KT & ĐS – …Nơi đó tuy không hẳn là một “miền quê êm ả” nhưng vẫn còn nhiều khoảng không gian thoáng đãng. Đó là nơi phù hợp với sở thích để họ có ngôi nhà đúng với mong muốn của mình
“Họ”ở đây là vợ chồng ông bà Drew và Noëlle Carr-Ellison, chồng Anh – vợ Pháp. Họ sống ở Việt Nam từ năm 1995 và tự nhận là “biết rõ ngóc ngách của Sài Gòn – TP.HCM”. Nhìn từ cầu Thủ Thiêm, Noëlle hoàn toàn bị hớp hồn bởi nét quyến rũ kỳ lạ của thành phố. Thế là bà quyết định vượt qua cây cầu, rời khỏi trung tâm thành phố và băng qua bến phà. Bà cho biết, với phương tiện giao thông như hiện nay, việc xây dựng một ngôi nhà ở bên kia cây cầu không có gì khó khăn.
Thế là ngôi nhà của bà đã ra đời, thoả mãn tiêu chí đơn giản, có tính xếp đặt, nhiều khoảng không, tràn ngập ánh sáng và dĩ nhiên nhà phải có một bể bơi.
Bà là dân Paris, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật trong ngành quảng cáo hơn mười năm, từng thành lập nhiều nhà hàng. Drew, chồng bà, một thầy thuốc người Anh làm việc cho nhiều bệnh viện. Hai người đều say mê nhiếp ảnh, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt.
Ngôi nhà bên kia cầu của vợ chồng bà là ngôi biệt thự rộng khoảng 250m2 gồm hai tầng. Tường nhà màu trắng như để tô điểm và làm nổi bật những bức tranh treo trên đó. Tầng trệt gồm một gian phòng rộng duy nhất, bao gồm một bộ salon, một nhà bếp kiểu Mỹ trang trí đồ đạc toàn bằng gỗ, một quầy bar, một chiếc bàn bằng đá cẩm thạch và một phòng ăn. Từ đây người ta có thể ra ngoài để nhìn thấy bể bơi và một sân thượng pha trộn dáng vẻ Địa Trung Hải – châu Á, kết hợp với những món đồ trang trí vùng nhiệt đới và tượng điêu khắc bằng đá của Việt Nam. Những món đồ trong nhà chủ yếu từ thời còn tên gọi “Đông Dương”, tất cả đều bằng gỗ sậm màu. Chủ nhân ngôi nhà còn điểm xuyết vào đó những món đồ nghệ thuật như chiếc mặt nạ lớn bằng kim loại của Nicole Allen – một nghệ sĩ người Úc, một bức vẽ của nhóm nghệ sĩ xưởng Cầu Vồng – vẽ hình con cọp trên một loại vải cổ mua từ 15 năm trước tại đường Lê Công Kiều, một pho tượng của Artisans d’Ankor (một tổ chức phi chính phủ ở Siem Reap – Campuchia) và hai hình vẽ tê giác của Jeoff Ricardo (người Úc). Ở lối lên cầu thang, bà móc những tấm vải cổ của Lào, những hình ảnh của Helen Savory và Sue Hajdu.
Bàn, phòng nghỉ của Noelle được trang trí bằng hình của Sue Hajdu và bàn nhỏ do chính ông thiết kế bằng gỗ hai màu đen trắng (thập niên 60) |
Ở tầng trên là các phòng ngủ, mỗi phòng có một nhà tắm và một không gian cá nhân toát lên chút gì hoài niệm. Phòng nào cũng có bộ trường kỷ bằng da cũ, ván sàn làm bằng gỗ, những bức ảnh trắng đen điểm xuyết trên tường, những đồ dùng bằng gỗ của thời Art Deco, thời kỳ có những nghệ sĩ được vợ chồng chủ nhà yêu thích. Phòng ngủ của cô con gái được trang trí với tông màu hồng duy nhất. Phòng ngủ của cậu con trai lại có màu xanh. Ở tầng trên cùng, Noëlle dùng làm phòng làm việc cho Drew, không khác gì một căn hộ nhỏ gồm một gian phòng, một bàn làm việc trong góc nơi mà mái nhà kết thúc thành mũi nhọn – nơi đây hao hao như một ngôi nhà gỗ trên núi, một thế giới riêng tư của người chồng. Trang trí cho căn phòng này, Noëlle nhấn mạnh đến sự phá cách bằng cách sử dụng các đồ vật khác nhau trong những khung cảnh khác nhau. Những món đồ sưu tập từ khắp nơi, tập hợp trong hơn 15 năm. Phòng chỉ có một món đồ mới, đó là chiếc trường kỷ lớn bọc vải nhung kẻ sọc xám, mà bà mô tả như là “chiếc trường kỷ tiện lợi nhất trên đời này”.
Mặt nạ bằng bạc của Nicole Allen | Nội thất bằng gỗ phong cách Đông Dương |
Phòng khách với nội thất pha trộn giữa truyền thống – ghế mây và hiện đại – sofa | Ảnh trang trí nghệ thuật |
Khăn, thảm từ Lào | Bàn có ngăn kéo, không gian mái kiểu biệt thự |
Phòng màu hồng của con gái, bàn trang trí dùng cho máy tính do một nữ thiết kế Việt Nam | Phòng ngủ của Noelle và Drew |
Phòng màu xanh cho con trai | Phòng màu hồng cho con gái |
Nguyên bản tiếng Pháp
Nguyễn Thi Phương – Phan Sơn chuyển ngữ
Ảnh: zhivago