Vật liệu xây dựng nhiễm phóng xạ
SGTT – Thông tin đá granite, gạch men, gạch xây, ximăng ở TP.HCM có chứa chất phóng xạ vượt mức cho phép đang làm nhiều người dân và các nhà thầu xây dựng hoang mang.
Tại Việt Nam, có nhiều mẫu đá granite, gạch men, ximăng… có hoạt độ phóng xạ cao hơn các nước khác nhưng vẫn nằm trong vùng an toàn bức xạ. Ảnh: Khắc Hoan |
Ngày 3.9.2009, hội đồng khoa học sở Khoa học công nghệ TP.HCM đã đánh giá đề tài “Xác định hoạt độ phóng xạ tự nhiên trong một vài nhóm vật liệu xây dựng khu vực TP.HCM theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam – TC XDVN 397-2007” của TS Trần Văn Luyến và cử nhân Đào Văn Hoàng. “Đây là đề tài khoa học của trung tâm Hạt nhân TP.HCM đăng ký với sở. Vì ông Luyến không còn làm việc tại trung tâm hạt nhân nên trung tâm này đã bổ sung thêm ông Hoàng tham gia đề tài”, bà Phan Thu Nga, trưởng phòng quản lý khoa học công nghệ của sở cho biết.
Sau buổi đánh giá đề tài, trên một tờ báo của TP.HCM có viết rằng: “…Trong quá trình thực hiện đề tài, TS Luyến và cử nhân Hoàng có phân tích hơn 360 mẫu vật liệu xây dựng gồm đá granite, gạch men, gạch xây, ximăng cho thấy tất cả đều có chứa chất phóng xạ. Trong đó, nhiều mẫu đá granite và gạch men có hàm lượng phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép. TS Trần Văn Luyến cho biết, kết quả đo đạc tại 15 khu vực thực tế trên địa bàn thành phố có sử dụng đá granite để ốp tường hoặc lát sàn nhà đều có chất phóng xạ vượt quá giới hạn an toàn. Ngoài ra, 20% mẫu khảo sát đối với các phòng và toà nhà sử dụng gạch men cũng vượt ngưỡng an toàn về bức xạ…”. Nguồn thông tin này đã làm người tiêu dùng hoang mang khi sử dụng vật liệu xây dựng để xây nhà (đang trong thời kỳ cao điểm – PV). Ông Quốc, một chủ thầu xây dựng tại TP.HCM cho biết: “Trong mấy ngày qua có chủ nhà bàn đến chuyện vật liệu xây dựng bị nhiễm phóng xạ. Họ có yêu cầu tôi phải kiểm tra kỹ và chọn những vật liệu cao cấp không bị nhiễm chất phóng xạ. Nhưng làm sao tôi có thể biết được loại nào có, loại nào không?” Với tư cách là cơ quan đăng ký đề tài, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc trung tâm Hạt nhân TP.HCM nói: “Tôi không được nghe, được xem số liệu đó nên không thể đánh giá độ chính xác của thông tin trên. Khi nào công bố công trình, tôi phải là người cuối cùng trực tiếp kiểm tra và xác nhận toàn bộ số liệu đó”.
Cũng cần nhắc lại một câu chuyện tương tự. Giữa năm 2006, một tờ báo điện tử có đề cập đến câu chuyện TS Trần Văn Luyến (lúc đó đang làm việc tại phòng an toàn bức xạ và môi trường trực thuộc trung tâm Hạt nhân TP.HCM) “đã chọn mua ngẫu nhiên và tiến hành đo đạc mức độ phóng xạ của 20 loại vật liệu xây dựng trên thị trường TP.HCM. Kết quả: tất cả các loại vật liệu đều có độ phóng xạ vượt mức cho phép, đặc biệt là gạch men bao gồm: gạch men trắng, gạch men nâu, đá granite, gạch Đà Nẵng…”.
Sau khi đọc lại đề tài khoa học, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, TS Trần Văn Luyến nói không hề kết luận “Vật liệu xây dựng như đá granite, ximăng… có hàm lượng phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép”. Trong đề tài trên, ông Luyến có viết: “Hàm lượng Radon (một chất phóng xạ – PV) có nhiều ở đá granite. Tại Việt Nam, có nhiều mẫu đá granite, gạch men, ximăng… có hoạt độ phóng xạ cao hơn các nước khác nhưng vẫn nằm trong vùng an toàn bức xạ, nghĩa là đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật của TC XDVN 397-2007”. Ông Luyến giải thích: “Các chất phóng xạ tự nhiên có sẵn trong đất đá, cây cỏ… Hàm lượng các chất phóng xạ tự nhiên trong môi trường phụ thuộc vào vị trí địa lý, kiến tạo địa chất, loại cây cỏ, do vậy cũng có trong vật liệu xây dựng. Việc nghiên cứu hoạt độ phóng xạ là xây dựng dữ liệu về vật liệu xây dựng để có cơ sở đối chiếu an toàn bức xạ, từ đó đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho nhà sản xuất và người tiêu dùng”. Từ thực tế khảo sát, ông Luyến và các cộng sự đã cảnh báo: dù nằm trong vòng an toàn bức xạ nhưng phải hạn chế dùng các loại vật liệu có độ phóng xạ cao để trang trí phòng ngủ. Nếu đã sử dụng các vật liệu như đá granite, gạch men… phải xây thoáng, có cửa sổ và hệ thống thông gió. “Tôi không có đưa ra kết luận như những gì báo chí đã nói. Cao hơn không có nghĩa là vượt tiêu chuẩn! Không biết họ nghe thế nào mà lại đưa ra những thông tin như vậy. Tôi ý thức được kết luận của mình. Nếu đưa ra những kết luận hồ đồ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Luyến nói.
Trọng Hiền