Khu vực cảng – KCN này mới hình thành vài năm gần đây, thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 30 cảng, trong đó có cảng đạt công suất đến 200.000DWT và hàng ngàn nhà máy lớn. Tuy nhiên, tình hình giao thông và cung cấp điện của khu vực này đang rất chậm trễ, không đáp ứng nhu cầu hoạt động công nghiệp.
Đường sá lầy lội dở dang Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn huyện Tân Thành đã được Chính phủ phê duyệt cách nay nhiều năm, nhưng hạ tầng giao thông khu vực này thực hiện rất chậm. Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát thực tế, mới hay là hệ thống đường liên cảng phục vụ vùng cảng Cái Mép – Thị Vải, KCN Phú Mỹ I – KCN Phú Mỹ II, KCN Cái Mép hiện chỉ mới hoàn thành chừng 20 – 30%. KCN Phú Mỹ I (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi có nhiều nhà máy lớn như thép Phú Mỹ, thép Việt, đạm Phú Mỹ… là có hệ thống giao thông gần hoàn chỉnh. Ở sâu trong KCN này (nhất là mé sông) thì đường giao thông chưa đâu vào đâu. Cụ thể như con đường ở cuối KCN này là đường giao thông chính của các nhà máy lớn như nhà máy thép Phú Mỹ, thép Miền Nam, thép Posco, cảng quốc tế SP-PSA, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, nhà máy đóng tàu Ba Son… theo thiết kế đường này dài 2,1km, rộng 24m, vỉa hè mỗi bên rộng 13m. Đường đạt khoảng 30 khối lượng công việc; nền đường trũng sâu, có đoạn như một cái ao lớn vẫn chưa đổ cát. Dọc theo hệ thống đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải dài khoảng 8km nối QL51 vào hàng loạt KCN – nhà máy – cảng lớn như KCN Cái Mép, cảng Tân Cảng – Cái Mép, cảng Cái Mép, cảng PVC, cảng Interflour, cảng LPG, cảng PETEC, cảng Vũng Tàu Petro… Đường này sẽ nối vào đường chạy từ KCN Phú Mỹ I vẫn dang dở. Một kỹ sư đang thị sát thi công cho biết thêm: Đường này nối QL51 với Tân Cảng – Cái Mép, còn gọi là đường 965, xây bằng nguồn vốn của Bộ GTVT hơn 1.000 tỷ đồng. Đường rộng từ 31 – 38m, dự kiến hoàn thành vào khoảng tháng 6/2010 nhưng chắc là chậm rồi vì đến nay mới hoàn thành chừng 30%. Đường đang đổ cát san nền và chờ lún, tốc độ thi công chậm rãi, phương tiện thi công chỉ thấy khoảng 3 – 4 xe chở cát, vài xe lu đang cán nền.
DN bức xúc Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Minh, TGĐ Cty CP Gemadept bức xúc: “Chúng tôi đã góp 50% vốn, để cùng với tập đoàn hàng hải lớn thứ 3 thế giới CMA CGM (50% vốn) xây dựng cảng Cái Mép Gemalink-Terminallink. Cảng này có vốn xây dựng khoảng 520 triệu USD, có thể tiếp nhận tàu đến 200.000DWT. Nhưng hệ thống giao thông quá kém của vùng Cái Mép – Thị Vải gây khó khăn và tốn kém lớn cho các cảng đang xây dựng cũng như cảng đang hoạt động. Đầu tiên, chúng tôi được hứa là năm 2003 hạ tầng giao thông sẽ hoàn thành. Sau đó hứa thêm vài lần và bây giờ hứa cuối năm 2010 sẽ hoàn thành. Dự tính, chi phí xây dựng cảng tăng 20% và sẽ tăng nhiều hơn khi cảng đã hoạt động do giao thông chậm thi công. Hiện nay, khi chuyển hàng hóa vật tư ra vào cảng chúng tôi phải dùng cả ô tô và sà lan; còn nhân công phải đi thuyền máy qua sông hết 40.000 đ/người/ngày. Không chỉ DN bức xúc, ông Hồ Kim Lân – Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển miền Nam cũng ngán ngẩm: “Tất cả các cảng – nhà máy đang xây dựng hoặc đã hoạt động khu vực Cái Mép – Thị Vải đều đang rất khó khăn trong ổn định nguồn điện. Họ phải kéo đường điện tạm vì hệ thống điện chính kéo theo trục đường mà đường chưa xong. Giao thông không đáp ứng sẽ có nguy cơ DN bị ngân hàng cắt vốn hoặc phạt lãi suất nếu trễ tiến độ, phát sinh chi phí, rủi ro cho vốn vay. Các cảng vùng này là liên doanh với nước ngoài, vốn phía Việt Nam khoảng 50% trở lên, nếu chi phí tăng cao thì bên đuối sức trước và có nguy cơ bị đối tác mua lại phần vốn sẽ là các DN Việt Nam. Nếu hạ tầng cảng khó khăn, sẽ làm giảm một khoản lớn nguồn thu quốc gia vì ai cũng biết, nguồn thu của khai thác cảng là nguồn thu khổng lồ”. Tính sơ bộ trung bình mỗi cảng khu vực này chi phí xây dựng ban đầu là khoảng 4.500 tỷ đồng, sau khoảng 10 – 12 năm thu hồi vốn, vậy có thể trung bình mỗi cảng thu lãi khoảng 450 tỷ đồng/năm. Xem thế mới biết tiến độ thi công hạ tầng giao thông chậm thì mỗi ngày các DN bị thất thu bộn tiền. |
Vùng cảng Cái Mép – Thị Vải: Ngổn ngang nỗi lo đường, điện
2