TT – Nhiều công trình ngầm của Hà Nội đang đụng nhau khi triển khai thi công.
Đường Xuân Thủy có ít nhất hai công trình ngầm là đường xe điện và đường cáp ngầm đụng nhau – Ảnh: M.K.Trang |
Tháng 6, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội (gọi tắt Ban xe điện) lần thứ hai phải gửi công văn khẩn cho Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) về việc phối hợp dự án di chuyển các công trình ngầm nổi tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và dự án hạ ngầm cáp.
Ông Hoàng Ngọc Minh, phó giám đốc Ban xe điện, cho biết dự án xe điện tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) đã hoàn tất việc khảo sát, lập dự án và triển khai trong quý 2-2009. Tuy nhiên, khi biết Viettel được giao hạ ngầm cáp trên tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy trùng với khoảng 2km đường xe điện đi ngầm từ nút giao vành đai 3 qua Cầu Giấy đến nút giao vành đai 2, Ban xe điện đã yêu cầu phối hợp để hai công trình ngầm này không giẫm lên nhau.
Sau đó khi đơn vị tư vấn Viettel đưa ra phương án thiết kế hạ ngầm cáp, đã có tới tám điểm hạ ngầm cáp (trung bình 10m2/điểm) trùng với các hạng mục của tuyến xe điện ngầm.
Ông Lê Văn Chí, phó giám đốc Công ty tư vấn thiết kế Viettel, cho biết do kịp thời đối chiếu với sơ đồ tuyến xe điện ngầm nên phía Viettel đã điều chỉnh thiết kế để tránh chồng chéo.
Ông Chí dẫn chứng: tại đoạn 200m ở Voi Phục (công viên Thủ Lệ), đơn vị này buộc phải thay đổi từ hạ ngầm sang chạy nổi vì nếu đi ngầm sẽ đè lên đường sắt. Hoặc nếu cứ theo thiết kế ban đầu (chưa điều chỉnh), điểm hạ cáp trước tòa nhà HITC (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) sẽ trùng với đường ray tàu điện.
“Đó là chưa kể ở những điểm có nhà ga theo sơ đồ tuyến mà bên xe điện cung cấp, chúng tôi buộc phải chừa lại, điều chỉnh thiết kế sau vì phải chờ bên xe điện cung cấp các thông số thiết kế của nhà ga, đường dẫn, trụ móng” – ông Chí cho hay. Ông cũng giải thích: dù Viettel hạ ngầm cáp trước khi đường xe điện khởi công, nhưng do thiết kế kỹ thuật hạ cáp ngầm không phức tạp bằng thiết kế đường xe điện nên đơn vị chủ động nhường lại, chờ có phương án chi tiết của bên xe điện.
Ngoài ra, việc điều chỉnh thiết kế hạ cáp ngầm không quá phức tạp, song cái khó là chọn vị trí để thay đổi, bố trí lại đường đi của tuyến cáp, bởi hiện tại thành phố Hà Nội chưa có một bản đồ công trình ngầm nào. Khi bố trí luồng tuyến, bể cáp, Viettel đã rất vất vả trong việc khảo sát các công trình ngầm khác bằng… trực quan.
Không chỉ với Viettel, việc thiếu một bản đồ công trình ngầm cũng khiến nhiều đơn vị thi công công trình ngầm khác không những gặp khó khăn mà đã gây hại cho nhau khi mạnh ai nấy làm.
Phó giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa Đào Quang Minh than phiền suốt mấy tháng qua, hàng trăm khách hàng của xí nghiệp đã phải dùng nước nhiễm bẩn do một công trình ngầm khác gây ra: công trình cống hóa mương Hào Nam (phường Thịnh Quang, Đống Đa).
“Khi thi công cống hóa mương, họ không hề phối hợp với chúng tôi để khảo sát đường ống nước ngầm, nên đã gây vỡ năm điểm trong mạng lưới đường ống của chúng tôi nằm trên địa bàn phường Thịnh Quang. Khi chúng tôi yêu cầu phối hợp để giải quyết sự cố thì họ bỏ mặc” – ông Minh cho hay.
MAI KHÁNH TRANG