Xây dựng lòng tin và cải cách để kích thích thị trường BĐS





Chính phủ Việt Nam vừa đưa ra một loạt chính sách về tài chính và thuế rất thích hợp, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ủng hộ, tin tưởng. Điều này có tác động tích cực và nhanh chóng đến tình hình kinh tế – bài viết của chuyên gia tài chính người Nhật Hidehiko Nakagawa.


 


Không chỉ các chính sách trên, từ khi xảy ra lạm phát đầu năm 2008 cho đến nay một chuỗi chính sách của Chính phủ VN ban hành đều thích hợp, kìm chế lạm phát và thiểu phát rõ rệt. Các gói giải pháp đưa vào đời sống đã  phát huy hiệu quả rất cao. Có thể hy vọng việc hỗ trợ lãi suất tiền vay, giảm lãi suất ngân hàng và miễn giảm thuế cho doanh nghiệp cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự.


 


Nhưng chính sách kích cầu bằng một gói tài chính không phải là sức mạnh để lật ngược thế cờ, nó chỉ là yếu tố đòn bẩy mang tính tâm lý nhiều hơn. Muốn thành công cần có sự hợp sức của cả cộng đồng, khai thác và phát huy nội lực của chính doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, mặc dù lãi suất ngân hàng xuống thấp nhưng chứng khoán vẫn giảm. Ở Nhật Bản, khi lãi suất ngân hàng giảm thì chứng khoán tăng mạnh, bởi vì người dân rút tiền đầu tư chứng khoán sẽ có lợi hơn.


 



Thị trường BĐS muốn phát triển phải có sự hợp sức của cả cộng đồng. Ảnh: Song Hà


 


Các nhà đầu tư Việt Nam chưa tin vào chứng khoán vì chưa có niềm tin vào nền kinh tế quốc gia phát triển. Các nhà kinh doanh chứng khoán chưa chuyên nghiệp, không tiếp cận được với các nhà đầu tư để thuyết phục, tuyên truyền về sự phát triển của kinh tế đất nước, tạo niềm tin để họ bỏ tiền ra đầu tư. Các nhà  kinh doanh cũng chưa nắm bắt các cơ hội khác nhau đôi khi là ngoài kinh tế để tiếp cận với khách hàng. Ví dụ như sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch Đông Nam Á, lúc cảm xúc của người dân đang lên cao, các nhà kinh doanh phải khai thác thời điểm đó để mời gọi. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, hành động đầu tư vào chứng khoán 80% là do cảm xúc. Cho nên từng nhà kinh doanh, nhà đầu tư phải chủ động thực hiện các biện pháp để cho chứng khoán tăng, chỉ thụ động chờ đợi thì chứng khoán không thể tự tăng.


 


Một thực tế khác là doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn vay vốn vì lo ngại đầu ra. Các hướng xuất khẩu tạm thời bị hạn chế, vậy thì thị trường chính là nội địa. Các nhà sản xuất phải tự tin và đốc hết sức làm ra những sản phẩm có chất lượng, người dân cũng tự tin xài hàng trong nước. Hai yếu tố này hợp lại mới tạo ra nguồn lực. Nếu người dân chưa có niềm tin, cất tiền để đề phòng kinh tế bị sụp đổ, chính thái độ đó giết chết mình. Ngược lại, người dân cứ tự tin tiêu xài và nhận thức được rằng phải tiêu dùng và sử dụng hàng hóa trong nước thì nền kinh tế mới phục hồi. Nếu ai cũng nhận thức được như vậy thì tình hình sẽ khác đi, lúc đó ai cũng có lợi.


 


Nhật Bản cũng từng trải qua giai đoạn thử thách lòng tin đó, người dân không tin vào hàng trong nước, chỉ muốn xài hàng của Mỹ. Ngay cả khi hãng Toyota sản xuất ra xe hơi, người dân cũng hỏi nhau liệu có xài được không, và họ cũng chỉ mua xe hơi của Mỹ. Nhưng các nhà sản xuất của Nhật Bản vẫn kiên trì làm việc, tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ban đầu hàng hóa của Nhật bản chỉ bán ở trong nước, dần dần khi có thương hiệu thì tự khắc được thị trường các nước chấp nhận. Nếu người dân không tin vào sản phẩm của nước mình, không sử dụng hàng trong nước thì làm sao nước khác có niềm tin được.


 



Cải cách về thủ tục hành chính cũng có tác động với thị trường BĐS không kém


Những nỗ lực về tài chính. Ảnh: Song Hà


 


 Cho dù đổ ra 1 tỉ USD hay nhiều hơn nữa mà môi trường hành chính không được cải thiện thì cũng vô ích. Sự vận động của đồng tiền phải trong hệ thống thông suốt và minh bạch mới  phát huy hiệu quả. Sự cải cách các thủ tục thuận lợi bản thân nó đã mang lại tiền bạc cho xã hội. Các doanh nghiệp bớt đi áp lực của những chi tiêu về thời gian và tài chính không hợp lý để đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Nâng được chất lượng, giảm được giá thành thì mới tăng sức cạnh tranh cho hàng sản xuất trong nước, thuyết phục người tiêu dùng. Do đó có thể nhận thấy, để kích cầu không phải chỉ là tiền hỗ trợ cho sản xuất mà còn có vai trò của cải cách. Ở tâm điểm này, nhà chính trị và nhà kinh doanh đều phải có tầm nhìn thật sâu và thật xa.


 


Cải cách về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, môi trường sống không chỉ mang lại các giá trị vật chất cho doanh nghiệp mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Người ta không thể mạnh dạn đầu tư vào một nơi mà gặp phải quá nhiều khó khăn về giấy tờ, đi ra đường có thể bị tai nạn giao thông, đi lại không thuận tiện, dễ bị bệnh vì môi trường nước và không khí quá nhiều ô nhiễm. Nếu cải thiện được những vấn đề đó thì thu hút được đầu tư, nhiều người đến làm ăn thì sức tiêu thụ trong nước tăng, sức mua dồi dào. Người nước ngoài đến làm việc nhiều thì tác động đến thị trường địa ốc, cho thuê văn phòng, người lao động làm việc có thu nhập cao thì họ sẽ có tiền mua nhà ở. Tất cả các yếu tố đó tác động qua lại và tạo nên sức bật của nền kinh tế chứ không phải chỉ riêng một gói tiền là đủ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *