“Căn bệnh” đình trệ thi công vì vướng đền bù giải tỏa lại diễn ra ở một số công trình giao thông tại Tp.HCM trong khi đường sá quá tải, giao thông ùn tắc. Thậm chí tiến độ đền bù còn quá chậm so với các địa phương khác.
Những căn nhà chưa giải tỏa ở dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (đoạn giao giữa Nguyễn Kiệm và Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp) – Ảnh: Thuận Thắng |
Để thực hiện dự án mở rộng xa lộ Hà Nội – cửa ngõ phía đông Tp.HCM từ 48m lên 123-153m (tùy đoạn), đầu năm 2008 UBND Tp đã giao UBND các quận 2, 9 và Thủ Đức bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp (gọi tắt là Công ty CII) trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2008.
Nhà thầu chờ mặt bằng
Thế nhưng, theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tp, đến cuối tháng 5-2010 Q.2 mới bàn giao được 32/340 trường hợp giải tỏa, Q.Thủ Đức mới bàn giao được 60/531 trường hợp giải tỏa. Riêng Q.9 có 698 hộ và 31 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng đến nay mới làm xong thủ tục kiểm kê! trong khi đó mật độ xe cộ trên xa lộ Hà Nội ngày càng tăng cao và ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Ông Nguyễn Như Thạo – phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư dự án quốc lộ 50 đoạn tỉnh Tiền Giang – cho biết đến nay các gói thầu thi công đạt 70-90% khối lượng công việc.
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8-2010, sớm hơn hai tháng so với dự kiến. Theo các ban quản lý dự án, các tỉnh làm xong các tuyến đường trong khi Tp vẫn chưa thi công kết nối đường thì dự án chậm đạt mục tiêu giải quyết giao thông. |
Liên tỉnh lộ 25B hằng ngày có 13.000-15.000 xe tải ra vào cảng Tân Cảng, Cát Lái nhưng mặt đường chỉ có hai làn xe nên kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Để mở rộng mặt đường lên sáu làn xe, UBND Tp chỉ đạo cuối tháng 4-2010 phải giải tỏa xong nhưng đến cuối tháng 5-2010, Công ty CII chỉ mới nhận bàn giao được 13.000m2 trong tổng số mặt bằng giải tỏa 130.000m2! Như vậy không thể thi công mở rộng liên tỉnh lộ 25B được và tháng 10 tới đây cầu Giồng Ông Tố trên đường này được làm xong sẽ không phát huy tác dụng.
Năm năm qua nạn kẹt xe trên đường xuyên Á ở khu vực cầu vượt Gò Dưa (Q.Thủ Đức) vẫn diễn ra hằng ngày vì cây cầu vượt này chưa thông xe. Theo Sở GTVT Tp, đến cuối tháng 5-2010 vẫn còn 67 hộ chưa đền bù giải tỏa nên công trình không thể thi công hoàn tất được. Còn dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài, theo kế hoạch đến quý 1-2010 phải bàn giao xong mặt bằng cho nhà thầu nước ngoài thi công. Thế nhưng đến cuối tháng 5-2010, Q.Tân Bình mới giải tỏa được 234/285 hộ, Q.Gò Vấp giải tỏa được 1.147/1.268 hộ và Q.Thủ Đức giải tỏa được 1.147/1.354 hộ.
Tương tự, các dự án mở rộng tỉnh lộ 10 và dự án xây dựng tỉnh lộ 10B (huyện Bình Chánh và Q.Bình Tân), dự án nâng cấp, mở rộng đường phạm Văn Bạch… cũng thi công chậm vì vướng đền bù giải tỏa.
Chậm hơn các tỉnh
Có hai dự án xây dựng đường từ Tp.HCM về các tỉnh miền Tây mà tiến độ đền bù giải tỏa đường thuộc địa bàn Tp.HCM quá chậm so với các tỉnh.
Theo chủ đầu tư dự án xây dựng đường nhánh N2 đường Hồ Chí Minh (đoạn Tp.HCM, Long An và Đồng Tháp), đường nhánh N2 đoạn thuộc địa bàn Tp dài 5km, từ cầu vượt Củ Chi đến ngã ba Hòa Khánh (Long An) đến nay vẫn chưa đền bù giải tỏa được hộ nào. trong khi đó, đoạn từ Long An đến Đồng Tháp đã đền bù giải tỏa xong cách đây vài năm và đơn vị thi công đã làm được hơn 60% (có đoạn đạt 90%) khối lượng công việc.
Ở dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 50 từ huyện Bình Chánh, Tp.HCM – Long An – Tiền Giang, đến nay đoạn đường ở Tp.HCM dài 8km mới bắt đầu áp giá đền bù đến các hộ dân. trong khi đó, đoạn ở tỉnh Long An dài 21km đã đền bù giải tỏa xong cách đây gần hai năm và đơn vị thi công đã làm được hơn 60% khối lượng công việc.
Vì sao?
trong văn bản gửi UBND Tp.HCM, Sở GTVT Tp cho biết nguyên nhân khiến bảy dự án xây dựng công trình giao thông ở Tp chậm là do chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi, nhưng các cơ quan chức năng chậm ra văn bản hướng dẫn. Tháng 8-2009, Chính phủ ban hành nghị định 69 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, nhưng đến nay Tp chưa có quyết định thay thế quyết định 17/2008 nên các quận huyện lúng túng.
Về nguyên nhân chủ quan, ông trần Quang phượng, giám đốc Sở GTVT Tp, cho biết ở một số dự án chính quyền địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo công tác đền bù giải phóng mặt bằng và vận động người dân. Ngoài ra, ở một số dự án do xảy ra khiếu kiện kéo dài của người dân bị giải tỏa nên tiến độ triển khai dự án bị chậm.
Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm ở các dự án giao thông đã gây nhiều thiệt hại cho nhà thầu thi công. Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu thi công gói thầu số 1A, đoạn từ Tp.HCM đến Long An (dự án đường nhánh N2 đường Hồ Chí Minh nói trên) đã đề nghị được rút lực lượng thi công, thiết bị xe máy đến công trình khác để hạn chế thiệt hại tài chính. Do đó, trong văn bản gửi UBND Tp.HCM, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết nếu nhà thầu này rút khỏi dự án do chưa có mặt bằng, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ báo cáo và kiến nghị Bộ GTVT giao lại dự án cho địa phương tự đầu tư.
Không thể tính hết những thiệt hại khi Nhà nước đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng đầu tư các dự án giao thông chậm phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội nói trên.
DiaOcOnline.vn – Theo Địa Ốc TTO