Thủ tục hành chính: Đang “xum xuê và rậm rạp” trở lại












Hanoinet – Thủ tục hành chính đã phát triển “xum xuê và rậm rạp” trở lại, thành các “nhánh, cành, lá, chồi” làm cản trở đầu tư của doanh nghiệp và thách thức nỗ lực kích cầu của Chính phủ.

Đầu năm ngoái, giám đốc một doanh nghiệp (DN) tư nhân ở Hà Nội quyết định chi một trăm tỉ đồng cho lôđất xây dựng trường học. Tuy vậy, đến cuối năm, vị giám đốc này vẫn chưa vượt qua được thủ tục thứ nhất, đó là chấp nhận chủ trương đầu tư từ các cơ quan chức năng của thành phố. Như vậy, anh mất mỗi tháng khoảng 1,5 tỉ đồng – tính theo lãi suất ngân hàng – từ số tiền đã bỏ ra để có lô đất. Con số mất mát tài chính này sẽ còn tăng lên, khi đến nay, anh vẫn chưa vượt qua được những thủ tục tiếp theo để khởi động dự án.

Tương tự, chủ DN tư nhân khác dự định đầu tư dự án du lịch sinh thái với dự toán ban đầu là 50 tỉ đồng. Tuy vậy, doanh nhân này loay hoay mất hai năm, mà không thể hoàn thành hết các thủ tục đầu tư cần thiết. Và số tiền 50 tỉ đồng đã không còn đủ để thực hiện dự án, nay đã đội lên gấp ba lần. Trong khi đó, các thiết bị mà DN này mua để thực hiện dự án gần như đã bỏ phí trong hai năm. Cuối cùng, vị giám đốc này chỉ còn hai lựa chọn: bỏ, hay tạm dừng dự án.

Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ trong các trường hợp mà các DN tư nhân phải gánh chịu những chi phí tài chính vô ích, cũng như phải lãng phí những cơ hội kinh doanh do nhiều chồng chéo, bất nhất của các thủ tục hành chính ngày càng mọc thêm ra, sau một thời gian bị cắt bỏ bởi luật Doanh nghiệp năm 2000.

Nhận định này được củng cố bởi những khảo sát gần đây của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Theo đó, thủ tục đầu tư xây dựng là “phức tạp, phiền hà, và tốn kém” bậc nhất. Theo viện CIEM, rất nhiều địa phương đã ban hành tới 50 thủ tục “nhánh”, mà để hoàn thành nó, các nhà đầu tư phải vượt qua từ 250 – 300 thủ tục “cành”, thủ tục “lá”, thủ tục “chồi” khác. Cụ thể, họ đi qua mười cửa kiểm tra, phê duyệt, thẩm định, mất tới bốn trăm ngày để hy vọng hoàn thành các thủ tục cơ bản cho một dự án đầu tư xây dựng liên quan đến giao đất, thuê đất.

“Nó (các thủ tục) đang phát triển trở lại, gây cản trở lớn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung thuộc CIEM nói với báo chí gần đây. Điều này xuất phát từ thực tế, là các UBND tỉnh, thành phố đã được trao quyền để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Họ đã tận dụng triệt để quyền này và ban hành các quy định riêng liên quan đến các dự án xây dựng trên phạm vi tỉnh mình. Các địa phương khác nhau có thủ tục hành chính khác nhau.

Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng, cải cách hành chính đang là một trong những “nút thắt” mà doanh nghiệp không hài lòng với cách điều hành của chính quyền, nhất là chính quyền địa phương. Ông cho biết, trong năm 2008 có tới 23% số doanh nghiệp phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, cao hơn cả đánh giá của năm 2007. “Chi phí thời gian (của doanh nghiệp) để thực hiện các quy định của Nhà nước đang tăng lên theo chiều hướng đáng lo ngại”, ông Huỳnh nói trong một hội thảo gần đây.

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam, dù đã phát triển trong các thành phần kinh tế, nhưng vẫn có quy mô rất nhỏ. Và ngày nay, họ đang đối mặt với những rào cản kinh doanh phát triển trở lại – sau khi bị cắt bỏ bởi luật Doanh nghiệp ban hành năm 2000 – bởi các cơ quan hành chính nhà nước. Hai vị giám đốc nói trên đã bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của mình, nhưng còn đó câu hỏi, có bao nhiêu chủ doanh nghiệp khác sẽ giống như họ bởi “rừng” thủ tục đó? Rõ ràng, nỗ lực của Chính phủ kích thích doanh nghiệp tăng cường đầu tư để chống chọi với nền kinh tế đang rơi vào suy thoái lại đang bị thách thức bởi những văn bản trong hệ thống của mình.


Hai năm qua Quốc hội đã ban hành 31 luật, 11 pháp lệnh; Chính phủ ban hành 406 nghị định, trong đó 20 luật, pháp lệnh và 100 nghị định có tác động và liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo văn phòng Chính phủ, trong năm 2008, văn phòng đã ban hành 17.247 văn bản các loại trong đó có 30 nghị quyết, 136 nghị định, 35 chỉ thị, 2.034 quyết định của Thủ tướng điều hành mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội của đất nước.

Các chuyên gia cho rằng, các văn bản pháp luật như vậy có thể tạo thuận lợi, nhưng cũng có thể hạn chế đến việc triển khai hai bộ luật quan trọng là Doanh nghiệp và Đầu tư.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *