Tính đến cuối năm 2009, Tp.HCM có trên 100 ngàn dự án chung cư, cao ốc. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các dự án cao tầng như hiện nay đồng nghĩa với nhiều vấn đặt ra cần giải quyết: kẹt xe, tập trung nhiều dân cư vào làm việc, sinh sống… Đặc biệt, một vấn đề quan trọng khác cũng được nhiều đại biểu tại kỳ họp lần thứ 18, Hội đồng nhân dân Tp.HCM khóa VII quan tâm là việc quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố (Tp) chưa gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều vấn đề đặt ra Ông trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp.HCM cho biết, Tp đang theo mô hình phát triển đa trung tâm. Ngoài trung tâm hiện hữu, Tp đang tiến hành xây dựng các trung tâm – đô thị mới: phú Mỹ Hưng (Q.7), Thủ Thiêm (Q.2), Q.9, Tây Bắc Củ Chi… trong tương lai, diện tích của Tp sẽ lên đến 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều vấn đề đặt ra khi mà những trung tâm – đô thị này chưa hoàn thành. Đầu tiên là bài toán về quy hoạch “treo”. Theo ông Dũng, Tp hiện có 110 dự án đang phải điều chỉnh và 310 dự án đang “treo”. Điển hình như dự án Bình Quới – Thanh Đa đã “treo” hàng chục năm nay; khu đô thị mới Thủ Thiêm 14 năm; ga Bình triệu… Bên cạnh đó, hàng loạt công trình đã hoàn thành đang cho thấy có vấn đề về quy hoạch kiến trúc: khoảng lùi so với mặt đường hạn chế, dẫn tới không có vỉa hè cho người đi bộ; bãi giữ xe trong các công trình xây dựng cao tầng… Về bãi giữ xe, đại biểu trương trọng Nghĩa cho rằng, khi chủ đầu tư các cao ốc xin giấy phép xây dựng có hạng mục này. Tuy nhiên, khi thực hiện, họ không tiến hành theo “phép” đã cấp, mà hạn chế nhỏ lại hoặc nếu có làm, cũng “đẩy” xe của nhân viên khi vào làm việc tại đây ra gửi ở những nơi khác… “trong khi đó, diện tích đường của Tp vốn đã chật chội lại phải gánh thêm việc giữ xe. Đó là bài toán mà Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan liên quan phải tính toán”, ông Nghĩa kiến nghị. Các giá trị văn hóa: phòng hơn chữa Bên cạnh những vấn đề nêu trên, trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc sáng 5.7, đại biểu Nguyễn Thế Thanh cho rằng, công tác quy hoạch và xây dựng hiện nay không chú ý đến các di sản, di tích, cảnh quan… đặc biệt là các di sản ngầm. “Điển hình như đường Đồng Khởi (Q.1), là vùng đất của Gia Định xưa, khi tiến hành xây dựng các công trình cao ốc, trung tâm thương mại… thì không thấy tham vấn các cơ quan chuyên môn, chuyên gia về các di sản có thể có dưới lòng đất. Mà khi đã đào, xây dựng các công trình ngầm, nếu có cũng sẽ phá hủy các di tích, di sản… Lúc đó có muốn bảo vệ cũng không được”, đại biểu Thanh phân tích. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Ngô Minh Hồng cũng chia sẻ, trước đây, ở Công viên Chi Lăng trên đường Đồng Khởi (Q.1) là nơi cho nhiều người dạo bộ, hóng mát. Từ lâu lắm rồi, ở đó có một tấm bảng ghi tên người đã thiết kế xây dựng nên công viên, thời gian thực hiện… Tuy nhiên, khi có một tòa nhà xây dựng thì công viên này cũng được thiết kế lại cho phù hợp với… tòa nhà. Và một điều nghiễm nhiên, cái bảng đó không thấy đâu nữa. Chính vì vậy, các đại biểu đều kiến nghị, nên đưa những địa điểm, đối tượng có chứa những giá trị lịch sử, văn hóa… vào danh mục những địa điểm cần phải bảo vệ và có quy định hẳn hoi. Khi tiến hành quy hoạch và xây dựng các công trình xây dựng, công trình giao thông… cần phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn. “Lịch sử của Tp.HCM đã 300 năm. Đó cũng không phải là quãng thời gian ngắn, chừng đó cũng đủ để có những dấu ấn, những giá trị về văn hóa cần được giữ lại. Nếu không, Tp.HCM là Tp không quá khứ”, đại biểu Hồng chia sẻ. Về vấn đề này, ông Dũng cho biết, đang có một đề tài với danh mục 117 địa chỉ, đối tượng… cần được bảo vệ, bảo tồn, vì chúng mang tính lịch sử và có giá trị văn hóa: các kiến trúc cũ (Tòa án nhân dân Tp), các biệt thự cổ… Tuy nhiên, nó chưa được pháp lý hóa, thế nên vẫn còn nhiều khó khăn. “Nhưng trong công tác quy hoạch, chúng tôi vẫn đề cập đến yếu tố này khi phê duyệt các dự án. Bên cạnh đó, với các công trình cũ, cổ, có giá trị văn hóa (Tòa án nhân dân Tp) thì khi cấp phép xây dựng mới, sửa chữa các công trình xung quanh… cũng phải thiết kế sao cho hài hòa, không làm mất đi những giá trị vốn có”, ông Dũng khẳng định. Cũng liên quan tới việc quy hoạch phải gắn với các giá trị văn hóa, bà phạm phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM chỉ đạo, việc quy hoạch phải theo hướng bền vững, đồng thời, phải thực hiện hài hòa giữa phát triển cơ sở hạ tầng và bảo tồn các di sản, di tích… Đó cũng là điều để khẳng định bản sắc của một Tp lớn. Do vậy, với mỗi bản quy hoạch, Sở cũng nên đưa ra bàn bạc công khai để mọi đối tượng có thể tham gia ý kiến. |
TP.HCM: Quy hoạch chưa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa
0
previous post