Đưa vào sử dụng mô hình thí điểm xử lý nước thải tại Trường THPT Dân tộc nội trú Đác Nông





Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Đác Nông là đơn vị duy nhất ở Tây Nguyên được chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm về xử lý nước thải sinh hoạt. Sau một thời gian thi công, công trình vừa xây dựng hoàn thành và bàn giao cho nhà trường đưa vào sử dụng.




Mô hình thí điểm này nằm trong khuôn khổ dự án “Điều tra, đánh giá, tổng kết, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến trong cộng đồng dân cư khu vực Tây Nguyên và đề xuất giải pháp nhân rộng” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đác Nông và Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.




Công trình có công suất thiết kế 50m3/ngày, đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại Trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Hệ thống xử lý áp dụng công nghệ truyền thống và xử lý sinh học hai bậc kết hợp với khử trùng.




Mô hình này được thiết kế ở mức độ tự động hóa cao, hiệu quả xử lý cao và ổn định. Chất lượng nước thải sau xử lý luôn bảo đảm tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt được phép thải vào nguồn tiếp nhận (theo tiêu chuẩn TCVN 6772:2000).




Tổng kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý này là 342 triệu đồng, được tài trợ từ nguồn kinh phí của dự án với phần đối ứng của địa phương là mặt bằng. Theo tính toán của Ban Quản lý dự án thì giá thành xử lý 1m3 nước thải của hệ thống này không tính khấu hao vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.200 đồng/m3.




Trong quá trình xây dựng, ngoài nguồn vốn tài trở của dự án, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Đác Nông còn chủ động huy động kinh phí từ các nguồn vốn khác để xây dựng hệ thống thu gom và dẫn nước thải về trạm xử lý tập trung. Đây là một trong những mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ nhưng với công nghệ tiên tiến được triển khai thí điểm đầu tiên tại trường Dân tộc Nội trú ở khu vực Tây Nguyên.




Được biết, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Đác Nông mỗi năm có trên 300 học sinh là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh theo học từ lớp 10 đến lớp 12. Lâu nay, do chưa được đầu tư đồng bộ nên việc xử lý nước thải sinh hoạt của nhà trường còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường học tập, sinh hoạt của các em. Vì vậy, công trình xử lý nước thải tiên tiến này được đưa vào sử dụng sẽ xử lý triệt để nước thải sinh hoạt hàng ngày của nhà trường, góp phần bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho các em học tập, sinh hoạt ngày càng tốt hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *