Còn không, canh quan họ cổ?





Đến Hội Lim bây giờ, thấy khắp nơi dựng rạp, chăng đèn bắc loa hát thâu đêm suốt sáng, ròng rã mấy ngày trong nhà ngoài hội, trên bến dưới thuyền, rất nhiều người, kể cả các nhà nghiên cứu văn hóa có thể lạc quan về sự phát triển của quan họ hiện nay.


Còn không, canh quan họ cổ?
Quan họ cổ hát mộc không micro hiện không có nhiều ở Bắc Ninh.


Vậy nhưng, sẽ thật hiếm hoi cơ hội cho ai đó muốn thưởng thức trọn vẹn một canh quan họ cổ, theo đúng lề lối, trình tự và thời gian, cổ từ không gian diễn xướng cho đến trang phục, từ cách hát cho đến làn điệu…


Nhọc nhằn canh quan họ cổ thời mới


Theo chân nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, chúng tôi tìm về làng Đặng khi hội Lim đã vãn. Có mặt tại nhà chị Hai Quýnh từ năm giờ chiều, khách được chủ nhà ân cần tiếp đón, giản dị và thịnh tình.


Mâm cơm đãi khách phương xa có món canh riêu cua đậm đà và bánh chưng tiến vua của làng Đặng Xá vừa thơm bùi vừa thanh dịu. Chủ nhân mời rượu khách, hát câu quan họ thật đậm đà, trong trẻo làm cho khách phương xa thấy ấm áp.


Bảy giờ tối, chủ và khách lục tục kéo nhau ra chùa. Sau lễ dâng hương, thì đến phần biểu diễn của khách, gồm các nghệ nhân trẻ và cả học viên của CLB ca trù Thăng Long. Rồi đến màn trình diễn thư pháp của các ông đồ trẻ thuộc Công ty Bảo tồn di sản văn hoá Việt.


Còn không, canh quan họ cổ?
Toàn cảnh canh hát quan họ truyền thống
vừa được tổ chức tại làng Đặng Xá.


Hơn tám giờ tối, canh quan họ cổ mới bắt đầu. Chị Hai Quýnh cùng khoảng 6,7 cụ già và chừng gần chục phụ nữ trung niên, vài cặp các cô gái trẻ… trong đó có các cụ của “quan họ bạn” đến từ làng Bò Sơn, còn lại những liền chị trong CLB quan họ của làng Đặng Xá, cùng ngồi quây quần trên những chiếc chiếu cói trải giữa sân chùa. Liền anh chỉ có bốn người. Anh Hai Ninh và anh Hai Hiển là người Đặng Xá, còn hai liền anh khác mời từ “quan họ bạn”.


Người nghe chen chân vòng trong vòng ngoài, không có chỗ ngồi thì đứng. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giới thiệu, rằng quan họ cổ hát mộc, không micro, không nhạc đệm, ánh sáng cũng chỉ là của đèn nến, vậy nên đề nghị khách nghe giữ trật tự để thanh âm lời hát được vang xa…


Nhưng hai liền anh Ninh, Hiển vừa cất câu: “Bốn bên tứ hải giao tình” thì ngay cả các cụ già ngồi đằng sau đã kêu lên, “không nghe gì cả, không có loa làm sao nghe được”. Mà không nghe được thật. Cái giọng vang rền nền nẩy, ấm áp mà cao thanh của anh Ninh anh Hiển lúc chiều tự nhiên bị chìm nghỉm giữa ồn ào chung quanh.


 
Trong canh quan họ cổ ở làng Đặng Xá, các liền chị
vẫn phải có lúc hát qua micro.


Chị Hai Quýnh đứng lên, vừa lắc đầu vừa đi tìm micro, và loa được bật. Âm thanh chói gắt của loa đài tăng âm (không đủ chuẩn) khiến người nghe chẳng còn nghe được giọng ai hay dở ra sao, bao nhiêu lắng sâu tình tứ trong câu hát cứ trôi tuồn tuột.


Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chán nản ngồi thu lu một góc. Anh nói, “đúng là người lãng mạn mới nghĩ rằng có thể phục hồi vốn cổ đúng như xưa cổ trong điều kiện bây giờ”. Bây giờ người ta nghe quan họ qua loa đài, quan họ trên sân khấu quen rồi, đâu biết thế nào là quan họ.


Chẳng biết có phải vì nhốn nháo một hồi như bao quan họ khác, nên gọi là canh hát cổ cũng không giữ được chân người nghe. Mới gần nửa buổi hát, mọi người đã lục tục kéo nhau ra về.


Nhưng cũng may, từ lúc đó, canh quan họ cổ mới thực sự bắt đầu. Liền anh liền chị bảo nhau khép vòng lại gần hơn trên chiếu cói, micro được cất đi, loa tắt, đèn điện tắt, chỉ có trăng rằm treo vành vạnh trên mái chùa. Những người nghe còn lại có các cụ ông cụ bà làng Đặng, một vài người tuổi trung niên và nhóm khách phương xa tới cũng ngồi quây quần cạnh các liền anh liền chị.


Trong ánh nến mờ ảo, những bài ca cổ từ dọn giọng, lề lối, giã bạn… mới thực sự say đắm lòng người. Các liền chị Hai Măng và chị Hai Cơ (70 và 74 tuổi), hát bài Gió mát trăng thanh, giọng ngân vang, trong ngọt… Rồi hai cụ Bàn, cụ Lịch (là hai báu vật dân gian sống của quan họ) hát Tưởng nhớ về người, cụ Hình Khánh hát bài Áo xếp nguyên… Các liền chị trẻ Mến, Oanh, Huệ, Lan hát Thú giải phiền, Ba bốn chiếc thuyền kề … Rồi hai anh Ninh, Hiển với những bài hát đối…


Canh quan họ cổ dùng dằng giã bạn hơn 30 phút vẫn không dứt. Khách phương xa nhìn nhau tiếc nuối. Mấy cô gái bảo nhau: “Nghe thế này mới thấy quan họ hay”.


Còn không, quan họ cổ?


Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, quan họ theo đúng như đích thực cổ truyền phải là quan họ hát canh. Một canh hát truyền thống từ hát dọn giọng cho đến lề lối và hát đối giã bạn, logic chặt chẽ nhưng cũng đầy ngẫu hứng say mê, có thể kéo dài hai ba ngày đêm không dứt. Còn quan họ bây giờ là những bài ca lẻ, người hát nhiều khi chỉ thuộc dăm ba làn điệu đã đi biểu diễn khắp nơi, và họ hát, không cần đúng một hình thức diễn xướng như vốn cổ.



Hai anh Ninh, Hiển – cặp liền anh hiếm hoi của làng Đặng Xá.


Hát quan họ thực chất là hát đối, vậy nên muốn tổ chức một canh quan họ theo đúng truyền thống, trước hết phải có đủ các cặp liền anh liền chị tương xứng. Và theo khảo sát của các cán bộ Viện Văn hóa nghệ thuật, sở dĩ Đặng Xá là một điểm hiện còn có thể dựng lên được một canh quan họ cổ theo đúng như vốn cổ, bởi ở đây còn có một vài cặp liền anh đủ chất giọng và vốn liếng để hát những bài ca cổ. Và việc phục dựng một canh quan họ cổ truyền ở đây là ý tưởng của các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa nghệ thuật.


Thực tế tại các làng quan họ Bắc Ninh, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, có nhiều cặp liền chị tuổi cao hát rất hay, thuộc hàng trăm bài ca cổ rất đẹp, nhưng lại không có cặp liền anh nào tương xứng về độ tuổi để hát đối. “Cháy liền anh” là một vấn đề “nóng” của quan họ hiện nay.


Vậy nhưng, để quan họ truyền thống thực sự sống được trên đất quan họ, lại không chỉ vậy. Sau hơn 50 năm đứt đoạn, quan họ mới được phục hồi, và nếu nhìn vào sự “tự phát” trong dân, rất nhiều nhà nghiên cứu mừng ít lo nhiều. Mừng vì quan họ thực sự đã ngấm vào máu người Kinh Bắc, chỉ cần một chút khích lệ là bừng lên.



Khán giả quan họ rất đông, nhưng không mấy người
biết thưởng thức đúng kiểu một canh quan họ truyền thống.


Tuy nhiên, cũng vì đứt đoạn đã quá lâu, những nghệ nhân quan họ giờ đã quá già, lớp trẻ có lẽ chưa được biết, quan họ cổ truyền của cha ông thực chất là như thế nào. Vậy nên, mới thấy bây giờ đi đâu cũng quan họ hát có nhạc đệm, hát qua micro, qua tăng âm. Có rất nhiều từ để các nhà nghiên cứu nói về quan họ ngày nay, đó là quan họ đài, quan họ đoàn, quan họ xập xình. Và họ không thể không lo ngại, quan họ đang phát triển, nhưng ngày càng rời xa truyền thống…


Các nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc cổ truyền, từ những khảo sát thực tế, đã cố tâm phục dựng quan họ cổ. Tuy nhiên “khi chúng tôi rút quân là lập tức người dân lại mang đàn oóc ra đệm hát quan họ”- anh Bùi Trọng Hiền nói.


 
Các liền chị gần tuổi 80 –
những “báu vật dân gian sống” của quan họ.


Chưa kể, dù nhiều nơi bây giờ đã ý thức việc hát quan họ theo lối mộc, không dùng tăng âm, nhưng những “tour” quan họ đó, cũng chỉ được tổ chức theo kiểu đặt hàng, và người nghe chủ yếu là các nhà nghiên cứu, nhà báo… Các câu lạc bộ quan họ làng ngày càng phát triển, nhưng họ cũng phần nhiều đi hát theo lời mời, ở các hội diễn, liên hoan.. là chính. Nỗ lực của các nhà nghiên cứu bảo tồn để hầu mong giữ lại di sản văn hóa của người dân thực sự sống trong dân nhiều khi chỉ như muối bỏ biển.


Tuy vậy, so với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác, quan họ còn nhiều người say mê tâm huyết, nhiều người già tuổi dẫu xế chiều nhưng cái chất quan họ trong người hãy còn tươi nguyên, nhiều người trẻ mong muốn khám phá và tiếp nối giữ gìn. Vậy nên, hy vọng phục nguyên quan họ hát canh theo đúng truyền thống vẫn còn nhiều điều để mà… hy vọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *