Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2020, tầm nhìn đến 2050












Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng, nhưng sẽ được xây dựng, phát triểnthế nào để vừa tiếp nối được những tinh hoa, văn hoá truyền thống, lại vừa tiếp thu được những giá trị khoa học và nghệ thuật phát triển đô thị hiện đại của thế giới và phát triển bền vững. Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặt ra cho các nhà quy hoạch phát triển đô thị của Việt Nam và quốc tế cùng tham gia. Chính phủ đã đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.


Hội đồng xét duyệt đã tuyển chọn được ba công ty tư vấn đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí với điểm đánh giá cao nhất: Công ty ARATA ISOZAKI (Nhật Bản) kết hợp với Office for Metropolitan Achitecture (OMA) của Hà Lan – Công ty POSCO Hàn Quốc với JINA – PERKIN EASTMAN của Mỹ và Công ty ATKL của Mỹ.



Cơ hội nhiều, thách thức không ít



Hà Nội mở rộng, có quỹ đất để phát triển, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Hiện Hà Nội đã và đang phát triển trên hệ thống cơ sở hạ tầng có cách đây mấy chục năm và bó hẹp trong phạm vi của Hà Nội cũ. Việc nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng ít, mở rộng chưa bao nhiêu, trong khi với số dân 6,2 triệu người và nhu cầu phát triển kinh tế tăng gấp nhiều lần thì đây là cơ hội để Hà Nội mở rộng không gian hạ tầng cho đô thị và cho các khu chức năng đô thị. Ví dụ, hệ thống các trường đại học sẽ được quy hoạch lại hiện đại, đồng bộ và tập trung hơn. Hệ thống các khu công nghiệp sẽ được di dời ra khỏi khu vực nội đô. Nhiều bệnh viện cần cách ly, các khu công nghệ cao, trung tâm văn hoá… sẽ có quy hoạch rõ ràng, tập trung và quy mô hơn. Bên cạnh những lợi thế trên, Hà Nội mở rộng còn có không gian địa lý tổng hợp đầy đủ các yếu tố núi, sông hồ, khu vực sinh thái … là những lợi thế để quy hoạch một Thủ đô phát triển cân bằng và bền vững.



Tuy nhiều quỹ đất, nhưng khi rà soát thì tất cả các quỹ đất có tiềm năng đều đã phát triển hoặc đã chỉ định, quy hoạch hoặc chuẩn bị được triển khai đầu tư theo các chiến lược phát triển cũ của từng địa phương. Thậm chí, nhiều dự án đã đầy đủ thủ tục để triển khai, nhưng những dự án thích hợp hay không còn thích hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng trong tương lai thì lại chưa biết hay chưa được thẩm định. Hơn thế, thách thức nữa không thể bỏ qua khi làm quy hoạch mở rộng Thủ đô là hệ thống hạ tầng khung trong nội thị hiện đang trong tình trạng chắp vá vì nó là hệ thống cũ cải tạo nâng cấp chưa toàn diện. Hệ thống hạ tầng mới thì đang nghiên cứu theo hướng đồng bộ và cần có nhu cầu đầu tư lớn. Kết nối giữa cái cũ, chắp vá cái mới mở rộng đồng bộ thế nào cho hợp lý… là những vấn đề cần giải quyết.



Phải phát triển cơ sở hạ tầng thế nào?



Thứ nhất là ưu tiên xây dựng các trục đường xuyên tâm, phát triển vùng ngoại thành trước để khắc phục tình trạng đô thị hoá (ĐTH) tự phát, làm phá vỡ cấu trúc môi trường tự nhiên, mất cân đối về mạng lưới đường giao thông, cấp điện, cấp – thoát nước. Do vậy, cần ưu tiên xây dựng hoàn chỉnh các trục đường xuyên tâm theo tiêu chuẩn các đường đô thị cấp I, rộng từ 50 m trở lên để tổ chức các tuyến vận tải công cộng với khối lượng lớn, tốc độ nhanh. Những trục đường này không chỉ đóng vai trò liên kết các trung tâm đô thị với nhau mà còn là trục xương sống, chi phối hoạt động giao thông vận tải trên mạng lưới đường giao thông nông thôn sẵn có ở các huyện ngoại thành, nhất là các huyện thuộc Hà Tây trước đây.



Thứ hai là xã hội hoá vận tải hành khách công cộng. Và đây là vấn đề cần được ưu tiên phát triển, nhất là hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm nhiều loạihình phương tiện với phương châm xã hội hoá đầu tư. Trong 10 năm tới, Thủ đô cần phát triển xe buýt chạy nhanh thì mới đáp ứng nhu cầu đi lại giữa trung tâm Thủ đô với vùng ngoại thành rộng lớn và mới giảm được sự gia tăng phương tiện cá nhân.



Thứ ba là đầu tư đồng bộ cho hệ thống cấp nước đô thị. Trong tương lai, các đô thị mới ở tây và tây nam Hà Nội sẽ được cung cấp nước chủ yếu từ nguồn nước mặt sông Đà và sông Hồng. Cơ quan hỗ trợ phát triển Nhật Bản (JICA) đề xuất nên sử dụng khoảng 600 nghìn m3/ngày đêm của sông Đà cấp cho thành phố bằng 2 trục đường ống lớn chạy theo đường Láng – Hoà Lạc và theo Quốc lộ 6. Các nhà máy dùng nước mặt sông Hồng cần được xây dựng ở khu vực Nhật Tân, Thượng Cát (Từ Liêm), Yên Sở (Thanh Trì). Khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm sử dụng kết hợp 2 nguồn nước mặt và ngầm của sông Hồng, sông Đuống.



Thứ tư, Thủ đô nên là đô thị mở với nhiều trung tâm. Đây là vấn đề để bảo vệ bền vững cảnh quan, môi trường sống trong quá trình đô thị hóa gia tăng. Hà Nội cần được quy hoạch theo nguyên lý là một đô thị mở với nhiều trung tâm. Các trung tâm đô thị sẽ được liên kết với nhau bởi các trục giao thông rộng đủ cho 8 làn xe trở lên và có các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ nhanh. Hà Nội cũng sẽ quy hoạch một hệ thống các tiểu đô thị xen kẽ với những không gian xanh.



Thứ năm,
Thủ đô cần có chương trình tổng thể về quản lý rác thải. JICA đánh giá khu xử lý rác thải Nam Sơn cần phải được đầu tư mở rộng thêm từ 20 – 30 ha vào thời điểm 2010 và đầu tư thêm từ 1 – 2 khu xử lý rác thải ở Hoà Bình, Hà Tây (cũ) để phù hợp và đáp ứng quy mô ĐTH, công nghiệp hoá rộng lớn của Thủ đô.


Với những ý tưởng, mục tiêu trên, tháng 1/2009, Liên danh tư vấn Perkins Eastman Architect, POSCO E&C, JINA Architect (PPJ) đã báo cáo khởi động đồ án Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội trước Bộ Xây dựng cùng nhiều bộ, ngành liên quan. Đề cập đến các thách thức đối với Hà Nội, theo PPJ có 5 vấn đề. Một là áp lực đô thị hoá. Hà Nội đang chịu sự quá tải về dân số, sự phát triển đô thị lan toả tự phát và chịu áp lực tạo việc làm.



Hai là, Hà Nội phải đối diện với các vấn đề về môi trường như bảo vệ cảnh quan tự nhiên, kiểm soát lũ lụt và hạn chế ô nhiễm môi trường.



Ba là, quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Sự phát triển đô thị Hà Nội đang đặt áp lực lên khu dân cư nông thôn. Thách thức của Thủ đô là sẽ phải cân bằng phát triển đô thị và nông thôn, phải giải quyết các vấn đề tái định cư và đền bù.



Bốn là, thách thức về bản sắc và bảo tồn văn hoá.



Năm là, quản lý phát triển đô thị, nhất là cần kiểm soát phát triển, hoàn thiện hệ thống luật định và bảo đảm chất lượng phát triển. Về lộ trình thực hiện quy hoạch, PPJ dự kiến sẽ báo cáo quy hoạch lần 2 vào tháng 6 – 7/2009, tập trung đánh giá chi tiết hiện trạng, định hướng sơ bộ về không gian, cây xanh và sử dụng đất, quy hoạch định hướng đến năm 2020, 2030, 2050 của Thủ đô Hà Nội. Báo cáo lần 3 (tháng 9 – 10/2009) sẽ tập trung định hướng kỹ thuật bao gồm hạ tầng kỹ thuật, tiến hành quy hoạch, đề xuất chính sách và quy định về quản lý đô thị.


 



Trí Hải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *