Thông tin gây sốc này được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng thông báo tại chương trình “Nói và Làm” do HĐND TP.HCM tổ chức sáng qua (1/3) với chủ đề “Thi công đào đường và cung cấp nước sạch”. Ông Đào Văn Hớn, ngụ tại phường 1, quận 5 – TPHCM, phản ánh: “Việc thi công ở công trình đại lộ Đông Tây thường gây cản ngại giao thông, ô nhiễm môi trường, cực khổ nhất là các hộ buôn bán ở mặt đường Nguyễn Biểu. Tôi đề nghị TP xem xét giảm thuế cho những người kinh doanh trên các mặt đường có rào chắn thi công”. Đề xuất này được bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, đồng tình và cho là ý kiến hay.
Ùn tắc giao thông do rào chắn đào đường – nỗi bức xúc kéo dài của người dân sống tại TPHCM. Trong ảnh: Hai lô cốt gần nhau trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3) thường xuyên gây ùn tắc giao thông. (Ảnh: T.Thạnh)
Nhà thầu kêu khó
Sau khi xem video clip phát lại nhiều cảnh kẹt xe ở khắp nơi tại TP trong giờ cao điểm do các rào chắn thi công gây ra, bà Phạm Phương Thảo đề nghị nhà thầu Shimizu (Nhật Bản, đơn vị đang thi công gói thầu D thuộc dự án cải thiện môi trường nước trên địa bàn quận 5) nói rõ hơn về biện pháp thi công.
Ông Sarashina, Giám đốc thi công dự án gói thầu D, giải thích: “Nhà thầu lúc nào cũng muốn hoàn tất thi công sớm nhưng do những địa điểm thi công đều nằm ở khu vực trung tâm nên gặp rất nhiều khó khăn”.
Khó khăn nhất được ông Sarashina đưa ra là đụng phải các công trình ngầm. Ông Sarashina dẫn chứng: “Khi làm công trình ở đường Thuận Kiều, đào xuống gặp ngay ống nước 600 mm nên phải điều chỉnh thiết kế mất hết 3 tháng mới thi công tiếp. Rõ ràng, sự chậm trễ này là điều không ai muốn. TPHCM quản lý hạ tầng không đồng bộ. Ở Nhật Bản, các công trình ngầm được chính quyền quản lý tốt và cung cấp chi tiết cho nhà thầu!”.
Đại biểu HĐND TP Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị nhà thầu thi công phải có nhiệm vụ dò tìm công trình ngầm nhưng điều quan trọng nhất là các “ông” điện, nước, điện thoại nên ngồi lại với nhau để cam kết thời gian di dời từng công trình dưới đất của đơn vị mình nhằm bảo đảm công trình chính thi công đúng tiến độ.
Không đào đường thì không hết ngập!
Trả lời câu hỏi của người dân về kế hoạch đào đường trong năm 2009, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết: Trong năm 2009, tổng chiều dài đường được đào là 74,5 km chứ không phải là 65 km như thông báo trước đây. “Nếu không đào nhanh thì TP không giải quyết cơ bản được tình trạng ngập nước trong năm 2010” – ông Phượng phân trần.
Sau thông báo của ông Trần Quang Phượng, thượng tá Võ Văn Vân, Phó Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM, tổng kết: Trong năm 2008 và đến tháng 2-2009, toàn TP đã xảy ra 57 vụ ùn tắc giao thông (trong đó có 2 vụ do rào chắn thi công). Ông Vân than phiền rằng tình trạng này không chỉ khiến người dân bức xúc mà lực lượng CSGT cũng bức xúc không kém vì phải điều phối giao thông cả ngày.
Nước sạch: Phải chờ thêm 3 tháng
Tình trạng thiếu nước sạch ở một số quận, huyện vùng ven như quận 7, 8; huyện Nhà Bè, Cần Giờ cũng được người dân đặt ra trong chương trình Nói và Làm sáng 1-3. Bà Phạm Phương Thảo thông tin: Có nơi ở huyện Nhà Bè, người dân phải mua nước sạch để dùng với giá 80.000 đồng/m³, chi phí này quá cao đối với người nghèo.
Ông Lê Văn Đúng, ngụ tại khu phố 5, phường 7, quận 8, phản ánh: Mấy chục năm nay, nhà ông và các hộ dân ở đây phải dùng nước giếng khoan, rất dơ; muốn dùng nước sạch thì phải mua với giá từ 12.000 – 15.000 đồng/m³.
Về kế hoạch đưa nước sạch đến những vùng thiếu nước, ông Lý Chung Dân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), cho biết: “Hiện nay, SAWACO đã phát tối đa hơn 1,2 triệu m³/ngày từ các nhà máy nước để cung cấp nước cho người dân TP. Các quận 7, 8; huyện Nhà Bè, Cần Giờ phải chờ nguồn nước của Nhà máy Nước BOO Thủ Đức (công suất 300.000 m³/ngày) mới giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước.
Tuy nhiên, theo kế hoạch của Công ty Cổ phần BOO Thủ Đức, cuối tháng 3/2009, nhà máy này mới phát nước giai đoạn 1 (cung cấp cho quận 2, 9); tháng 6/2009 mới phát toàn bộ và cung cấp cho 4 quận, huyện trên.
Năm biện pháp chống ùn tắc do lô cốt Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông do các lô cốt gây ra, thượng tá Võ Văn Vân đề xuất 5 biện pháp: Tại các điểm thi công, nhà thầu nên có thông báo phân luồng kết hợp gắn băng-rôn để thông tin cho người dân biết (cách trước hai giao lộ gần công trình) và bố trí người điều tiết giao thông; thông báo cho người dân biết về kế hoạch thi công công trình từ 7-10 ngày; gắn đầy đủ biển báo khi thi công, gia cố rào chắn, tái lập mặt đường một cách bảo đảm; nên thi công đoạn ngắn từ 30 – 50 m và làm theo hình thức cuốn chiếu. Đề xuất trên được bà Phạm Phương Thảo đánh giá là thiết thực, đề nghị nhà thầu vận dụng ngay. |
Theo Người Lao Động