Bằng việc quản lý cả phần nội thất, công tác quản lý xây dựng của cơ quan chức năng được cho là can thiệp sâu vào việc xây dựng nhà ở của dân, thay vì chỉ nên quản lý chung. Sau nhiều ý kiến tranh cãi, đặc biệt là với sự tác động từ hội thảo do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức về “Xây dựng sai phép – nguyên nhân và giải pháp” vào tháng 2.2009 vừa qua, bộ Xây dựng vừa khẳng định nhà nước không nên can thiệp sâu vào việc xây dựng nhà của dân. Cụ thể, nhà nước chỉ cần quản lý về cốt nền, chiều cao, kiến trúc đô thị… Riêng phần nội thất, người dân hoàn toàn có thể tự “quyết” trong quá trình xây dựng (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 9.7.2009).
Phần nội thất, người dân hoàn toàn có thể tự “quyết” trong quá trình xây dựng. Ảnh: Hồng Thái |
Khẳng định trên của bộ Xây dựng rõ ràng đã “cởi trói” cho công tác quản lý vốn bị cho là “ôm rơm rặm bụng” suốt thời gian vừa qua, tạo nhiều cơ hội cho cán bộ “phức tạp” (lời của bộ trưởng bộ Xây dựng Trần Hồng Quân trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 9.7.2009), giúp người dân cảm thấy nhẹ nhõm và chủ động hơn trong việc xây dựng ngôi nhà của chính mình. Điều này cũng phù hợp với tiêu chí “quản lý phải là chỗ dựa cho sáng tạo” như ý kiến của KTS Nguyễn Văn Tất (Pháp Luật TP.HCM ngày 21.2.2009). Tuy nhiên trước sự mừng của không ít người vẫn còn đó nỗi lo chung.
Thứ nhất, ai cũng biết việc hình thành một ngôi nhà hoàn toàn không đơn giản, phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của nhiều cá nhân từ thiết kế, xin phép, thi công… Một ngôi nhà được xem là tạm “ổn” trước tiên phải thích dụng với chủ nhà và có thẩm mỹ theo sự nhìn nhận của xã hội, nhất là của người có nghề. Để được như vậy, nhân tố tiên quyết cần có là một người thiết kế có nghề; sản phẩm của họ khi đó là một bản thiết kế tương đối hoàn chỉnh. Và một thiết kế hoàn chỉnh thì càng ít (bị) thay đổi càng tốt (tất nhiên trong quá trình xây dựng, những điều chỉnh nhỏ là chuyện rất bình thường và phổ biến).
Việc thay đổi nội thất hoàn toàn không đơn giản chỉ là nới rộng thêm phòng, dời chỗ cầu thang, đổi hướng bếp, thêm bớt nhà vệ sinh… như nhiều người vẫn tưởng. Bởi lẽ, những thành phần nội thất trong ngôi nhà luôn cần có bố cục hợp lý, mối quan hệ chặt chẽ. Thay đổi một bộ phận này sẽ ảnh hưởng nhất định đến bộ phận khác và đến tổng thể ngôi nhà. Người thiết kế chuyên nghiệp thường ít mong muốn bản thiết kế của mình bị thay đổi dẫn đến ngôi nhà là “đứa con tinh thần” của mình bị “dị dạng”. Cho nên, với việc người dân (vốn không có nghề) được tự “quyết” (có thể thay đổi vô tư) phần nội thất trong thi công, vô hình trung dễ dẫn đến tình trạng phi hợp lý trong bố cục, dây chuyền công năng, thẩm mỹ… của ngôi nhà – điều cả chủ nhà và người thiết kế không muốn xảy ra.
Một ngôi nhà được xem là tạm “ổn” trước tiên phải thích dụng với chủ nhà và có thẩm mỹ theo sự nhìn nhận của xã hội. Ảnh: Hồng Thái |
Thứ hai, một nhà thầu thi công chuyên nghiệp thông thường ít muốn thay đổi thiết kế. Bởi lẽ, thay đổi thiết kế thường dễ dẫn đến sự “lằng nhằng” trong hợp đồng thi công, và tất nhiên ảnh hưởng đến chuyện nhạy cảm nhất là… vấn đề tài chính! Tuy nhiên, không riêng gì TP.HCM, hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ hiện nay hết sức phức tạp, nhà thầu thi công hết sức “đa dạng” trong khi chính cơ quan chức năng cũng khẳng định việc quản lý hoàn toàn không dễ và không xuể. Lực lượng “nhà thầu” không chuyên nghiệp này (vốn muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường) luôn muốn thiết kế thay đổi. Đơn giản, bởi đó chính là cơ sở để tính toán phát sinh, dù rằng thay đổi theo hướng đơn giản (có lợi hơn cho thi công) hay phức tạp hơn.
Nói chung, trong mọi trường hợp thay đổi thiết kế, yếu tố bất lợi luôn bị đẩy về phía chủ nhà. Cho nên, với việc được phép tự “quyết” phần nội thất trong thi công, để tránh rắc rối cho mình, người dân cần biết “chọn mặt gởi vàng” từ khâu thiết kế đến thi công bằng cách tìm đến những đơn vị và cá nhân hành nghề chuyên nghiệp.
Cuối cùng, như đã nói, việc thay đổi nội thất luôn kéo theo sự thay đổi bố cục tổng thể, và ít nhiều ảnh hưởng nhất định đến kết cấu ngôi nhà. Dời vị trí một cầu thang, thay đổi hình thức kiểu dáng, “nâng lên” hoặc “hạ xuống” (thay đổi chiều cao) nền, sàn… ngoài việc đòi hỏi giải pháp về kiến trúc, cần có giải pháp kết cấu phù hợp. Cũng vậy, việc thêm bớt phòng ốc cũng ảnh hưởng nhất định đến tải trọng chung, tính bền vững của ngôi nhà, sự an toàn thi công và quá trình sử dụng. Cho nên với việc không can thiệp sâu vào nội thất khi cấp phép và quản lý xây dựng, cơ quan chức năng tuy được xem là “cởi trói” cho người dân và cho chính mình, song hoàn toàn có lý do để lo rằng trách nhiệm của cơ quan chức năng không vì thế mà nhẹ hơn (?!).
KTS LÊ CÔNG SĨ
Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Hồng Anh (thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)
Thay đổi nội thất luôn kéo theo sự thay đổi bố cục tổng thể, và ít nhiều ảnh hưởng nhất định đến kết cấu ngôi nhà. Ảnh: Hồng Thái | Nhà nước chỉ cần quản lý về cốt nền, chiều cao, kiến trúc đô thị… Ảnh: Hồng Thái |