách ngăn nhẹ, cho phép bố trí không gian phù hợp với chức năng sử dụng cũng như có thể biến đổi theo thời tiết và nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình. Khu phụ trợ (không gian ướt) tập trung các hạng mục chức năng như bếp, nhà vệ sinh xung quanh lô – gia. (Theo KTĐT) |
Quy hoạch, kiến trúc nhà ở xã hội
1