Xây dựng nhà ở xã hội: Giờ “G” đã đến!












KTĐT – Nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nhà ở cho công nhân tại các KCN tập trung và nhà ở cho người có thu nhập thấp (TNT) tại đô thị, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Đến nay, các cơ chế, chính sách đã đi vào thực tiễn và bước đầu phát huy tác dụng.


 


Vào thời điểm này, đối với nhà ở cho sinh viên (SV) đã có 54 đơn vị, gồm 52 tỉnh thành, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an gửi danh mục dự án về Bộ Xây dựng để tổng hợp. Tổng số là 267 dự án do các địa phương đăng ký trong giai đoạn 2009 – 2015, tổng mức đầu tư khoảng 26.045 tỷ đồng, với diện tích xây dựng khoảng 4,931 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 812 nghìn SV. Trong đó, tổng số vốn đề xuất từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 19.520 tỷ đồng.


 


Đối với nhà ở cho công nhân tại các KCN, trong số 21 địa phương gửi báo cáo, có 19 tỉnh đăng ký danh mục dự án xây dựng nhà ở công nhân, với số liệu tổng hợp như sau: Tổng số dự án cho giai đoạn 2009 – 2015 là 110 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 6.039.898m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 960.264 người; tổng số vốn đầu tư: 25.554 tỷ đồng; trong đó huy động từ các DN khoảng 24.425 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 1.129 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2009 – 2010 sẽ triển khai 47 dự án với quy mô xây dựng khoảng 1.176.170m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 186.690 người; tổng số vốn đầu tư 4.975 tỷ đồng; trong đó huy động từ các DN khoảng 4.356 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 619 tỷ đồng.


 


Về nhà ở cho người có TNT tại đô thị, trong số 21 địa phương gửi báo cáo đã đăng ký 189 danh mục dự án xây dựng nhà ở cho người có TNT. Cụ thể: Trong giai đoạn 2009 – 2015 có 189 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 7.106.272m2 sàn, tổng số vốn đầu tư 28.550 tỷ đồng (trong đó huy động từ các DN khoảng 27.240 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 1.310 tỷ đồng); hoàn thành 166.390 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700 nghìn người. Riêng trong giai đoạn 2009 – 2010 sẽ triển khai 150 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.659.740m2 sàn; tổng số vốn đầu tư: 22.738 tỷ đồng (huy động từ các DN khoảng 21.957 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương huy động khoảng 781 tỷ đồng); hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 640 nghìn người.


 


Một vấn đề mà nhiều chủ đầu tư quan tâm khi triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) là quỹ đất, hiện đã được cụ thể hoá tại Nghị quyết Chính phủ số 18/NQ-CP của Chính phủ:


 


Quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên được bố trí từ quỹ đất đã được thu hồi, bồi thường GPMB theo quy hoạch; được sử dụng quỹ đất 20% dành để xây dựng NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại, KĐTM trên địa bàn và quỹ đất hiện có được quy hoạch xây dựng nhà ở SV trong khuôn viên các cơ sở đào tạo được quy hoạch xây dựng KTX. Chi phí bồi thường GPMB được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương.


 


Đối với các KCN đã hình thành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, bổ sung quy hoạch, tổ chức thu hồi, bồi thường GPMB tạo quỹ đất mới hoặc sử dụng quỹ đất 20% dành để xây dựng NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn (nếu phù hợp với quy hoạch) để giao cho BQL KCN của địa phương, hoặc DN kinh doanh hạ tầng KCN, hoặc DN sản xuất trong KCN, hoặc DN có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Chi phí bồi thường GPMB được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương…


 


Quỹ đất dành để xây dựng nhà ở TNT để bán được bố trí trong quy hoạch các dự án phát triển đô thị của địa phương. Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên và dự án KĐTM trên địa bàn, phải đảm bảo dành tỷ lệ diện tích đất tối thiểu không ít hơn 20% quỹ đất ở của dự án đó để xây dựng nhà ở TNT (tỷ lệ diện tích đất xây dựng nhà ở TNT của từng dự án nhà ở thương mại hoặc KĐTM phải được xác định trong quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Đối với các địa phương đã có quỹ đất dành để xây dựng NƠXH theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (nhưng hiện nay chưa triển khai xây dựng NƠXH), nếu các chủ đầu tư (trước đây đã chuyển giao quỹ đất này cho địa phương) đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở TNT thì giao lại cho chủ đầu tư quỹ đất này để xây dựng nhà ở TNT để cho thuê hoặc thuê mua.


 


Hiện nay, các bộ, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương tập trung nhiều SV đang hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng trong năm 2009, hoàn thành vào năm 2010 và quý II/2011 sẽ có khoảng 200 nghìn chỗ ở cho SV với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ…


 



Theo Báo Xây Dựng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *