Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
Trang chủ » Chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo một hành tinh xanh

Chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo một hành tinh xanh

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Từ ngày 28/6-1/7/2010 tại quốc đảo Singapore đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh các thành phố thế giới 2010 (World Cities Summit – WCS) lần thứ hai, với sự tham gia của khoảng 1.200 lãnh đạo và cán bộ quản lý cao cấp các nước chia sẻ ý tưởng và giải pháp về “Thành phố bền vững và lý tưởng cho tương lai”.

trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài tại đây, ông Edmin Seah, Chủ tịch WCS 2010 Singapore hy vọng, “đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến tạo một hành tinh xanh trong thế kỷ 21, hướng tới phát triển bền vững”. 

Mối lo dân dồn về thành thị

Thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ, số người tập trung sống ở các thị xã và thành phố lớn ngày một đông hơn tại các vùng nông thôn. Số liệu thống kê mới nhất của Liên hợp quốc đưa ra tại Hội nghị WCS cho thấy, thời gian qua, tốc độ đô thị hóa đã liên tục tăng với tốc độ chóng mặt: từ mức 220 triệu người trong những năm đầu thế kỷ 20, lên 2,8 tỷ người vào cuối  thế kỷ. Đến năm 2007, con số này là 3,3 tỷ và vẫn liên tục tăng. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ ở mức 5 tỷ và tới năm 2050, toàn thế giới sẽ có 6,4 tỷ người sống tại các thành phố lớn. trong khi, diện tích của các thành phố hiện chỉ chiếm 2% diện tích đất của trái đất, nhưng lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên thì chiếm hơn 75%.

Tốc độ này đe dọa về sự phát triển bền vững của các thành phố trên thế giới như về tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dân số tăng nhanh, nhu cầu nhà ở, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học… Bộ trưởng Bộ phát triển quốc gia Singapore, ông Mah Bow Tan cho biết: “Không một quốc gia nào có thể giải quyết tất cả những vấn đề mà họ đang đối mặt, chính vì thế sự hợp tác giữa các thành phố là rất cần thiết để chia sẻ ý tưởng và giải pháp cùng nhau phát triển”.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó, tính chung cả nước, mỗi tháng lại có thêm một khu đô thị mới. Với tốc độ phát triển như vậy, các đô thị của Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ về phát triển không bền vững với những biểu hiện về cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, nạn ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý bất cập không theo kịp thực tế, thiếu nhà ở, chất lượng cuộc sống của người dân không cao…

Bài toán giao thông và nước sạch

Song song với các vấn đề đô thị tại WCS, hàng loạt các vấn đề “nóng” của nhiều quốc gia như: làm thế nào để xử lý tốt tình trạng ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch, giải quyết tốt hệ thống giao thông đô thị, tạo lập môi trường phát triển bền vững… được bàn thảo tại Water Leaders Summit (hội nghị về nước), transport Leaders Summit (hội nghị  về giao thông). Các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia đều có chung nhận định rằng, đó là các vấn đề tất yếu của sự bùng nổ về tốc độ đô thị hóa quá nhanh tại nhiều quốc gia hiện nay.

Việc đảm bảo cung cấp nước sạch đang là vấn đề làm đau đầu không ít nhà quản lý ở các thành phố lớn, ngay cả ở những nước phát triển với mức cao, bởi theo ước tính của Liên hợp quốc, tính riêng chi phí cho việc cung cấp nước uống ở châu Á đã tăng với tốc độ chóng mặt: dự tính lên tới 34,2 tỷ USD vào năm 2016, tăng hơn 9 tỷ USD so với hiện nay. trong khi số tiền đầu tư vào việc xây dựng cơ sở sản xuất nước sạch là khá lớn thì hiệu quả đầu tư từ các dự án này lại khá thấp. Vẫn theo Liên hợp quốc, tính bình quân khi đầu tư 8 USD cho việc xây dựng cơ sở vật chất cung cấp nước sạch, các nước chỉ thu được 1 USD từ hoạt động này.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để làm phong phú thêm nguồn nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hướng đến phát triển bền vững. Tại hội nghị này, Singapore đã trình bày một số nét trong quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát triển nguồn nước ngọt, theo đó nước này sẽ tập trung nhiều hơn cho việc xử lý nước thải thành nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, những phương pháp mới về thu hồi nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, việc đầu tư xây dựng một loạt hồ tích nước ngọt.

Cùng với nước, giao thông là vấn đề nóng tại hội nghị. trong bài phát biểu khai mạc hội  nghị, ông Raymon Lim, Bộ  trưởng Giao thông Singapore nhận định rằng, cùng với sự bùng nổ dân số đô thị, mạng lưới giao thông đô thị cũng phát triển rất nhanh. Hiện tại, hoạt động giao thông tiêu tốn khoảng 19% năng lượng toàn cầu, thải ra một lượng khí thải độc tương đương khoảng 23% lượng CO2 toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lượng khí thải từ hoạt động giao thông sẽ chiếm tới 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 và trên 80% vào năm 2050.

Nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy xấu do sự gia tăng quá nhanh mật độ giao thông, tại Hội nghị, các đại biểu  đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, pháp, Mỹ, trung Quốc… đã tập trung thảo luận và trao đổi kinh nghiệm quy hoạch mạng luới đô thị tại các thành phố lớn. Giải pháp chung nhất mà hội nghị nhất trí đưa ra là cần có quy hoạch tổng thể một cách khoa học, tăng cường kiểm soát chất lượng phương tiện giao thông, khí thải, đẩy mạnh áp dụng công nghệ xanh vào ngành công nghiêp sản xuất ôtô.

Tiết kiệm năng lượng, giảm hiệu ứng khí thải nhà kính

Hiện các tòa nhà công cộng và thương mại đang tiêu thụ 60% năng lượng điện thắp sáng toàn cầu và có đến 50% chi tiêu năng lượng của thành phố dùng cho thắp sáng. Sử dụng năng lượng có hiệu quả ở các tòa nhà nói trên có thể cắt giảm lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn lượng khí thải của toàn bộ ngành vận tải.

Ông Olivier piccolin, phó Chủ tịch cấp cao và Tổng giám đốc Công ty philips Lighting Asia cho biết: “Việc chuyển đổi sang hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cho cơ sở hạ tầng công cộng sẽ tạo ra ba lợi ích tiềm năng, bao gồm: cải thiện độ an toàn và an ninh, làm đẹp thành phố bằng các tòa nhà chọc trời và cảnh quan đô thị; giảm tiêu thụ năng lượng và khí carbon của các trung tâm đô thị”. 

Theo philips, tỷ lệ cải tiến cơ sở hạ tầng hiện có (vốn dựa vào công nghê chiếu sáng cũ không hiệu quả) vẫn rất chậm. Ví dụ tỷ lệ này chỉ đạt 6 đến 7% một năm đối với chiếu sáng văn phòng, 3% đối với chiếu sáng thành phố. Với tốc độ này, phải mất 30 năm nữa lợi ích từ công nghệ chiếu sáng hiệu quả tiên tiến đối với môi trường, kinh tế và cuộc sống con người mới đạt được.

Thông qua các chương trình đổi mới cơ sở hạ tầng đô thị, sự chuyển đổi sang công nghệ chiếu sáng hiệu quả hiện đại có thể tiết kiệm trung bình 40-50% năng lượng tiêu hao.

Cũng tại WCS, giải thưởng “Thành phố lý tưởng” được philips giới thiệu đến các đại biểu của châu Á – Thái Bình Dương. Giải thưởng này thúc đẩy sáng tạo nhiều ý tưởng có thể hiện thực hóa nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi của người dân đô thị. Chương trình có quỹ tài trợ 125.000 euro cho các ý tưởng chiến thắng ở ba hạng mục: phúc lợi công cộng, cuộc sống độc lập và lối sống lành mạnh ở nơi làm việc và gia đình./.

Bên lề hội nghị, Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân chia sẻ:

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với ý thức của người dân Singapore về vấn đề môi trường. Việc tổ chức những sự kiện tầm cỡ thế giới như thế này cũng cho thấy vấn đề không phải là quốc gia lớn hay nhỏ, mà là tư duy và uy tín.

Xây dựng đô thị bền vững là thách thức lớn với bất cứ chính quyền nào, Tp.HCM cũng không là ngoại lệ.

Hiện nay mật độ dân số tại thành phố chúng ta chỉ là 3.600 người/km2 so với 7.000 người/km2 của Singapore, tức là nếu chúng ta làm tốt công tác quy hoạch, không gian vẫn còn rất nhiều và chất lượng sống của người dân sẽ được cải thiện rất đáng kể.

You may also like

Leave a Comment

About Us

We’re a media company. We promise to tell you what’s new in the parts of modern life that matter. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo. Sed consequat, leo eget bibendum sodales, augue velit.

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed byu00a0PenciDesign