Chất lượng dịch vụ cũng như vấn đề vệ sinh luôn là nỗi ám ảnh trong tâm thức người dân mỗi khi họ buộc phải đi khám chữa bệnh. Đó là nhận định mà chúng tôi có thể đưa ra sau chuyến khảo sát mới nhất về hiện trạng vấn đề dịch vụ, vệ sinh của rất nhiều bệnh viện. Tốt nhất nên “giải quyết” trước ở nhà Hiện trạng dịch vụ chậm, vệ sinh dơ bẩn chủ yếu rơi vào các bệnh viện (BV) công, nhất là tại các bệnh viện thuộc tuyến đầu, nổi tiếng như BV Chợ Rẫy. BV Trung tâm Ung Bướu, BV Nhi Đồng I, BV Từ Dũ…
Chị Phạm Nguyệt cho biết: “Tôi đang trong quá trình điều trị mụn tại BV Da liễu TP.HCM nên rất thường xuyên đến BV này. Nhưng thực tình mà nói tôi chưa bao giờ dám đi vệ sinh ở đây. Theo kinh nghiệm từ việc đi khám ở nhiều BV khác cho thấy, phòng vệ sinh của BV công nào cũng có mùi kinh khủng, đã vậy lúc nào nước cũng chảy tràn lênh láng…” Qua thực tế quan sát ở các bệnh viện, chúng tôi nhận thấy một phần nguyên nhân là do trang thiết bị của các BV còn thiếu và lạc hậu, hoặc hết “date” mà không được đầu tư thay mới. Ví dụ điển hình là khu vực khám phụ khoa của BV Từ Dũ. Ở đây, bệnh nhân rất đông, nếu bạn đến khám thì phải xếp hàng rồng rắn từ 4, 5 giờ sáng. Thế nhưng, khu vực vệ sinh dành cho bệnh nhân ẩm thấp, chật chội và có chừng 6 phòng vệ sinh. Với số phòng như thế thì tình trạng chờ đợi đến lượt đi vệ sinh hoặc lấy nước tiểu phục vụ việc khám bệnh làm mất rất nhiều thời gian của bệnh nhân. Tương tự, khi bước vào phòng vệ sinh nam ở khu vực lầu trệt của BV Trung tâm Ung Bướu cũng dễ dàng chứng kiến cảnh tượng xuống cấp kinh khủng của bồn tiểu và bồn cầu. Bồn tiểu ngả màu vì những lớp cặn bám chồng chất lên nhau, bốc lên thứ mùi khai, khắm, khó chịu. Khi chúng tôi mở cửa nhìn vào cả ba phòng toilet thì thật kinh khủng! Ba phòng toilet đều có chung tình trạng là giấy vệ sinh đủ loại, có cả sách báo và bìa caton chồng chất, tràn qua khỏi miệng của chiếc sọt rác đã sắp mục mà không được dọn đi. Bên cạnh sự xuống cấp, thiếu thốn dẫn đến bẩn thỉu, hôi hám của khu vệ sinh, thì chính sự thiếu ý thức của bệnh nhân cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến thực trạng trên. “Mỗi năm BV đều cố gắng đầu tư, thay mới trang thiết bị… nhưng nếu bà con vẫn cứ toàn đi dép lên bàn cầu thì dơ lắm! Rồi nhiều người vô ý thức khạc nhổ tùm lum. Ngay cả băng vệ sinh cũng không biết thu xếp gọn gàng… thì chúng tôi có cố gắng dọn dẹp như thế nào cũng không thể sạch sẽ được!”, một chị dọn vệ sinh tại BV Chợ Rẫy nhận xét. Chính vì sự xuống cấp, dơ bẩn của khu vệ sinh các BV như thế nên biện pháp an toàn nhất của đa số bệnh nhân đến BV khám là: giải quyết mọi nhu cầu sinh lý tại nhà trước khi đi. Còn với bệnh nhân buộc phải lưu trú tại BV, ví dụ trường hợp các bệnh nhân bị ung thư của BV Ung Bướu do yêu cầu chữa bệnh thường kéo dài…, thì họ đành phải “sống chung” cùng với thực trạng trên.
Chờ cả ngày để khám… 5 phút Ngoài vấn đề vệ sinh kém, các BV, nhất là BV công còn khiến người bệnh thấy thất vọng về tốc độ việc khám chữa bệnh quá chậm làm mất rất nhiều thời gian của bệnh nhân. Nguyên nhân là do thủ tục khám còn rườm rà, nhiều cửa; thiếu cán bộ, làm việc không khoa học; bệnh nhân đông dẫn đến quá tải trong khi giờ khám bệnh hạn chế theo đúng giờ hành chính… Hậu quả rất rõ ràng: người bệnh mất thời gian vô ích cả ngày chỉ để được bác sĩ khám xét qua loa trong vòng 5 đến 10 phút. Trong khi đó, nếu so sánh thì rõ ràng các bệnh viện tư có tốc độ khám chữa bệnh nhanh hơn dẫn đến sự hài lòng của người bệnh. Anh Bùi Nghĩa Thuật cho biết: “Có lần tôi đi thăm người thân ở BV Chợ Rẫy, thấy vệ sinh rất tệ, chỉ đi ngoài hành lang mà mùi hôi xông lên nồng nặc! Sau đó có lần tôi đến khám ở BV Vạn Hạnh (đường Sư Vạn Hạnh, Q.10) thấy ở đây chất lượng dịch vụ và vệ sinh khá tốt. Nhất là thời gian đợi đến lượt khám rất nhanh. Ở đây cũng không có tình trạng 2 – 3 bệnh nhân nằm chung một giường nên từ đó tôi không khám ở một số BV công nữa”. Còn theo kinh nghiệm của chị Mỹ Lan khi đi khám bệnh là: “Nếu buộc phải đi khám bệnh ở các bệnh viện như BV Tai Mũi Họng, BV Chợ Rẫy, BV Trung Tâm Ung Bướu, hoặc đưa con đến BV Nhi Đồng I… thì cách nào cũng phải đợi chờ, nên tôi luôn nhớ mang theo một cuốn sách hoặc tờ báo. Vừa đợi đến lượt khám vừa đọc sách sẽ tránh cảm giác buồn bực, khó chịu khi thời gian trôi đi chậm chạp…” Tại một số BV như BV Nhi Đồng I còn khiến bệnh nhân khiếp đảm về khoản bệnh nhi bị nhồi nhét, người nhà đi theo chăm sóc thì không có chỗ nghỉ nên nằm tràn lan ở hành lang khiến BV càng thêm mất vệ sinh. Bởi đi kèm với mỗi bệnh nhi luôn phải có 1 – 2 người nhà là cha mẹ đến chăm nom bé. “Bây giờ tôi không đưa con đến BV Nhi Đồng nữa. Cũng như nhiều bà mẹ khác tôi đưa con đến một bác sĩ tư nào đó tin tưởng được để con được khám nhanh và tiện lợi. Vì thực ra việc đi khám bệnh tư cũng không đắt lắm, bởi với dịch vụ tốt, tiện lợi… thì chi phí cao một tí cũng là hợp lý. Nhất là tại đây mình có thể linh động thời gian. Ví dụ ban ngày mình bận đi làm thì tối đưa con đi khám cũng được…”, chị Phạm Nguyệt chia sẻ. Để giảm tải, hiện nay một số BV đã đưa ra phương án giải quyết bằng cách phát sổ khám bệnh từ 4 giờ sáng nên từ 2, 3 giờ là mọi người kéo nhau đến lấy sổ với hy vọng được khám sớm. Chính vì thế, bệnh nhân ở tuyến tỉnh thường đi rất sớm. Thậm chí, hiện nay ở một số tỉnh lẻ có cả xe du lịch chuyên dành cho người đi khám bệnh theo hình thức xe đi sớm rải bệnh nhân ở các BV và đến trưa thì đón về.
Bệnh hiểm nghèo vẫn phải vào BV công Cũng phải thừa nhận một thực tế là các BV tư không có khả năng chữa các bệnh thuộc loại khó, cần đến những BV chuyên khoa. Mặt khác, các BV tư không có được những thiết bị tối tân, không có bác sĩ chuyên khoa giỏi. Trong khi các BV công như BV Chợ Rẫy, BV Ung Bướu chẳng hạn, thì thiết bị khoa học kỹ thuật phục vụ việc khám chữa bệnh luôn được Nhà nước đầu tư đúng mức! Bởi lẽ các BV này ngoài việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu chữa trị cho bệnh nhân, còn là biểu hiện bộ mặt của nền y học nước nhà. Vì thế, nếu bệnh nhân vào BV tư nhưng gặp bệnh hiểm nghèo vẫn bị “chuyển viện” vào các bệnh viện công như BV Ung Bướu, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Từ Dũ… để chữa trị! “Không biết có phải vì là BV công được ưu ái nên thường không chú trọng dẫn đến tình trạng mất vệ sinh và dịch vụ kém bởi sự thiếu hợp lý trong quản lý và điều hành kể trên… Nhưng dẫu sao, nếu bị bệnh hiểm nghèo thì chúng tôi cũng phải tìm vào bệnh viện công để được điều trị bằng trang thiết bị tốt nhất dù không hài lòng lắm về dịch vụ…”, anh Nghĩa Thuật nhận xét. |
Kinh hoàng vệ sinh ở bệnh viện công
9
Bài trước