Hàng chục năm nỗ lực khẳng định vị trí nhà chế tạo thiết bị thủy công, thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép… hàng đầu Việt Nam, ở một lĩnh vực khác, lặng lẽ nhưng chắc chắn, những người thợ cơ khí với màu áo xanh công nhân truyền thống mang tên COMA “thử sức” trên lĩnh vực mới: Lắp đặt Nhà máy thủy điện. Và không quá khó khăn, họ đã tự tin cắm cờ trên những công trình làm giàu đất nước.
Mùa hạ năm 2010, năm đầu tiên Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (tại huyện Tương Dương, Nghệ An), một trong những dự án trọng điểm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư có công suất 320MW đã hòa lưới điện quốc gia, kịp thời cung cấp nguồn điện quý giá cho nền kinh tế quốc dân. Việc hoàn thành bảo đảm tiến độ và phát điện thương mại Nhà máy có dấu ấn mang tính “lịch sử” của những người thợ cơ khí xây dựng. May mắn được chứng kiến giờ phút hòa cùng những người thợ, những cán bộ, kỹ sư trên công trường nín thở dõi theo chiếc rôto nhích từng chút một trong khoảng không, từ từ thả mình vào tâm điểm của tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Bản Vẽ mới cảm nhận hết cuộc chơi mạo hiểm của người COMA. Lần đầu tiên lắp máy COMA đảm đương luôn Dự án khá phức tạp bởi chỉ với 2 tổ máy, nhưng mỗi rôto tương đương 160MW và có trọng lượng chừng trên 500 tấn thiết bị. Để thực hiện lắp đặt chính xác và bảo đảm an toàn, COMA sử dụng biện pháp đấu nối 2 cầu trục 250 tấn liên động hệ thống điều khiển, được thao tác bởi thợ vận hành bậc cao, chứng chỉ quốc tế. Kỹ sư Bùi Văn Chiến – phó giám đốc Ban điều hành COMA cho biết: Để chuẩn bị cho lắp đặt rôto tổ máy 1 lực lượng lao động COMA phải mất hơn 6 tháng căn chỉnh, khắc phục các sự cố trong quá trình vận chuyển thiết bị… nhưng đến tổ máy thứ 2, nhờ những kinh nghiệm thực tiễn thời gian chuẩn bị đã rút ngắn chỉ còn hơn 4 tháng, các sự cố kỹ thuật cần xử lý cũng giảm nhiều. “Công trường xa xôi, lao động vất vả nhưng bù lại được “diễn hết mình” trong những lĩnh vực mới, phát huy sở trường và học hỏi nâng cao trình độ, từ kỹ sư đến thợ lắp máy đều ham việc, bám công trường nhiều khi quên cả gia đình!” – kỹ sư Bùi Văn Chiến vui vẻ bộc bạch. Chả thế mà đã bước qua tuổi 30, chàng kỹ sư này vẫn “phòng không”. Anh chàng tuyên bố khi nào Bản Vẽ hoàn thành mới nghĩ đến xây dựng tổ ấm cho riêng mình.
Ở công trình Bản Vẽ, phần việc chính thuộc về “anh cả đỏ” COMA 2, đơn vị xứng danh Anh hùng lao động thời đổi mới và COMA 17, “người em sinh sau đẻ muộn” – tiền thân chỉ là DN cơ khí địa phương gia nhập mái nhà chung COMA vào thời kỳ đổi mới, sắp xếp lại DN, vừa tham gia lắp đặt vừa học hỏi. Nhưng tròn một năm sau ngày hạ thành công rôto Bản Vẽ, có thêm 2 đơn vị thành viên trưởng thành, tự tin vừa chế tạo thiết bị chủ công, vừa lắp đặt 02 tổ máy công suất 95MW. Kỹ sư Đỗ Đình Tâm- Giám đốc COMA 17 phấn khởi chia sẻ: Nhờ sự trưởng thành từ công trình thủy điện Bản Vẽ, đến thủy điện Sông tranh II, công việc “thông đồng bén giọt”, gần như không có trở ngại gì về kỹ thuật, thời gian lắp đặt rút ngắn chỉ còn 50% so với công trình đầu.” Hiện tại, 3 nhà thầu thuộc COMA (COMA 1; COMA 17; COMA 15) đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị, huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị thi công, tăng ca kíp làm việc, bảo đảm an toàn công trình. Mục tiêu của COMA là phấn đấu giành Huy chương Vàng chất lượng cao ngành Xây dựng cho Nhà máy thủy điện Sông tranh II. Theo tiến độ thi đua đã cam kết, cuối tháng 8/2010 sẽ hoàn thành các hạng mục chống lũ, các hạng mục trạm phân phối 220KV, nút cống dẫn dòng và hạ rôto tổ máy 1, phát điện cuối năm 2010, hạ rôto tổ máy 2 và phát điện quý I năm 2011. |
Trên các công trình thủy điện: Người COMA “phất cờ” lắp máy
4