“Chiếc thuyền âm thanh” của Frank Gehry



TTO – Frank Gehry – một trong những “cây đại thụ” của ngành kiến trúc – đã bổ sung thêm vào danh sách những công trình xây dựng ấn tượng nhất thế giới bằng một kiệt tác “độc nhất vô nhị” tại Los Angeles, California: cung hòa nhạc Walt Disney.


>> Cụm bảo tàng đặc biệt của Seattle








Cung hòa nhạc như một chiếc thuyền với những cánh buồm no gió


Ý tưởng của dự án được bắt đầu từ năm 1987, và mất 4 năm ròng rã Gehry mới hoàn thành xong bản vẽ. Đầu năm 1992, khu vực garage tầng hầm chính thức thi công, tốn 4 năm xây dựng, đến khi kinh phí rót thiếu dự án lại bị treo thêm 2 năm nữa. Tiếp theo là lễ tái động thổ khu trung tâm vào cuối năm 1999.


Suốt 16 năm ròng với tổng kinh phí lên đến 274 triệu USD, cung hòa nhạc Walt Disney chính thức mở cửa vào ngày 23-10-2003. Một chặng đường dài cho một tuyệt tác.




















Bề ngoài của kiến trúc
Các góc cong lượn lờ của khối thép không gỉ tạo nên nét độc đáo cho cung hòa nhạc
Ánh sáng sặc sỡ, muôn màu của kiến trúc dưới ánh đèn đêm


Cung hòa nhạc Walt Disney có sức chứa 2.265 người, là niềm tự hào của Los Angeles khi trở thành trung tâm hòa nhạc hoàn hảo nhất thế giới cả về âm học lẫn kiến trúc. Dự án này cũng đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp kiến trúc của Gehry.







Bắt đầu từ thời điểm đảm nhận công việc thiết kế cho cung hòa nhạc Walt Disney, Gehry đã hoàn toàn chuyển hướng sáng tạo từ những khối nhà có góc cạnh sang khuynh hướng phá cách bằng những mảng, khối… lắp ghép “vô trật tự” có chủ đích mang phong cách chói lóa, sặc sỡ và ấn tượng.


Đây là công trình kiến trúc với kết cấu bằng thép có tổng diện tích lên đến 89.300m2. Hình dáng bên ngoài của cung hòa nhạc mang dáng dấp một chiếc thuyền đang lướt trên đại dương với những cánh buồm căng bạt gió. Xung quanh là các bức tường nghiêng, bề mặt dốc và cong, trên mái được gấp nếp với chất liệu bao bọc chủ yếu là thép không gỉ sáng loáng và có sức chịu lực cao.








Mái cong được thực hiện với kỹ thuật hiện đại








Các tấm thép được nối với nhau khít chặt đến nỗi không thể tìm thấy một kẽ hở bằng mắt thường


Sự phức tạp của tòa nhà nằm ở việc thiết kế và thi công các đường cong của kết cấu. Các cột và tường dốc cũng là những thách thức rất lớn. Chỉ kể đến garage tầng hầm bên dưới cũng đã là một công trình xây dựng kỳ công. Garage nằm trên vị trí mặt nghiêng giật cấp có 7 tầng ngầm này vừa là nơi đậu xe vừa là kết cấu móng cho cả công trình của cung hòa nhạc bên trên.


Phòng trình diễn chính được thiết kế theo tiêu chuẩn khắt khe của một sân khấu dành cho nhạc thính phòng truyền thống. Không gian, bề mặt, vật liệu kết hợp với nhau theo đúng các thông số đến từng milimet nhằm tăng âm, loại bỏ tần số trầm…


Chẳng hạn như các mặt lồi trên trần và tường được làm bằng gỗ linh sam Douglas, mặt sân khấu lát gỗ tuyết tùng mềm Alaska nhằm làm tăng sự dội âm từ các nhạc cụ.












Những bức tường cong với độ chịu lực cao
Phòng trình diễn chính với thiết kế đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất trong âm học


Ý tưởng mà Gehry muốn diễn đạt thông qua công trình này cũng mang tính triết lý sâu sắc: đó chính là sự nhận thức về vẻ đẹp hoàn mỹ hiếm khi tồn tại trong một thế giới không hoàn hảo.


 Thế giới nguyên vẹn bị xé tan tành từng mảnh rồi nhẹ nhàng kết hợp lại với nhau trong một sự sáng tạo độc đáo để tạo nên một vẻ đẹp dù không hoàn hảo nhưng… lạ đến kinh ngạc.


BẠCH NGỌC
(tổng hợp từ Calendarlive, Arcspace, Architectureweek)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *