Ngày 30/7 sẽ diễn ra Hội nghị bảo vệ giai đoạn 1 Đồ án quy hoạch tổng thể chi tiết phát triển ĐTM Hải Phòng (còn gọi là KĐT Bắc sông Cấm). Dự án được KOICA (Hàn Quốc) ký kết với UBND TP Hải Phòng vào năm 2007, trong đó cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng quy hoạch ĐTM với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.
Ông Kim Hyun Mu – Chỉ huy trưởng phụ trách chung Đồ án cho hay: Các nhà lập quy hoạch đã nhìn nhận Hải Phòng là TP biển tiêu biểu ở phía Bắc Việt Nam với các trục giao thông tăng trưởng quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho KĐT Hải Phòng mới là phải mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và thu hút các loại vốn gián tiếp của xã hội để khai thác điều kiện địa lý tự nhiên. Một yêu cầu quan trọng đặt ra là cần phát triển Hải Phòng thật hài hòa giữa vùng nông nghiệp điển hình và đô thị công nghiệp ven biển. Về điểm này, các nhà lập quy hoạch KOICA cho rằng, Hải Phòng có rất nhiều nét tương đồng với ĐTM Inchon Song Do của Hàn Quốc nên có thể coi là một tiền lệ thành công để áp dụng… Theo Đồ án, khu đất quy hoạch vừa nằm ở khu vực trọng yếu trong phát triển cân bằng Nam – Bắc của sông Cấm, vừa là điểm hợp lưu của môi trường tự nhiên sông và núi nên cần phải có sự hài hòa giữa phát triển với bảo tồn. Trọng tâm dự án quy hoạch đặt ra là phải kết nối mật thiết với các khu vực phát triển tập trung ở phía Nam sông Cấm, tức TP Hải Phòng hiện nay. Về mặt không gian, đây là một trong những trung tâm phát triển khu vực phía Bắc TP, đã được phê duyệt để phát triển thành ĐTM ngay từ năm 2003. Cùng với sự phát triển khu đất quy hoạch, đường vành đai 1 sẽ được mở rộng về phía Bắc sông Cấm. Việc này vừa củng cố hơn nữa vị thế trung tâm của TP Hải Phòng, vừa tạo điều kiện để sông Cấm được phát triển những không gian ven sông thân thiện với thiên nhiên. Đáng nói là, ở vùng tiếp giáp với khu đất dự án, có nhiều quy hoạch phát triển đa dạng đang được xây dựng ra và thực hiện, rất cần phải xem xét đến mối liên kết giữa để tạo thành mạng lưới, qua đó lập quy hoạch mang tính hệ thống và tổng thể ở khu vực phía Bắc sông Cấm. Đồ án đã đặt ra những nguyên tắc cần tuân thủ rất rõ ràng: Phải duy trì mối liên kết với quy hoạch phát triển của khu vực tiếp giáp, gắn kết mật thiết với trung tâm đô thị hiện tại ở phía Nam TP; cần phải có vùng đệm ở ven sông và ranh giới khu vực liền kề; cần phải xem xét đến vấn đề di dân và bồi thường cho khu vực thương mại quy mô nhỏ và khu làng mạc hiện tại, bảo tồn hệ sinh thái ven sông Cấm và quy hoạch di rời hệ thống quân sự; giữ gìn và quy hoạch hệ thống sông trọng yếu được liên kết ở trong và ngoài khu đất dự án; quy hoạch liên kết vùng sông – núi ở phía Bắc và phía Nam, đồng thời tạo ra tầm nhìn có thể thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên. ĐTM Hải Phòng phải được xây dựng để trở thành đô thị xanh thân thiện với môi trường, qua đó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch khu trung tâm hành chính. Đây sẽ là mô-típ quan trọng để xây dựng một tương lai cho TP Hải Phòng, vốn tự hào môi trường tự nhiên phong phú và tươi đẹp. Thậm chí quan điểm của các nhà lập Đồ án quy hoạch được ghi rất rõ: Tạo bước nhảy vọt mới với tư cách là “Đô thị trung tâm rộng lớn với 2,5 triệu dân”, cải tạo tự nhiên để “TP thân thiện với môi trường trong thế kỷ XXI”; “TP tự túc có khả năng phát triển bền vững trong tương lai”, đi đầu trong kỷ nguyên thịnh vượng. Những mong muốn đó được đúc kết qua tư duy thiết kế, đưa TP Cảng trở thành một “Hải Phòng bùng nổ”, vươn qua khu vực phía Nam sông Cấm, vượt ra khỏi ranh giới địa phận Hải Phòng hướng ra biển và mở rộng hơn vào trong đất liền. Phương hướng phát triển được chỉ ra rất rõ: Thứ nhất, tạo bước nhảy mới ở vùng trung tâm, tích hợp khu hành chính với mạng lưới kết nối dịch vụ đô thị rộng lớn. Thứ hai, phát triển thành đô thị xanh thân thiện với môi trường. Phát huy yếu tố của các dòng nước tự nhiên; khuyến khích những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình đô thị tiết kiệm năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng từ thiên nhiên. Thứ ba, là đô thị tự túc có khả năng tăng trưởng bền vững trong tương lai. Theo Đồ án mới, Quy hoạch giao thông – hệ thống tuyến đường chính KĐT Bắc sông Cấm sẽ có 3 con đường khu vực nối liền Nam – Bắc và 3 tuyến đường chính nối liền Đông – Tây. Theo đó sẽ xây dựng thêm 3 cây cầu để kết nối với khu hành chính trung tâm. ĐTM tập trung nhiều giai tầng cùng sinh sống, vì vậy cần phải sớm xây dựng sự hội nhập xã hội và khái niệm làng. Việc phức hợp hóa và liên kết các cơ quan hành chính công, cơ sở giáo dục, điền trang và khu thương mại lân cận sẽ góp phần làm tăng cường hoạt động sinh hoạt mang tính cộng đồng. Thúc đẩy hoạt động của người dân dưới hình thức cùng tham gia và xây dựng nên bản sắc của đô thị. Một “Hải Phòng hôm nay bé nhỏ”, nhưng đã rõ nét những phác thảo chính yếu nhất để thực hiện khát “bùng nổ” và phát triển bền vững trong tương lai, đúng như lời ca khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân đất Cảng, một TP “rộng dài rực sáng bên bờ biển Đông”. |