ThS. Nguyễn Trọng Khoa, trưởng phòng Nghiệp vụ và pháp chế, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện Việt Nam chưa ứng dụng lò quay để xử lý chất thải rắn y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến lò đốt. Nhiều nước trên thế giới đã tẩy chay lò đốt mà thay thế bằng các công nghệ khác thân thiện với môi trường thì ở Việt Nam, lò đốt lại trở thành thông dụng. Hiện nay có nhiều lò đốt không được vận hành do vấp phải sự phản đối của người dân.
Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải lò đốt và nhiệt độ buồng đốt còn gặp nhiều khó khăn do một số chỉ tiêu hiện nay như đo nồng độ đioxin phải gửi mẫu ra nước ngoài với chi phí rất cao (khoảng 2000 USD/mẫu). Lò đốt chất thải y tế lại chính là nguồn phát sinh đioxin và thủy ngân có hại cho sức khỏe con người.
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 200 lò đốt, xử lý khoảng 40% chất thải lây nhiễm phát sinh từ các bệnh viện và cơ sở y tế. Bên cạnh đó, một số bệnh viện còn sử dụng lò đốt thủ công tự xây hoặc thiết kế đơn giản để xử lý chất thải lây nhiễm. ThS Khoa cho rằng: Việt Nam cần sớm triển khai sớm các dự án thí điểm áp dụng công nghệ không đốt trong xử lý chất thải rắn y tế. Cần bắt kịp với xu hướng chung của thế giới, không nên chỉ biết đến sản xuất lò đốt đang bị loại trừ dần ở các nước đang phát triển như hiện nay.
H.Tr