Dầm cầu Pháp Vân sập do tổ hợp nhiều nguyên nhân

Sáng nay, kết luận nguyên nhân sập dầm cầu cạn pháp Vân (Hà Nội) đã được Hội đồng thẩm định nhà nước gửi tới Bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan liên quan. Theo giáo sư Lê Văn Thưởng, thành viên Hội đồng, nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự cố là việc gác dầm lên vị trí gối cao su ở trụ cầu không đảm bảo độ chính xác. Cùng lúc, việc không có sự chống đỡ, liên kết tốt giữa các phiến dầm đã gây ra sự cố trên.

Vụ sập dầm cầu xảy ra vào trưa 18/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.

“Nếu đặt dầm đúng tâm gối cao su thì gối biến dạng đều. Nhưng đặt lệch thì một bên chịu lực quá tải sẽ biến dạng nhiều hơn, tạo độ nghiêng làm dầm nghiêng và kết hợp với hệ thống giằng, chống không đảm bảo đã gây ra đổ dầm”, ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cho biết, qua quan sát thực tế, các phiến dầm có chỗ nghiêng, có chỗ hở. Các gối cao su biến dạng không đều làm dầm nghiêng từ từ và đến lúc nghiêng quá thì bị đổ gây hiệu ứng domino. Ông Thưởng bác bỏ mưa gió, hay những yếu tố bên ngoài tác động vào.

Riêng các thanh chống xiên làm bằng gỗ bạch đàn, ông Thưởng cho rằng chỉ như “que củi”, không đảm bảo độ chắc chắn. Cũng theo vị giáo sư này, cho đến hiện tại nhiều phiến dầm cũng chưa hàn để tạo liên kết ngang, sai với quy trình.

“Nguy cơ sập các phiến dầm khác vẫn còn nếu đơn vị thi công không sớm khắc phục”, ông Thưởng nói.

Kết luận về trách nhiệm dẫn đến sự cố, giáo sư Thưởng cho rằng, việc tổ chức thi công của nhà thầu chưa tốt, thiếu cẩn thận. “Lỗi chính là do nhà thầu, còn các quy định, hướng dẫn đều đã có hết. Chủ đầu tư và tư vấn giám sát cũng nhắc nhở, nhưng vẫn lơ là, không kiểm tra thường xuyên”, ông Thưởng nói.

Ngoài việc đặt lệch dầm, giằng không được hàn để tạo liên kết ngang và thanh chống gỗ không đảm bảo đã khiến các phiến dầm đổ theo hiệu ứng domino. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Về biện pháp khắc phục trước mắt, Hội đồng nghiệm thu nhà nước yêu cầu bên thi công thực hiện hàn dính các thanh thép chờ và đúc bê tông nhằm ổn định hệ lực của các phiến dầm, đồng thời kiểm tra các gối cao su, tăng cường thanh chống ở vị trí gối.

trao đổi với báo chí, ông phạm Thanh Bình, phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay, trong quá trình thi công, chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã nhắc nhở hơn 10 lần bên thi công (Công ty cầu 7). Chủ đầu tư cũng lập biên bản về các lỗi về an toàn lao động. Tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng trùng hợp với những thừa nhận của Ban quản lý dự án Thăng Long về sự cố khi trao đổi với báo chí những ngày vừa qua.

trước đó trưa 18/4, 4 trong số 5 phiến dầm của nhịp cầu cạn pháp Vân (mỗi phiến nặng 60 tấn), đoạn qua khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) bất ngờ đổ sập. Rất may không có thương vong nào. Cảnh sát Hà Nội đã vào cuộc điều tra.

Một ngày sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng nguyên nhân ban đầu vụ sập 4 dầm cầu pháp Vân là do sơ suất của nhà thầu trong quá trình thi công và yêu cầu các đơn vị liên quan xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân báo cáo Bộ trước 24/4.

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, sự cố xảy ra ở gói thầu số 3A, xây dựng cầu cạn pháp Vân kéo dài thuộc Dự án xây dựng cầu Thanh trì và đoạn tuyến Nam vành đai 3 Hà Nội do Nhà thầu Liên danh Sumitomo Mitsui – Tổng công ty xây dựng Thăng Long thi công.

Gói thầu có chiều dài 2.484 m cầu cạn chạy suốt, 221 m cầu bản có lỗ bê tông cốt thép và hai đường gom dài 950m mỗi bên. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 990 tỷ đồng. Gói thầu được khởi công 14/10/2008 và được hoàn thành sau 730 ngày, đến nay đã thi công được 70% khối lượng công việc.

Nguyễn Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *