Kiến trúc sư có lỗi

Tại Đại hội KTS Việt Nam lần thứ VIII diễn ra tại Hà Nội vừa qua, khi đánh giá tình hình phát triển kiến trúc những năm qua, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội đã thẳng thắn nêu rõ: “Chúng ta xây dựng nhiều, nhưng ít thành công về sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc phát triển chung chung, tinh thần hiện đại không triệt để và còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế” và “để xảy ra tình trạng yếu kém trên trách nhiệm trước hết thuộc về KTS”.

Đến dự với Đại hội của giới KTS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đánh giá cao vai trò, vị trí của Hội KTS Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Ông cũng chia sẻ khó khăn của KTS khi hành nghề trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập quốc tế. Rất giản dị, ông nói: “KTS cần phải thường xuyên học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. phải có ý chí vươn lên để có khả năng hành nghề như các KTS trong khu vực và quốc tế”. Theo Bộ trưởng Quân, sắp tới đây, vấn đề giá tư vấn thiết kế sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường. Sản phẩm sáng tạo của KTS cũng là hàng hóa, nhưng là thứ hàng hóa đặc thù. Nếu sản phẩm tốt thì chủ đầu tư sẽ trả phí thiết kế cao đến 10 – 15%. Còn không chủ đầu tư sẽ không thuê. Và như thế KTS cũng phải cạnh tranh, cũng phải đấu thầu thiết kế. Nếu anh có thương hiệu anh sẽ có nhiều việc, nhiều người tìm đến. Không ai có thể làm thay!

Ý kiến của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Hội KTS và Bộ Xây dựng đã gây được sự chú ý, quan tâm của Đại hội. Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, diện mạo kiến trúc đô thị nông thôn Việt Nam không ngừng thay đổi theo hướng văn minh hiện đại. Đó là thành tựu to lớn. Nhưng bên cạnh đó chúng ta đang phải đối đầu với bao thách thức, đó là kiến trúc thiếu bản sắc, nhạt nhòa về phong cách. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa đô thị hóa và kiến trúc nông thôn truyền thống, giữa khai thác tài nguyên với biến đổi khí hậu đang ngày càng có xu hướng gay gắt. Chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít có công trình kiến trúc đẹp. Tác phẩm lại càng hiếm. Chúng ta có 17 trường đào tạo KTS (và sắp tới đây là 20 trường), hàng năm cho ra trường hơn 1.500 KTS, nhưng lại có rất ít KTS giỏi. Đó là một thực tế buồn!

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn 2050 đang được triển lãm để lấy ý kiến nhân dân. Đây là việc làm cần thiết. trong tương lai không xa, Thủ đô của chúng ta sẽ là một đại đô thị mang tầm vóc của một nước Việt Nam hùng cường giàu mạnh, là một trong 10 Tp lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới. Đó là ước muốn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta được các nhà tư vấn nước ngoài thể hiện qua đồ án quy hoạch hoành tráng trên. Hy vọng rằng, một hai chục năm nữa, KTS của chúng ta sẽ có đủ khả năng để biến ước muốn đó thành hiện thực bằng những tác phẩm kiến trúc cụ thể đầy sáng tạo và đậm đà bản sắc dân tộc (chứ không phải bằng mô hình, hay bản vẽ tô mầu xanh đỏ) để chuộc lại cái “lỗi” của ngày hôm nay!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *