Thế giới xung quanh ta: Thủ đô Viên (Áo) thơ mộng với những công trình kiến trúc cổ Gothic nổi tiếng





Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới Thủ đô Viên của nước Áo là những cỗ xe ngựa. Có lẽ chẳng có thành phố nào ở Châu Âu lại có xe ngựa chạy thong dong trên đường phố xen lẫn những chiếc xe hơi bóng lộn và những chuyến tàu điện leng keng giống như ở Viên. Có thể nói, những cỗ xe ngựa là một phần không thể thiếu ở Viên, cũng giống như âm nhạc vậy. Những chuyến xe song mã chở du khách tái hiện một thời vàng son của những ông hoàng, bà chúa giàu có và đầy quyền uy, về một thành phố tráng lệ tấp nập ngựa, xe. Dưới ánh đèn vàng đêm, thành phố Viên trông càng lộng lẫy hơn.

Do từng là thủ đô của Đế chế La Mã và Đế chế áo-Hung, thành phố Viên hiện vẫn có hàng chục dinh thự, cung điện lớn, nhỏ… 

Thành Viên nổi tiếng với những kiến trúc mang đậm phong cách Gothic

Trung tâm và biểu tượng của Viên là nhà thờ Thánh Stephan với những nét kiến trúc đặc trưng Gothic. Nhà thờ đang được trùng tu, cạo bỏ lớp áo khoác đen sì mà thời kỳ công nghiệp hóa ở Châu Âu để lại.

Xung quanh nhà thờ Thánh Stephan là những khu phố mua sắm sầm uất như Graben, Kaerntner, nhộn nhịp từ 10 giờ sáng tới 20 giờ tối.

Sánh ngang với nhà thờ Thánh Stephan là nhà thờ Karl do Hoàng đế Karl VI cho xây dựng sau khi đợt dịch hạch năm 1713 cướp đi sinh mạng của 8.000 người với hy vọng Chúa sẽ giúp ngăn chặn những thảm họa tương tự. Karl và Stephan là hai trong số hơn một chục nhà thờ nằm rải rác trong khu phố cổ của thành phố Viên.

Từ Graben, đi hết con phố cổ Kohlmarkt là tới tổ hợp cung điện Hofburg. Hofburg đẹp vào ban ngày và càng nguy nga tráng lệ hơn vào ban đêm dưới ánh sáng điện. Các tòa nhà trong cung điện hiện nay được trưng dụng làm Thư viện quốc gia và các Viện Bảo tàng. Ngoài cung điện Hofburg, ở Viên còn có cung điện lớn Schwarzenberg và lâu đài Schoebrum nổi tiếng. Từ cổng Vinh quang của lâu đài Schoebrum có thể nhìn bao quát cả thành phố. Vào mùa thu, nhiều cây cổ thụ quanh lâu đài với những vòm lá ngả sang màu vàng, càng làm cho phong cảnh nơi đây trở nên trầm mặc, thơ mộng.

Một công trình kiến trúc tuyệt vời nữa không thể không nhắc tới ở Viên, đó là tòa nhà Quốc hội. Uy nghiêm và đồ sộ, tòa nhà Quốc hội do kiến trúc sư Theophil Von Hansen thiết kế và được xây dựng trong 10 năm, từ 1873 tới 1883. Kế bên là Tòa Thị chính thành phố với kiểu kiến trúc Gothic mới. Tòa nhà này rộng 20.000m2 và có một tháp chính cao 98m.

Đối diện với Tòa Thị chính là Nhà hát Hoàng gia. Nhà hát này cùng với Nhà hát Opera tạo thành trung tâm của đời sống âm nhạc sôi động ở Viên.

Không chỉ nổi tiếng với những công trình kiến trúc cổ, Vienna còn nổi tiếng với tòa nhà vô cùng độc đáo do Hundertwasser thiết kế – KunstHausWien. Có người đã nhận định tham quan ngôi nhà này là một chuyến phiêu lưu của thời hiện đại, một chuyến đi vào mảnh đất của kiến trúc sáng tạo, một làn điệu, một bản giao hưởng cho những bàn chân và đôi mắt. Đặc trưng của KunstHausWien là sàn, tường và trần đều không phải là những mặt phẳng mà là những mặt cong.

Lý giải cho thiết kế này, Hundertwasser viết: ”…Một mặt sàn không bằng phẳng nhằm khôi phục lại nhân phẩm của một người đã bị vi phạm trong hệ thống mạng lưới đô thị thù địch và mất tự nhiên của chúng ta’’.

Rời KunstHausWien, dạo bước trên bờ sông Danube thơ mộng khi màn đêm buông xuống, thành Viên dường như càng toát lên vẻ đẹp cao sang, quyền quý và cũng thật hào nhoáng. Nước sông Danube không ngừng chảy và nhịp sống nhộn nhịp chốn đô thị phồn hoa này tiếp tục guồng quay của nó như bao thế kỷ qua.

Đến Viên mà không cưỡi bánh xe Ferris khổng lồ – một kiệt tác của công nghệ thế kỷ 19 và là bánh xe nổi tiếng nhất thế giới – thì quả là uổng phí.

Nằm trên bờ của một nhánh sông Danube,bánh xe cao 64,75m và có đường kính 60,96m, là một trong những điểm nhấn văn hóa và kiến trúc ở thành Viên trong hơn 100 năm qua. Với 15 cabin, bánh xe sẽ giúp du khách ngắm toàn cảnh thành phố tráng lệ từ thấp tới cao trong 10 phút.

Bánh xe Ferris nằm trong tổ hợp công viên vui chơi giải trí. Không giống những bánh xe khổng lồ ở London, Blackpool, ParisChicago, bánh xe Ferris ở Viên tồn tại qua những thảm họa tự nhiên và chiến tranh. Sau năm 1945, bánh xe này lại tiếp tục quay, tượng trưng cho sự tái thiết của thành Viên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *