Kỳ thú Mộc phủ ở Vân Nam


Cổng chào đầu phố với bốn chữ “Thiên vũ lưu phương”

Con đường trước cổng phủ được chắn lại bên đông bởi một bình phong khá cao, ngăn cách với nhà dân. trước cổng, dòng nước chảy từ hướng bắc xuống được bắc ngang bởi cây cầu đá rộng không có thành. Đối diện bình phong ngoài là tòa cổng chào bằng đá.

Xưa kia tòa cổng chào này là công trình kỳ vĩ nhất đất Lệ Giang, làm bằng đá ngọc trắng được lấy từ đáy khe Hổ nhảy ở sông Kim Sa. trên cổng gắn tấm biển đề hai chữ “trung nghĩa” do vua Minh Thần Tông ban tặng. Tòa cổng nổi tiếng là tinh xảo, đẹp nhất phía nam của trung Hoa. Tiếc rằng dưới thời cách mạng văn hóa, công trình đã bị phá tan, cổng ngày nay chỉ là phiên bản.

Tòa cổng có bốn cây cột lớn, dưới chân cột là bốn con sư tử đá quay ra phía ngoài. Sư tử đá không đứng tách riêng như thường thấy, mà sát vào chân cột, bệ ngồi của chúng là phần chống đỡ cho cột đứng thẳng.

Cổng chào bằng đá ngọc trắng với hai chữ “trung nghĩa” do hoàng đế triều Minh ban tặng (phục chế)

Chủ nhân của Mộc phủ là dòng họ người Nạp Tây, làm Thổ ti xứ này trải ba triều đại, với 22 thế hệ, 470 năm. Dòng họ này được triều nhà Nguyên phong làm Thổ ti, sau đó quy thuận nhà Minh, nên Minh Thái Tổ ban cho họ Mộc của người Hán, trở thành họ chính thức và họ cũng học theo văn hóa Hán. Tuy chỉ là Thổ ti, nhưng uy thế và sự giàu sang của họ Mộc không kém gì các bậc vương công, và phủ đệ còn vượt xa các vương phủ về độ rộng lớn huy hoàng.

Sang đến triều Thanh, do họ Mộc vẫn còn trung thành với hậu duệ nhà Minh nên bị phế bỏ tước vị, Mộc phủ cũng dần hoang phế, tuy nhiên dòng dõi vẫn còn có uy thế đến tận khi thành lập nước CHND trung Hoa.

Dưới thời kỳ cách mạng văn hóa, Mộc phủ bị phá hủy nặng nề, năm 1999 mới bắt đầu được trùng tu. Dưới thời huy hoàng nhất, Mộc phủ rộng hơn 100 mẫu đất, với gần trăm công trình lớn nhỏ, đến nay thu hẹp chỉ còn một nửa, với chiều dài gần 400m và vẫn còn đang tiếp tục được tu bổ.

Sau tòa cổng chào, qua một sân nhỏ rồi đến tòa nghi môn ba gian lợp mái bề thế, chính giữa đề hai chữ “Mộc phủ” rất lớn. Hai bên nghi môn bày đồ nghi trượng dành riêng cho các bậc đại quý, qua cổng lớn là sân lễ nghi rộng mênh mông. Các nhà kiến trúc xưa kia đã ngăn không cho người ngoài có thể nhìn thẳng vào sân bằng một bức bình phong xây gạch, do đó ai vào cũng phải đi vòng sang hai bên.

Hai dãy hành lang dài vây lấy sân, cuối hành lang là hai lầu nhỏ duyên dáng vươn lên trời. Hai lầu nhỏ này vừa là kiến trúc trang trí, vừa có công dụng làm nơi quan sát, từ đây có thể nhìn được toàn cảnh trước cổng phủ, thông sang khu nhà ở và phía sau.

Nghi môn với các tấm biển đề “Hồi tị”, “Tịch tĩnh”, nghĩa là giữ yên lặng, tránh ra xa

Ở cuối sân, trên ba bậc cấp rất cao là tòa nghị sự sảnh, tòa nhà lớn và quan trọng nhất của Mộc phủ. Sảnh nghị sự tương đương với chính điện trong hoàng cung, là nơi tiến hành các lễ nghi quan trọng nhất, cũng là nơi họp bàn nghị sự với các quan viên tướng lĩnh. Chính giữa sảnh đặt một ghế phủ da hổ, hai bên là đồ trang hoàng, đặt trên một sập lớn. Bên dưới là dãy ghế dành cho các quan tướng và khách.

Toàn bộ tòa sảnh đặt trên bậc đá cao có trang trí hình sóng nước và mây. Một dòng nước chảy quanh cả hai bên tòa đại sảnh.

Sân điện với lầu nhỏ ở bên, đây là nơi diễn ra các đại lễ của Thổ ti Lệ Giang

Nghị sự sảnh, tòa nhà lớn nhất, trung tâm của Mộc phủ, không hề thua kém các đại điện trong hoàng cung

Liền sau nghị sự sảnh là tòa lầu lớn Vạn Quyển lâu. Xưa kia đây là lầu sách, gìn giữ hàng nghìn quyển sách của văn hóa Đông Ba, các bộ kinh Đại Tạng, cũng như các tập thơ của Thổ ti, danh sĩ đất này, là nơi kho báu văn hóa lớn nhất của đất Lệ Giang. Lầu chỉ có hai tầng nhưng rất cao, với ba lớp 12 mái.

Từ lan can quanh tầng hai nhìn ra xung quanh rất đẹp, nhất là ngọn Ngọc Long tuyết sơn trắng xóa ở phía xa. Dòng nước bao quanh sảnh nghị sự cũng bao quanh lầu Vạn Quyển, thông với hồ nhỏ ở phía bắc.

Vạn Quyển lâu, lầu sách lớn, là bảo tàng văn hóa Đông Ba, luôn có dòng nước vây quanh

Từ lầu Vạn Quyển đi xuống, sẽ đến Hộ pháp điện, đây là tòa điện thờ, chính giữa là bài vị thần linh, hai bên là tranh thờ các bậc tổ tiên họ Mộc. Sau điện Hộ pháp là vườn hoa với tên Ngọc Hoa viên, có một tòa gác tên là Quang Bích lâu, hai tầng tám mái là nơi vui chơi yến tiệc của gia tộc và khi có khách quý. Từ đây có lối thông với khu dân cư bên ngoài, xây một cổng chào duyên dáng.

Hộ pháp điện có thể thấy thấp thoáng đằng sau các công trình trên núi

Đường vòng sau lầu Quang Bích dẫn đến một khoảng sân rộng, giữa sân tọa lạc tòa lầu mang tên Ngọc Âm lâu, chỉ hai tầng nhưng có đến 28 mái đan xen đẹp đẽ.

Lầu này là nơi họ Mộc nhận các chiếu chỉ từ hoàng đế nhà Minh, nên mặt sau của lầu có một tấm biển đề bốn chữ “Thiên uy chỉ xích”, nghĩa là oai trời ở rất gần. trong lầu còn lưu giữ những bức tranh phật giáo Mật tông, nhưng lầu cũng còn là nơi thưởng thức ca múa, sau lầu Ngọc Âm là sân rộng bày nhiều bàn ghế đá, kéo đến sát chân Sư Tử sơn. Tại chân núi, quay về lầu dựng sân khấu dùng để trình diễn hí kịch, hành lang ăn thông ra hai bên.

Lầu Ngọc Âm nhìn từ điện Tam Thanh

Theo đường bậc thang có mái hiên, vòng quanh sân, sẽ đi dần lên núi Sư Tử. Bên đường có nhà trình diễn nhạc cụ dân tộc, bày nhiều gốc cây và đá lạ. Lên trên cao, một tòa đình nhỏ ngắm cảnh đứng cheo leo, hành lang đá dẫn sang phía nam nhìn được cả khu phố cổ. Đường lên cao hơn nữa là đến điện Tam Thanh, nơi thờ ba vị thần tối cao trong Đạo giáo, cũng là một tòa nhà nhiều lớp mái.

Từ sân của điện Tam Thanh là nơi tốt nhất để nhìn toàn cảnh Mộc phủ và một phần thành cổ. trên núi Sư Tử vốn là rừng bách cổ thụ, xưa kia đỉnh núi là nơi họ Mộc làm lễ tế trời, tế tổ tiên, thần linh. Ngày nay trên đỉnh dựng tòa Vạn Cổ lâu, là đỉnh ngắm cảnh cao nhất của thành cổ Lệ Giang.

Từ Ngọc Âm lâu nhìn về sân khấu và điện Tam Thanh trên lưng núi Sư Tử

Về phía bắc của khu điện đài là khu sinh hoạt của gia tộc họ Mộc. Dòng nước từ núi chảy xuống đổ vào trong một hồ nhỏ ngăn cách hai khu, tạo thành một cảnh quan với đủ sông suối, cỏ cây. Cầu đá khúc khuỷu, cổ thụ soi mình, hoa lá chen nhau đua sắc.

Khu nhà ở chia thành các khu tứ hợp viện liền nhau, cứ bốn tòa nhà quay vào một sân vuông, có cửa thông suốt. Về phía đông là nơi đọc sách, học tập, thư viện, sâu vào phía tây là khu tiếp khách trong gia đình, nơi ngủ, cất giữ bảo vật gia tộc, thờ tự riêng tư. Khu nhà dành cho gia nhân và người bảo vệ nằm ở vòng ngoài, đi cổng riêng, phía sau hẳn là khu nhà bếp và ăn uống của gia đình.

Sân trong được vây bốn nếp nhà, tạo thành một khoảng không gian riêng đẹp đẽ

Một đặc điểm rất riêng của Mộc phủ cũng là của thành cổ Lệ Giang, đó là dòng nước uốn lượn khắp nơi trong phủ, liên tục chảy qua các công trình. Bên cạnh đó, dòng nước còn có ý nghĩa thực dụng hơn là cứu hỏa, khi xảy ra hỏa hoạn thì có sẵn nguồn nước chữa lửa.

Dòng nước liên tục được mạch nước trên núi đổ vào, không bao giờ ngừng chảy

Mộc phủ không chỉ là công trình kiến trúc tuyệt đẹp mà còn là một hoa viên đặc sắc. Dù hậu hoa viên vẫn còn chưa được sửa sang xong nhưng những cây cối đang được bày nơi đây cũng như mọc trên Sư Tử sơn cũng đã đủ tạo thành một vườn thực vật phong phú. Những chậu cây bày trong sân, dưới đình các, những gốc liễu cổ thụ, một cây bạch quả lẻ loi, một rặng hoa hồng rực rỡ… đều làm du khách lưu luyến ngẩn ngơ.

Đã một lần đến thăm Mộc phủ hẳn sẽ không ai quên được một tòa “Cấm thành” của phương nam, nơi chứa đựng sự của cả văn hóa Hán và văn hóa Nạp Tây, dung hòa cả phật giáo, Đạo giáo, những dấu tích đổi thay lúc huy hoàng, khi u ám của lịch sử đất nước trung Hoa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *